PGS. TS. Chu Cẩm Thơ: Khi chọn nghề, người trẻ đừng sa đà vào 'tin hot' về mức lương mà thiếu thấu hiểu bản thân

PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, người trẻ cần phải hiểu năng lực của bạn thân khi chọn nghề. (Ảnh: NVCC)

Trong xu hướng toàn cầu hóa, xã hội đang có sự dịch chuyển cơ cấu ngành nghề. Học sinh phổ thông là đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất của sự dịch chuyển này. Vậy nên, việc định hướng nghề nghiệp sớm cần thiết thế nào, theo bà?

Thực tế khoa học giáo dục chỉ ra rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng của quá trình giáo dục phổ thông là định hướng nghề nghiệp cho nhân lực ở tương lai. Kinh nghiệm truyền lại từ ông cha ta cũng luôn nhắc nhở việc dạy nghề, dạy qua lao động.

Trong bối cảnh ngày nay, bất kỳ ai, đặc biệt là giới trẻ, đều chịu tác động của các vấn đề toàn cầu, chẳng hạn như công nghệ số, môi trường. Các khuyến nghị từ Diễn đàn kinh tế thế giới, các nghiệp đoàn lao động và các hiệp hội ngành nghề đều cho thấy, có sự dịch chuyển cơ cấu ngành nghề rất lớn.

Những nghề liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật đang thiếu hụt lực lượng lao động trầm trọng. Ở khối ngành dịch vụ, lao động thô sơ sẽ có xu hướng giảm bởi sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của rô bốt và các quy trình tự động hóa.

Đặc biệt, sự dịch chuyển cơ cấu ngành nghề đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn. Dẫn đến nhiều nghề sẽ biến mất hoặc những nghề mới ra đời, trong khi nhận thức của con người chưa theo kịp. Nghĩa là, ở một khía cạnh nào đó, giáo dục hướng nghiệp sẽ bị lạc hậu, tất nhiên, người học sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

Chúng ta nói nhiều đến sự cần thiết của hướng nghiệp và không phủ nhận cần phải hướng nghiệp sớm. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ thực hiện hướng nghiệp một cách rời rạc, độc lập sẽ là một sai lầm.

"Các tiêu chí lựa chọn nghề không chỉ đến từ xu thế của xã hội, mà còn ở sự thấu hiểu bản thân: ở điều kiện và năng lực. Nhiều người trẻ có thể bị sa đà vào những 'tin hot' về mức lương, về môi trường làm việc, mà thiếu đi sự trải nghiệm thực tế để hiểu chiều sâu con người mình".

Ở các giai đoạn học sinh nhỏ tuổi, cần tích hợp hướng nghiệp vào các nội dung giáo dục khác, tập trung vào sự trải nghiệm.

Sau giai đoạn dậy thì (khoảng cuối THCS) chúng ta sẽ tổ chức các hoạt động hướng nghiệp chuyên sâu hơn, cần thiết phải thực hành ở một số mô hình doanh nghiệp - trường nghề, để các em định hình rõ nét hơn về giá trị của nghề và sự phù hợp của bản thân.

Hiện nay, hầu hết các quốc gia đang có sự dịch chuyển giáo dục hướng nghiệp, bằng cách gia tăng trải nghiệm và tích hợp trong giáo dục. Chẳng hạn, Malaysia, Singapore đang rất thành công với giáo dục STEM. Trong khi đó, Indonesia trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục toán học thực (RME).

Khi tích hợp tốt các vấn đề thực tiễn nghề nghiệp vào giáo dục thì hướng nghiệp sẽ có được những kết quả bền vững. Bên cạnh đó, công tác phân luồng cũng được các quốc gia chú trọng thực hiện.

Việc phân luồng được thực hiện không phải để hạn chế số lượng người vào học đại học mà là sự chuẩn bị tốt nhất cho công dân trong hài hòa nhu cầu, sự phát triển của thị trường lao động và năng lực của con người. Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong phân luồng khi tâm lý “chọn nghề dựa vào trình độ” vẫn còn đang phổ biến.

Khi chọn nghề, người trẻ đừng sa đà vào 'tin hot' về mức lương mà thiếu thấu hiểu năng lực bản thân. (Nguồn: VGP)

Nhà trường muốn tạo ra thế hệ học sinh tự tin hội nhập, trở thành nhân sự chất lượng cao thì cần có sự kết nối ra sao để các bạn trẻ không phải đứng giữa "ngã ba đường" chọn nghề?

Trong vài năm gần đây, xu hướng các trường học phổ thông chủ động tổ chức các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp tăng nhanh.

Chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình giáo dục phổ thông 2018) cũng yêu cầu dành một thời lượng rất lớn cho hoạt động trải nghiệm.

Đặc biệt, giáo dục bậc trung học (THCS, THPT) đã đặt ra yêu cầu trọng tâm là trải nghiệm hướng nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế, khi số lượng các trường tổ chức trải nghiệm tăng lên thì thấy ngay "lỗ hổng" từ hệ sinh thái.

