Phải xem là chuyện cấp bách để tích cực giải quyết

Lẽ ra khi 19/33 thương nhân đầu mối xăng dầu thực hiện nhập khẩu, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phải xem đó là dấu hiệu cảnh báo – Ảnh: Lê Vũ

Tuy nhiên nếu chúng ta so sánh con số tuyệt đối GDP trong quí 3-2022 so với quí 2 cùng năm, sẽ thấy GDP danh nghĩa đã tăng 2,6%. Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sản lượng nhập khẩu xăng trong quí 3-2022 đã giảm 40% so với quí 2. Để làm ra một giá trị tổng sản phẩm trong nước, cho dù là bằng nhau đi nữa mà lượng xăng nhập khẩu đưa vào tiêu thụ giảm đến gần một nửa, chuyện thị trường thiếu xăng là khó lòng tránh được.

Trong khi đó, lượng xăng dầu của hai nhà máy lọc dầu trong nước dự kiến sản xuất trong quí 3 là 3,9 triệu m3 nhưng chúng ta không có số liệu thực tế của quí 2 để so sánh mức tăng, giảm.

Lẽ ra đứng trước tình hình chỉ có 19 trong tổng số 33 thương nhân đầu mối xăng dầu thực hiện nhập khẩu, các cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã phải xem đó là dấu hiệu cảnh báo. Khi thấy lượng xăng nhập khẩu giảm đến 40%, liên bộ lẽ ra phải nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân để giải quyết.

Như vậy có thể nói chuyện chiết khấu thấp, thậm chí âm khiến các doanh nghiệp bán lẻ xăng thua lỗ chỉ là hệ quả chứ chưa phải là nguyên nhân gốc của tình hình thiếu xăng hiện nay. Thương nhân đầu mối không đủ nguồn hàng, họ mới giảm mạnh chiết khấu để gián tiếp hạn chế đại lý bán lẻ lấy nhiều hàng.

Thiết nghĩ để giải quyết tình trạng thiếu hụt xăng trên thị trường bán lẻ, gây bức xúc trong dư luận xã hội, cần xác định nguyên nhân lượng xăng nhập khẩu giảm mạnh. Có phải đó là do ngân hàng siết tín dụng làm các đầu mối xăng dầu khó lòng mở tín dụng thư để mua hàng nhập về bán? Hay do thời gian vừa qua giá dầu thô giảm nhanh khiến doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu về chưa bán hết phải giảm giá, gây lỗ nặng? Vì sao các công cụ tài chính phòng ngừa rủi ro giảm giá như thế chưa được triển khai ở Việt Nam?

Sau đại dịch Covid-19, tình trạng thiếu hụt nhiều mặt hàng thiết yếu như thuốc men, xăng dầu diễn ra ở nhiều nước nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó có thể là do thiếu tài xế xe bồn chở xăng ở Anh, do đình công ở Pháp hay do thiếu ngoại tệ để nhập khẩu ở nhiều nước đang phát triển… và việc đầu tiên các nước đều phải làm là xác định nguyên nhân rồi tích cực bàn bạc để tìm hướng giải quyết.

Không thể chủ quan cho là tình hình không có gì nghiêm trọng hay bộ này đổ trách nhiệm cho bộ kia. Cần phải xem đây là tình trạng cấp bách, ảnh hưởng đến nhiều người để tích cực giải quyết, kể cả nếu phải họp nhiều bộ, ngành, làm việc liên tục bất kể ngày đêm.

Hướng giải quyết là áp dụng triệt để cơ chế thị trường (đến mức tối đa) bởi chỉ có quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh sẽ giúp tự động hình thành bộ máy hoạt động linh hoạt, giảm đầu mối, ngăn việc đóng cửa ngưng bán. Can thiệp của Nhà nước chỉ nên diễn ra ở các giai đoạn sau để xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh, nghiêm cấm việc bắt tay nhau để bắt ép người tiêu dùng, bảo đảm nguồn cung ngoại tệ cho nhập khẩu hàng thiết yếu, không để ngoại tệ chảy vào nhập khẩu hàng tiêu dùng xa xỉ vì như thế là gián tiếp trợ giá cho người có thu nhập cao, có tiền mua sắm hàng nhập khẩu đắt tiền.

Thư Kỳ