OPEC+ giảm sản lượng, Mỹ tuyên bố bán thêm dầu từ kho dự trữ chiến lược

Các đại biểu của Liên minh OPEC+ tổ chức họp báo công bố quyết định giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày tại Viena, Áo hôm 5-10. Ảnh: Getty

Các nhà phân tích ngành dầu mỏ cho biết, đợt cắt giảm sản lượng dầu lớn nhất của OPEC+ kể từ tháng 4-2020 báo hiệu ý định giữ giá cao sau 7 năm (2015-2021) thị trường tương đối trầm lắng.

Quyết định trên, được ra tại cuộc họp của OPEC+ ở Vienna (Áo) hôm 5-10 , có thể làm suy yếu kế hoạch của nhóm các cường quốc công nghiệp G7 nhằm áp trần giá dầu của Nga trên thị trường toàn cầu, một phần quan trọng trong cuộc chiến kinh tế của phương Tây với Moscow. Nó được đưa ra chưa đầy ba tháng sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Saudi Arabia trong một nỗ lực thuyết phục nước này tăng sản lượng để hạ nhiệt giá dầu, giúp Mỹ chống lạm phát.

Reuters dẫn một nguồn tin cho biết ngày trước thềm cuộc họp, Mỹ đã hối thúc OPEC+ không giảm sản lượng vì cho rằng các yếu tố cơ bản của thị trường không ủng hộ điều này. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Abdulaziz Bin Salman nói rằng quyết định hạn chế nguồn cung sẽ được duy trì cho đến cuối năm sau, trừ khi thị trường thay đổi.

Vẫn chưa rõ con số sản lượng giảm 2 triệu thùng/ngày có tính đến sản lượng cắt giảm tự nguyện của một số thành viên OPEC như Saudi Arabia hay không, hoặc có bao gồm mức sản lượng không đạt mục tiêu của OPEC+ hiện nay hay không. Trong tháng 8, sản lượng OPEC+ hụt đến 3,6 triệu thùng/ngày so với mục tiêu đặt ra.

Sau khi tăng vượt mức 100 đô la/thùng sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine, giá dầu đã giảm 32% trong bốn tháng qua do làn sóng tăng lãi suất, đồng đô la mạnh và mối lo kinh tế toàn cầu suy thoái. Trong tháng 9, giá dầu chuẩn quốc tế Brent lần đầu tiên giảm xuống dưới 83 đô la/thùng kể từ tháng 1.

Chốt phiên giao dịch hôm 5-10, giá dầu Tây Texas (WTI) tại New York tăng 1,4%, lên mức 87,76 đô la/thùng, còn giá dầu Brent ở London tăng 1,7%, lên mức 93,37 đô la/thùng.

Một điểm dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ ở Freeport, bang Texas. Nhà Trắng cho biết sẽ cung cấp thêm cho thị trường 10 triệu thùng dầu từ kho dữ trữ dầu chiến lược trong tháng 11 tới. Ảnh: Reuters

Trước cuộc họp, các thành viên OPEC+ cho rằng bất kỳ quyết định giảm sản lượng nào chỉ là một phản ứng kỹ thuật trước triển vọng u ám của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng đang chậm lại rõ rệt ở Trung Quốc, nơi các hạn chế liên quan đến Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến nhu cầu dầu.

“Quyết định giảm sản lượng chỉ mang tính kỹ thuật, không phải chính trị”, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Suhail al-Mazroui nói và cho biết thêm mối lo ngại về suy thoái toàn cầu là một trong những chủ đề chính của cuộc họp.

Saudi Arabia và các thành viên khác của OPEC+ cho biết họ chỉ tìm cách ngăn chặn sự biến động của giá dầu thay vì nhắm vào một mức giá dầu cụ thể.

Tuy nhiên, sau cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên dầu mỏ Nigeria, Timipre Sylva đã bày tỏ nhận định thẳng thắn về động lực cắt giảm sản lượng của OPEC+. “OPEC+ muốn giá dầu duy trì ở mức khoảng 90 đô la Mỹ. Một số nền kinh tế trên thế giới sẽ bất ổn nếu giá dầu thô giảm xuống dưới mức đó”, ông nói.

Các nhà phân tích cho biết động thái giảm sản lượng dầu đáng kể của OPEC+ là một chiến thắng lớn cho Nga, nước đã chứng kiến sản lượng dầu suy giảm 1 triệu thùng/ngày kể từ khi chiến sự xảy ra ở Ukraine. Vào ngày 5-12, Nga sẽ đối mặt với viễn cảnh bị Liên minh châu Âu (EU) cấm vận dầu mỏ và bị G7 áp trần giá dầu, đe dọa làm suy giảm thêm doanh số xuất khẩu dầu của Nga. “Rõ ràng là OPEC+ đang đứng về phía Nga”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên.

Các nhà phân tích của Ngân hàng Citi nhận định nếu động thái giảm sản lượng của OPEC+ đẩy giá dầu lên cao, điều này sẽ gây tức giận cho chính quyền Tổng thống Joe Biden trước cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. “Có thể sẽ có thêm phản ứng chính trị từ Mỹ, bao gồm việc bán thêm dầu từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR), cùng với một số biện pháp trả đũa bất ngờ khác bao gồm việc thúc đẩy dự luật NOPEC”, báo cáo của Ngân hàng Citi cho biết khi ám chỉ dự luật chống độc quyền nhằm vào OPEC.

Trong một tuyên bố chung hôm 5-10, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng, Jake Sullivan và Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ, Brian Deese cho biết Tổng thống Joe Biden “thất vọng trước quyết định thiển cận của OPEC +” nhằm cắt giảm hạn ngạch sản xuất trong khi nền kinh tế toàn cầu đang đối phó với tình trạng tiêu cực kéo dài do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tuyên bố cho rằng các nước có thu nhập thấp và trung bình trên toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nguồn cung dầu trên thị trường giảm.

Tuyên bố cho biết: “Theo chỉ đạo của Tổng thống, Bộ Năng lượng Mỹ sẽ cung cấp thêm 10 triệu thùng từ SPR ra thị trường vào tháng tới”. Tuyên bố cũng cho hay chính phủ Mỹ sẽ tham vấn với Quốc hội về các công cụ phản ứng bổ sung để giảm bớt sự kiểm soát của OPEC đối với giá năng lượng.

Vào tháng 3, Tổng thống Biden quyết định xuất bán 1 triệu thùng dầu từ SPR mỗi ngày trong vòng 6 tháng để chống lại giá khí đốt cao kỷ lục, lạm phát tăng và tình trạng gián đoạn thị trường do cuộc chiến ở Ukraine gây ra. Thời hạn giải phóng khoảng 180 triệu thùng dầu từ SPR của Mỹ dự kiến kết thúc vào ngày 31-10.

Theo WSJ, Reuters, Bloomberg

Chánh Tài