Nơi lưu giữ những tư liệu, hiện vật quý của huyện Quảng Xương

Với tổng diện tích 10.440m2, nhà truyền thống huyện Quảng Xương được chia thành 5 phân khu.

Phân khu I: Bao gồm bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh cao 5,2m, phía sau là bức phù điêu cao 6m, rộng 5m. Đây là bức tranh khái quát chung nhất tiến trình lịch sử, văn hóa, cách mạng của đất và người Quảng Xương từ buổi bình minh cho đến ngày hôm nay.

Và chiếc trống đồng được mô phỏng theo hình dáng của chiếc trống đồng cổ được tìm thấy ở xã Quảng Giao vào năm 1931, với chiều cao 9,2cm; đường kính bề mặt trống 1,3m.

Phân khu II là những hiện vật đồ đá, như bát, đĩa, hũ gốm; những dụng cụ thuộc các ngành nghề truyền thống của huyện Quảng Xương như bộ chày giã gạo, đôi thùng gánh mắm, bộ đồ nghề làm mộc, bộ đồ nghề khai thác đá, bộ đồ nghề dệt, bàn xe đay; nhạc cụ dân tộc; những bộ trang phục truyền thống ...

Phân khu III là những bức ảnh khái quát toàn bộ quá trình đấu tranh cách mạng của huyện Quảng Xương từ năm 1945-1975 như: Một số hiện vật của đồng chí Tố Hữu trong thời kỳ hoạt động bí mật ở Quảng Xương để xây dựng và chỉ đạo phong trào Việt Minh năm 1944; ngôi nhà của bà Lê Thị Kếch, (xã Quảng Thọ) - nơi nuôi dấu đồng chí Tố Hữu trong thời kỳ hoạt động bí mật tại Quảng Xương; cầu Ghép từ thời chiến đến thời bình - là tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền hai bờ Bắc - Nam, đảm bảo cho giao thông được thông suốt...

Phân khu IV và phân khu V mô tả kết quả đạt được trong việc khôi phục kinh tế, xây dựng quê hương và hệ thống chính trị ở Quảng Xương qua các thời kỳ lịch sử.

Nguyễn Đạt