Phân biệt chính đạo - tà đạo để tránh mê muội

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Hệ lụy từ “hiệu ứng đám đông”

Nội dung được đề cập nhiều nhất trong buổi tọa đàm trực tuyến là hoạt động của “Câu lạc bộ Tình người”, có trụ sở ở phố Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã hoạt động nhiều năm qua, mà báo chí đang phản ánh có nhiều dấu hiệu lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi.

Theo Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt, mê tín dị đoan, buôn thần, bán thánh không chỉ ở những nơi hẻo lánh, dân trí thấp mà xuất hiện ngay giữa Thủ đô, ở cả những người là giáo viên, chủ doanh nghiệp, người có học hàm, học vị; tấn công cả vào trường học, công sở, nhà chùa... Dưới sự can thiệp của đồng tiền và lợi nhuận, câu chuyện tín ngưỡng bị lợi dụng một cách tinh vi, khó lường, gây hệ lụy rất lớn cho xã hội ở cả góc độ kinh tế, đạo đức và pháp luật.

Ông Lê Anh Đạt đề cập cụ thể về hoạt động của “Câu lạc bộ Tình người” mà Báo Đại Đoàn Kết đã có loạt bài điều tra là một ví dụ để các khách mời bàn luận, làm rõ, giúp bạn đọc phân định được chính đạo - tà đạo.

Các khách mời buổi tọa đàm nhận hoa của Ban tổ chức.

Lý giải về vấn đề này, nhà sử học Lê Văn Lan, phân tích ở góc độ nghiên cứu: "Điều có tính quy luật của lịch sử phát triển ở Việt Nam là những gì từ thời trung cổ, cận đại vẫn tồn tại trong lát cắt hiện đại. Ở thời hiện đại rồi mà vẫn còn “cúng vong”, “trục vong”, “giải nghiệp” - sản phẩm từ thời trung cổ, thậm chí từ thời nguyên thủy. Như vậy, bóng của quá khứ vẫn đè nặng lên thời sau này”.

Nhà sử học Lê Văn Lan khẳng định, đấy là đặc điểm của con người hiện đại nhưng không hoàn toàn hiện đại, bởi trong căn cốt vẫn không thoát ra khỏi cái bóng của quá khứ, đặc biệt là tư duy về thế giới tâm linh, vẫn bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh, tập tục cổ hủ.

Ông Lê Văn Lan cho biết, đã từng xem cuốn sách đang được truyền bá tại “Câu lạc bộ Tình người” và khẳng định, sách tập hợp thông tin dựa trên quan điểm tín ngưỡng từ thời nguyên thủy là “vong” và “hồn”, kết hợp với một số vấn đề, chi tiết của Phật giáo, khiến người tiếp nhận hiểu sai về tâm linh, tín ngưỡng.

Lý giải tại sao như vậy mà vẫn có nhiều người tin, ông Lê Văn Lan cho rằng, đó là “kỹ thuật” chinh phục đám đông được vận dụng khá tinh vi, khiến nhiều người bị “hiệu ứng đám đông”, không đủ sáng suốt và bị mê muội.

Chia sẻ rõ hơn về giáo lý nhà Phật, Thượng tọa Thích Minh Quang (Phó Chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, Phó Trụ trì Thường trực chùa Bái Đính và chùa Tam Chúc) khẳng định: "Nghiệp không dùng lễ mà giải được, tự tạo thì tự giải".

“Hãy tự có trách nhiệm với lời nói, hành động và ý nghĩ của mình. Nếu biết sống từ bi, làm việc thiện, nói điều hay thì chắc chắn đời sống sẽ bình an”, Thượng tọa Thích Minh Quang nói.

Thượng tọa Thích Minh Quang phát biểu tại buổi tọa đàm.

Cần vai trò của cơ quan quản lý

Qua tìm hiểu và phân tích thông tin liên quan đến “Câu lạc bộ Tình người”, các khách mời đều chung quan điểm cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc điều tra, làm rõ để có hình thức xử lý phù hợp.

"Tôi thấy hoạt động của “Câu lạc bộ Tình người” là dựa trên sự tưởng tượng về “vong”... Trong giáo lý hoạt động của câu lạc bộ này còn đề cập những ngôn từ là “mạt pháp”, tức là đụng chạm đến quốc gia, xã hội và thời đại. Do đó, tôi cho rằng, các cơ quan có trách nhiệm cần phải hành động”, ông Lê Văn Lan nhấn mạnh.

Nhà sử học Lê Văn Lan phát biểu tại buổi tọa đàm.

Thượng tọa Thích Minh Quang cũng chia sẻ: "Trục lợi tâm linh là tội lỗi rất lớn, là tạo nghiệp rất nặng. Do đó, mỗi người khi thấy được việc này cần phải lên án".

Trong khi đó, Tiến sĩ Luật học Lê Ngọc Khánh (Hãng luật TGS) cho rằng, nếu ở góc độ những trường hợp lợi dụng tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, trục lợi thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

“Theo quy định, tất cả các hội nhóm phải được cấp phép thành lập. Vì vậy, nếu “Câu lạc bộ Tình người” hoạt động khi chưa được cấp phép là sai. Và nếu trục lợi thì mắc vào tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 hoặc tội lạm dụng tín nhiệm Điều 175 Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, cần đối chiếu căn cứ theo quy định của pháp luật Việt Nam về: Hình sự, xuất bản, tín ngưỡng, thuế… nhằm xác định tính chất và mức độ vi phạm để có hình thức xử lý phù hợp”, Tiến sĩ Luật học Lê Ngọc Khánh nêu quan điểm.

Hiền Thu