Cụ thể, thiếu môi trường để học sinh trải nghiệm nghề nghiệp. Các trường nghề (bao gồm cả các trường đại học) còn lúng túng khi chưa sẵn sàng đón học sinh phổ thông đến trải nghiệm, mà thực chất họ chưa tổ chức được các hoạt động hướng nghiệp có chiều sâu.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng chưa vào cuộc như một mắt xích quan trọng của hoạt động hướng nghiệp. Một số doanh nghiệp có đón nhận sinh viên thực tập và bản thân chất lượng của hoạt động này cũng là một vấn đề còn “bỏ ngỏ”, chứ chưa nói đến việc họ tham gia tổ chức các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.

Hơn nữa, khi các doanh nghiệp không tham gia hướng nghiệp, họ sẽ gặp khó khăn cho quá trình tuyển dụng nhân lực.

Ngày nay, với sự cạnh tranh khốc liệt về nguồn nhân lực, việc "giáo dục nhân viên tương lai” trở thành một phương thức hữu ích của các nhà tuyển dụng. Tham gia hướng nghiệp cho giới trẻ cũng là một xu hướng để thực hiện mục tiêu kép trong truyền thông, phát triển hệ sinh thái xã hội sáng tạo của bất kỳ trường đại học, trường nghề và doanh nghiệp nào.

Theo khảo sát của CLB Mạng lưới quản lý giáo dục không biên giới (EdulightenUp), việc tổ chức hướng nghiệp trải nghiệm ở các đơn vị cung cấp dịch vụ này hiện nay thiên về vui chơi, trải nghiệm giải trí (trang trại giáo dục, xưởng STEM…). Điều này gây hạn chế việc nhận thức và niềm tin hành động của các học sinh tham gia trải nghiệm.

Việc hướng nghiệp có thành công khi học sinh được giáo dục trong một hệ sinh thái đồng tâm, là sự phối hợp giữa gia đình (định hướng từ truyền thống, từ niềm tin…), nhà trường (chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục) và xã hội (chủ lực là trường nghề, doanh nghiệp).

Cần phải có sự chung tay thực hiện giáo dục hướng nghiệp của 3 thành tố trên. Trong đó, nhà trường là chủ thể có vai trò kết nối, thực thi quan trọng nhất.

Mạng lưới này cũng đã triển khai thành công dự án mô hình “Tam giác Hướng nghiệp hiệu quả” với sự tham gia của Trường THPT - Trường đại học/trường nghề - doanh nghiệp. Từ kết quả của dự án này, cho thấy, các trường học cần chủ động hơn trong kết nối “3 nhà”.

Ngay cả đối với trường đại học, khi tham gia dự án, họ cũng sẽ có sự điều chỉnh hợp lý trong tuyển sinh, đào tạo để việc đào tạo của họ gắn với thực tiễn hơn.

Các nghiên cứu cũng có giá trị chuyển giao. Đương nhiên, học sinh là đối tượng được hưởng lợi nhất. Các em sẽ được thực hành, tìm hiểu sâu ở các môi trường nghiên cứu, đào tạo, thực hành nghề nghiệp. Từ đó, các em sẽ có những thông tin quan trọng cho quyết định chọn nghề của mình.

Trong một thế giới luôn thay đổi, ngay chính bạn trẻ cũng cần sẵn sàng thay đổi, luôn học hỏi không ngừng, đối mặt với thách thức chứ không phải phó thác cho trò chơi “may rủi” hay phải đi “chuyến tàu vét” khi chọn nghề. Bà có lời khuyên gì cho người trẻ?

Giáo dục là để chuẩn bị cho cuộc sống. Trường học ngày nay cần gần với “trường đời” hơn, để các bài học có ý nghĩa thực tế hơn. Tuy nhiên, có không nhỏ một bộ phận học sinh, nhà trường vẫn chưa nhận thức được điều này.

Nếu người học bị động, chỉ thực hiện việc học tập các kiến thức mà không sẵn sàng trải nghiệm thì chắc chắn các em sẽ không đủ tự tin để quyết định nghề tương lai và cũng không có động lực, thái độ tốt cho việc "vào đời” với tâm thế một người lao động, một người làm chủ cuộc đời của các em, làm chủ xã hội.

Sự biến động của xã hội sẽ diễn ra nhanh chóng, khôn lường. Nhưng con người với năng lực của bản thân sẽ thích nghi được với sự thay đổi đó, chỉ cần con người có tâm thế học hỏi, trải nghiệm.

Các tiêu chí lựa chọn nghề không chỉ đến từ xu thế của xã hội, mà còn ở sự thấu hiểu bản thân: ở điều kiện và năng lực. Nhiều người trẻ thiếu đi vế thứ hai này, các em có thể bị sa đà vào những “tin hot” về mức lương, về môi trường làm việc, mà thiếu đi sự trải nghiệm thực tế để hiểu chiều sâu con người mình.

Nghề nào cũng cần chúng ta có một thái độ nghiệm túc, say mê, chăm chỉ, nhất là đủ sức khỏe để thực hiện. Công việc tương lai có chờ, có chọn chúng ta hay không hoặc có được chúng ta chọn để thành công hay không chính là nhờ vào sự chuẩn bị đầy đủ: sức khỏe, tâm lý, thái độ, hiểu biết của chúng ta về nghề, về nghiệp đó.

Xin cảm ơn bà!

Kim Thoa