Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Đức tạm ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca

Chiến dịch sơ tán bệnh nhân nặng từ vùng thủ đô Ile-de-France tới các khu vực ít bị ảnh hưởng hơn được triển khai từ ngày 14-3. Ảnh: nicolaspeju.

Ngày 15-3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết những biện pháp hạn chế mới có thể được đưa ra những mấy ngày tới, nhất là ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đó có vùng thủ đô. Cùng ngày, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Đức quyết định tạm dừng tiêm vaccine AstraZeneca.

Tổng thống Pháp khẳng định, các quyết định mới phải sớm được thực hiện vì tình hình tại các bệnh viện, nhất là vùng thủ đô Ile-de-France, đã ở mức rất đáng lo ngại. Ông yêu cầu chính phủ nhanh chóng đưa ra kế hoạch kiềm chế sự lây lan của bệnh dịch để tránh nguy cơ ứng phó quá muộn.

Theo người đứng đầu Nhà nước Pháp, một năm đã qua kể từ khi đợt phong tỏa đầu tiên được áp đặt trên toàn quốc nhằm chặn đà lây lan của dịch Covid-19. Nhiều thứ đã thay đổi trong đó có sự xuất hiện của vaccine, vì vậy mỗi biện pháp chống dịch để bảo vệ sức khỏe của người dân cần phải tính đến yếu tố tâm lý và xã hội. Ông Emmanuel Macron cho biết, những quyết định mới chắc chắn sẽ được đưa ra để bảo vệ những người có nguy cơ nhất, bảo vệ hệ thống y tế, hạn chế tác động tâm lý cho mọi người trong lúc bị phong tỏa.

Hiện có 23 tỉnh ở Pháp áp đặt lệnh phong tỏa vào hai ngày nghỉ cuối tuần do tỷ lệ nhiễm bệnh vượt quá 400 ca/100 nghìn dân. Tình hình có dấu hiệu tích cực tại một số khu vực nhưng số người nhập viện và ca hồi sức cấp tức tăng liên tục trong tuần qua.

Tại vùng thủ đô Ile-de-France, tính tới ngày 15-3 đã có tới 1.166 ca bệnh nặng trong tổng số 4.219 ca trên toàn quốc và vượt ngưỡng cao nhất trong đợt dịch thứ hai vào tháng 11-2020. Tình hình bắt đầu trở nên nghiêm trọng từ hàng chục ngày trước, tuy nhiên chính phủ trì hoãn việc ban hành lệnh phỏng tỏa vào cuối tuần ở vùng thủ đô như tại một số tỉnh "nguy cơ cao" vì tỷ lệ nhiễm bệnh chưa vượt quá 400 ca/100 nghìn dân.

Chính phủ Pháp hy vọng việc tăng cường chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 có thể giúp hạn chế đà lây lan. Mấy ngày trước, Thủ tướng Pháp Jean Castex cho rằng phong tỏa vùng thủ đô là một quyết định rất khó khăn đối với vùng quan trọng và đông dân nhất của nước Pháp, khoảng 12 triệu và hy vọng tình hình sẽ tiến triển tích cực.

Tuy nhiên số liệu thống kê mới nhất cho thấy các bệnh viện ở vùng thủ đô đang ở tình trạng báo động. Nguyên nhân là do mức độ lây lan rất nhanh và gây tỷ lệ tử vong cao của các biến thế mới. Giường hồi sức cấp cứu đã kín bệnh nhân, nên chiến dịch sơ tán bằng máy bay và tàu cao tốc đã được bắt đầu từ ngày 14-3.

Từ mấy tuần trước, các chuyên gia y tế ở vùng Ile-de-France đã liên tục kêu gọi chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa trước khi tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát. Tỷ lệ lây lan không có dấu hiệu giảm, còn tỷ lệ được tiêm chủng vẫn ở mức thấp. Vì vậy cho tới tháng 4 khi số người được tiêm vaccin dự kiến cao hơn nhiều so với hiện nay, chỉ có biện pháp hạn chế ở mức cao nhất mới có thể ngăn chặn đà lây lan mạnh như hiện nay.

Thống kê từ Bộ Y tế Pháp cho thấy tỷ lệ bệnh nhân trẻ tuổi nhập viện và được điều trị hồi sức ngày càng cao, có thể do những người trên 75 tuổi đã được tiêm chủng và biến thể mới dễ lây và nguy hiểm hơn. Hiện có khoảng 66% ca nhiễm mới ở Pháp là do biến thể mới.

Về việc sử dụng vaccine AstraZeneca, có thêm nhiều nước nước châu Âu tạm dừng sử dụng sau khi có thống kê về biến chứng gây đông máu và một số tác dụng phụ đối với một số trường hợp được tiêm. Ngày 8-3, Áo là nước châu Âu đầu tiên dừng tiêm vaccin này sau khi một nữ y tá tử vong. Tiếp đó là Na Uy, Italy, Estonia, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Romania và một số nước khác ở châu Âu.

Tới ngày 14 và 15-3, các nước EU gồm Pháp, Đức, Italy, Hà Lan và Tây Ban Nha cùng đưa ra quyết định ngừng sử dụng vaccin AstraZeneca. Tổng thống Emmanual Macron thông báo Pháp tạm dừng tiêm trong vòng 24 giờ và chờ ý kiến của Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA).

KHẢI HOÀN