Ôn tập trực tuyến cho học sinh khối 12 tại TP.HCM: Mong phụ huynh phối hợp

Học sinh khối 12 Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, TP.HCM ôn tập trực tuyến. Ảnh minh họa NTCC

Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1), học sinh khối 12 ôn tập online vào các buổi sáng trong tuần (15-20 tiết/tuần). Theo kế hoạch dự kiến, học sinh có 4 tuần học trực tuyến.

Theo đó, vào hồi giữa tháng 5 trường đã có một đợt thi thử trực tuyến và trong thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức thi thử trực tuyển để nắm tình hình ôn tập của học sinh.

Cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết thời điểm học trực tuyến ngoài sự nỗ lực, tâm huyết của thầy cô giáo bộ môn thì sự tự giác, ý thức học tập của học sinh là rất quan trọng.

Các em sẽ phát huy kỹ năng tự học của mình, đồng thời ôn tập nhưng phải giữ sức khỏe, chế độ nghỉ ngơi hợp lý cũng như tuân thủ các quy định, các biện pháp phòng dịch Covid-19 của ngành y tế.

Liên quan đến ôn tập cho khối 12, cô Lê Tường Quyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (Quận 1) chia sẻ, học sinh học online vào các buổi sáng từ thứ Hai tới thứ Sáu. Học sinh ôn tập 3 -5 tiết/môn, sắp xếp theo đăng kí bài tổ hợp thi xét tốt nghiệp, khối xét tuyển ĐH.

Học sinh khối 12 ôn tập trực tuyến để chuân bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh T.Minh

Tại Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (Quận 6), từ ngày 31/5, toàn bộ khối 12 của trường chuyển qua ôn tập trực tuyến. Học sinh ôn tập các môn thi bắt buộc và tổ hợp tự chọn để xét tốt nghiệp cũng như chú trọng vào khối thi để xét tuyển ĐH.

Học sinh học theo thời khóa biểu, trong đó Toán học 8 tiết/tuần, các môn còn lại 6 tiết/tuần. Các thầy cô giao thêm bài tập và tài liệu ôn tập cho học sinh qua các đường link và group lớp, một số thầy cô có bài giảng video để học sinh có thể theo dõi nội dung bài học lại.

Thầy Trần Minh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, việc học tập trực tuyến các em và giáo viên đã quen và không có gì quá khó khăn. Tuy nhiên, nếu xét về hiệu quả cao như học trực tiếp thì không thể bằng.

Việc dạy học online phụ thuộc các yếu tố như thiết bị, mạng internet và nhất là ý thức tự giác của học sinh. Tuy nhiên, học trực tuyến là giải pháp phù hợp nhất, tốt nhất trong giai đoạn này.

Tương tự, tại Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10), học sinh khối 12 ôn tập vào các buổi sáng trong tuần và chiều thứ Hai, Tư, Sáu.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho hay, việc dạy học online thầy trò của nhà trường đã quen. Các thầy cô đã được tập huấn kĩ càng về việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy từ khi chưa có dịch Covid-19. Học sinh cũng quen với hình thức giảng dạy này kể từ năm học trước khi các em phải tạm dừng đến trường để phòng dịch.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra đó là để việc học trực tuyến tốt phụ thuộc vào các thiết bị cũng như đường truyền internet. Bên cạnh đó, để soạn một bài giảng, ôn tập cho các tiết học trực tuyến cũng đòi hỏi giáo viên phải bỏ rất nhiều công sức hơn. Chưa kể, việc giám sát học tập của học sinh cũng gặp khó khăn, điều này đòi hỏi tính tự giác, ý thức của học sinh.

Nhà trường cũng rất mong phụ huynh hãy phối hợp cùng thầy cô động viên, sâu sát trong việc ôn tập của các em trong thời điểm này.

Ôn tập nhưng các em cũng chú trọng đến sức khỏe, nghỉ ngơi phù hợp và tạo tâm lý thoải mái.

Theo đó, hiện các giáo viên sẽ hệ thống kiến thức cho học sinh và triển khai cho các em làm các dạng đề phù hợp, sửa bài, củng cố kiến thức. Những học sinh khá giỏi sẽ được ôn tập nâng cao.

Trước đó, ngày 27/5, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có thông báo yêu cầu tất cả các hoạt động ôn tập, phụ đạo, bồi dưỡng học sinh cuối cấp (nếu có) phải thực hiện bằng hình thức trực tuyến từ ngày 28/5. Các trường ngoài công lập dừng hoạt động nội trú (nếu có) trước ngày 30/5.

Kế tiếp, ngày 30/5, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn về tạm ngưng tất cả các hoạt động tập trung quá số người theo quy định giãn cách của UBND TP.HCM.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 TP có 88.774 thí sinh đăng kí dự thi. Trong đó, số thí sinh THPT là 80.775 và GDTX là 7.999.

Cụ thể, số thí sinh đăng kí dự thi môn Toán là 88.336, môn Ngữ văn là 87.219 và môn tiếng Anh là 77.369, ngoài ra còn các môn ngoại ngữ khác như tiếng Pháp, Trung, Đức, Nhật, Hàn.

Số thí sinh đăng kí dự thi môn Lịch sử là 35.662, môn Địa lý là 35.130, môn GDCD là 26.820, môn Hóa học 52.232, môn Vật lý 51.915, môn Sinh học 51.794.

TP.HCM dự kiến quy hoạch số lượng điểm thi là 160 điểm với 3.868 phòng thi. Dự kiến, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia coi thi khoảng 15.000 người.

Số cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia chấm thi (làm phách, lên điểm, chấm trắc nghiệm, tự luận…) khoảng 3.000 người. Ngoài ra, còn một lực lượng rất lớn thanh tra thi, công an, điện lực, y tế… cùng tham gia công tác liên quan đến kỳ thi.

Thành phố đã đầu tư cấp ngân sách trang bị các phương tiện phòng chống dịch, cung cấp hơn 1 tỷ đồng để trang bị nước rửa tay và khẩu trang... ở các điểm thi. Sở cũng đang nghiên cứu thực hiện các điểm thi dự phòng tùy tình hình diễn biến dịch.