Phải bảo đảm kỳ thi tuyệt đối an toàn

Thanh tra Sở GD&ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị cơ sở vật chất tại điểm thi Trường THPT Đồng Hỷ.

P.V: Thưa ông, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được tổ chức trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Vậy, toàn tỉnh đã có sự chuẩn bị như thế nào cho kỳ thi?

Ông Đào Xuân Tân: Hiện nay, vấn đề lo ngại nhất vẫn là kiểm soát dịch COVID-19 trong khi kỳ thi có trên 20.000 người tham gia (gồm cả thí sinh và giám thị, đội ngũ phục vụ). Theo đăng ký, kỳ thi năm nay có gần 17 nghìn thí sinh dự thi, tăng gần 2.000 thí sinh so với năm trước. Ban Chỉ đạo tỉnh đã bố trí 33 điểm thi, trong đó, mỗi điểm thi đều bố trí 2 phòng thi dự phòng cho những thí sinh có vấn đề về sức khỏe, kể cả tình huống phải cách ly do nghi có dịch COVID-19. Các điểm thi được bố trí thiết bị đo thân nhiệt và đội ngũ cán bộ y tế, thiết bị y tế túc trực tại chỗ trong suốt thời gian tổ chức thi.

Song song với các kế hoạch của Bộ GD&ĐT, Ban Chỉ đạo tỉnh cũng đã có kịch bản dự phòng cho những tình huống phát sinh, trong đó có cả phương án đối phó với tình huống có nguồn lây nhiễm COVID-19 tại các điểm thi. Về nguyên tắc, phải bảo đảm các điều kiện an toàn thì mới tổ chức thi.

P.V: Đối với ngành Giáo dục, đến nay công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Đào Xuân Tân: Các thí sinh đã có thời gian khá dài (trên 2 tháng) phải học và ôn tập trực tuyến nên cũng có những thiệt thòi nhất định. Tuy nhiên, theo báo cáo của các nhà trường, đã có trên 90% số học sinh được học đầy đủ kiến thức phổ thông, đặc biệt là có trên 98% số học sinh lớp 12 được ôn tập và rèn luyện kỹ năng làm bài thi.

Sau 2 đợt thi thử tốt nghiệp THPT, kết quả tham khảo cho thấy học sinh nhiều trường đạt số điểm cao, tỷ lệ đỗ tham khảo là trên 99%, kể cả ở vùng nông thôn, miền núi.

Cùng với đó, để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, chính quyền địa phương, nhà trường và đoàn thanh niên các cấp đã chuẩn bị hàng nghìn suất ăn, nước uống và phương tiện ứng phó nhanh miễn phí để hỗ trợ các thí sinh trong những ngày thi.

P.V: Ông có thể cho biết thêm về vai trò, trách nhiệm phối hợp giữa các ngành thuộc Ban Chỉ đạo tỉnh?

Ông Đào Xuân Tân: Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, hai vấn đề quan trọng luôn được đặt ra là: An toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 và tính nghiêm túc trong kỳ thi.

Hiện nay ngành Công an không chỉ bảo vệ các mục tiêu an toàn cho đề thi và chống tiêu cực trong tổ chức thi, mà còn thực hiện các nhiệm vụ khác, như: Nắm bắt diễn biến về mật độ tham gia giao thông, phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông phân luồng, phân làn, tổ chức đưa, đón thí sinh... Các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão sẵn sàng phương án ứng phó khi xảy ra thiên tai các điểm thi. Ngành Điện bảo đảm cung cấp điện ổn định và quan trọng là phải duy trì điện cho hệ thống camera giám sát tại các điểm thi. Với ngành Y tế bên cạnh chuẩn bị các điều kiện chăm sóc sức khỏe cho thí sinh, giám thị, đội ngũ phục vụ trong suốt kỳ thi thì còn sẵn sàng phương án phòng, chống dịch tại các điểm thi... Tất cả đều tập trung cho mục tiêu: An toàn, nghiêm túc, khách quan, chất lượng và thuận lợi.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Trần Nguyên (Thực hiện)