Niềm tin vắc xin Covid-19

Lô vắc xin Covid-19 đầu tiên về Việt Nam.

Mong mỏi vắc xin

Với hơn 200.000 liều vắc xin được nhập về vào cuối tháng 2-2021, Bộ Y tế quyết định trước tiên ưu tiên tiêm cho vùng tâm dịch Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh. Trước thông tin về việc tiêm vắc xin, đa số người dân Việt Nam khi được hỏi đều vui mừng cho rằng họ rất mong chờ, bởi đây là biện pháp hữu hiệu phòng, chống dịch.

Bà Phạm Thị Nga (phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, thời gian qua dịch Covid-19 đã khiến cuộc sống và công việc của các thành viên trong gia đình bị ảnh hưởng lớn, bà mong mỏi sẽ có đủ vắc xin để tiêm cho người dân, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực mà đại dịch gây ra suốt hơn 1 năm qua.

Khác với các nước và các quy trình tiêm chủng trước đây, Việt Nam sẽ thực hiện khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin ngừa Covid-19 để đảm bảo an toàn tiêm chủng, dù mất nhiều thời gian hơn. Bên cạnh đó, để quản lý thông suốt và đồng bộ chiến dịch tiêm chủng, Bộ Y tế sẽ quản lý dữ liệu từng người tiêm trên hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân. Hiện Việt Nam đã hoàn tất hơn 97 triệu hồ sơ.

Bộ Y tế yêu cầu từng cơ sở y tế, cơ sở tiêm chủng phải tải phần mềm do Bộ Y tế thiết kế để phục vụ việc tiêm chủng một cách tốt nhất, và mỗi người dân cần phải tải ứng dụng hồ sơ sức khỏe. Việc này vừa giúp ngành Y tế tăng cường chủ động giám sát từ cơ sở y tế vừa nhanh chóng nhận được phản ánh người dân về những bất lợi sau tiêm. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, “hệ thống tiêm chủng của Việt Nam sau này sẽ liên thông với quốc tế, sau này sẽ có hộ chiếu vắc xin, quản lý toàn bộ bằng QR code”.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, trong lịch sử vắc xin, đây là vắc xin phát triển nhanh nhất, sản xuất nhanh nhất và đưa vào sử dụng nhanh nhất. Tuy nhiên, cũng do thời gian chưa đủ dài để theo dõi toàn bộ tiến trình thử nghiệm lâm sàng, đánh giá về hiệu quả nên ý kiến của nhà sản xuất, cơ quan nghiên cứu đối với thời gian bảo vệ của một số loại vắc xin có sự khác nhau. Có cơ sở khẳng định thời gian bảo vệ của vắc xin là 1 - 2 năm, song có đơn vị khẳng định rằng chỉ được 6 tháng. Do đó, Bộ trưởng cũng lưu ý, phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19 là có thể, vì không vắc xin nào đảm bảo 100% an toàn; có thể xảy ra phản ứng thông thường và phản ứng bất lợi.

Chuẩn bị kỹ lưỡng

Để tổ chức thành công chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, theo GS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, mọi công tác chuẩn bị đều phải được thực hiện kỹ càng, từ cơ sở vật chất, dây chuyền lạnh để bảo quản vắc xin đến việc thực hành đúng theo hướng dẫn của chương trình tiêm chủng mở rộng.

Trong bối cảnh hiện nay và chỉ dẫn của nhà sản xuất, vắc xin sẽ được ưu tiên tiêm cho các đối tượng chưa phơi nhiễm Covid-19. Với các trường hợp đã nhiễm và khỏi Covid-19 thì phải sau 6 tháng mới được tiêm vắc xin bởi với những trường hợp này, trong cơ thể họ đã có một ít kháng thể để phòng bệnh.

Trường hợp không được tiêm là những người dị ứng với thành phần của vắc xin, có phản ứng nặng với mũi tiêm trước, những người được cán bộ y tế xác định chưa đủ điều kiện tiêm chủng.

Những người cao tuổi, mắc các bệnh lý nền là đối tượng rất dễ nhiễm vi rút SARS-CoV-2 và một khi mắc bệnh thì sẽ có những biểu hiện rất trầm trọng. Với nhóm đối tượng này, theo ông Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế, trong thời gian tới khi có được nguồn cung vắc xin dồi dào, các cán bộ y tế sẽ tiến hành khám sức khỏe một cách chu đáo, hướng dẫn cẩn thận trước khi tiêm và theo dõi phản ứng sau tiêm.

An Hà