Phát huy vai trò của cộng đồng trong cải thiện môi trường du lịch

Người dân tại Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (huyện Bá Thước) thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về hoạt động du lịch.

Cũng dễ hiểu khi Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (huyện Bá Thước) mặc dù mới được khai thác trong vài năm trở lại đây, song khách du lịch ngày càng đông, các phản hồi, đánh giá dành cho điểm đến đều là sự “ưu ái”. Nếu bàn về giá cả dịch vụ, từ dịch vụ ăn uống cho đến lưu trú tại đây, đều cho thấy giá cả không hề rẻ so với các khu du lịch trọng điểm trong tỉnh như: Khu du lịch biển Sầm Sơn, Khu du lịch biển Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn), Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa)... Tuy nhiên, thứ mà hầu hết du khách mang theo khi ra về đó là sự hài lòng, là niềm vui, là nụ cười và lời hứa hẹn sẽ trở lại.

Trong một chuyến khảo sát du lịch tại Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông, đại diện một số đơn vị lữ hành tại Hà Nội khẳng định rằng, du lịch cộng đồng tại đây sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bởi, với một điểm đến mới đi vào hoạt động trong vài năm trở lại đây, song ngay cả dịch vụ homestay cũng được người dân thực hiện rất tốt, rất bài bản. Điểm đến trong lành, homestay sạch đẹp, gần gũi với thiên nhiên, đồ ăn ngon và quan trọng là thái độ phục vụ, đón tiếp của người dân bản địa thân thiện, nồng hậu. Nếu tại đây được phát triển thêm các làng nghề, cửa hàng đồ lưu niệm truyền thống hoặc phát triển thêm các hoạt động trải nghiệm, điểm đến sẽ trở nên hoàn thiện hơn.

Ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết, trong những năm gần đây trên địa bàn huyện đã và đang phát triển mạnh loại hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Trong đó, huyện luôn chú trọng và đề cao vai trò của người dân địa phương trong phát triển du lịch. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia vào hoạt động du lịch, địa phương cũng đã đưa ra nhiều chương trình khuyến khích, hỗ trợ người dân trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền ứng xử văn minh du lịch, vai trò của cộng đồng trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa, môi trường đối với phát triển du lịch bền vững. Hiện nay, huyện Bá Thước đã xây dựng kế hoạch về công tác quản lý hoạt động dịch vụ, xây dựng khung giá dịch vụ... nhằm tạo sự thống nhất trong hoạt động du lịch, theo đó quyền lợi của cộng đồng vừa được đảm bảo và hoạt động du lịch cũng trở nên bài bản.

Và nhắc đến vai trò của cộng đồng trong cải thiện môi trường du lịch (trong đó có cả môi trường xã hội và môi trường tự nhiên), phải kể đến Khu du lịch biển Sầm Sơn. Có thể, trong tâm trí nhiều du khách vẫn còn nhớ như in hình ảnh một Sầm Sơn với bãi biển khắp nơi là rác, người dân ôm chiếu mời du khách tẩm quất dạo, chèo kéo khách mua hàng rong, bán hàng “chặt chém”... Và cũng một thời, du khách đến với Sầm Sơn luôn trong tâm thế “đề phòng, cảnh giác”. Không ít du khách từng cho rằng, với danh hiệu là một trong những khu nghỉ dưỡng biển hàng đầu của miền Bắc, Sầm Sơn dường như đã “ngủ quên” trên vinh quang, từ đó đã nảy sinh nhiều hệ lụy về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là môi trường du lịch.

Có lẽ điều này là dễ hiểu, khi cộng đồng còn thiếu kiến thức về giữ gìn môi trường vì sự phát triển du lịch bền vững, thiếu sự định hướng bài bản. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt, ép giá phòng, giá dịch vụ, ép ăn uống. Về phía cộng đồng dân cư cũng chưa ý thức về quyền lợi của mình, mạnh ai nấy làm.

Là đô thị du lịch trọng điểm của tỉnh, hệ lụy từ sự phát triển thiếu bền vững của Sầm Sơn đã ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cũng như hình ảnh du lịch Thanh Hóa. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành quyết liệt vào cuộc để ngăn chặn “vấn nạn” đang được dư luận quan tâm. Ngày 29-5-2013, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 3771/UBND-KTTC về việc “Chấn chỉnh kỷ cương, nền nếp, thực hiện văn minh du lịch Sầm Sơn” và lấy năm 2013 là “Năm chấn chỉnh kỷ cương, nền nếp, thực hiện văn minh du lịch”. Đồng thời chỉ đạo lấy chất lượng môi trường du lịch làm công cụ kích cầu, tập trung thực hiện phong trào “Cảnh quan đẹp, môi trường sạch, ứng xử văn minh”.

Sau một thời gian triển khai, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đặc biệt là sự nhận thức, vào cuộc của người dân, đến nay Sầm Sơn đã có những bước chuyển mình ngoạn mục. Không còn tình trạng ăn xin, ăn mày, cách ứng xử của cộng đồng cũng trở nên thân thiện... Từ chỗ đứng trước nguy cơ bị tẩy chay, đến nay Sầm Sơn đang vươn lên trở thành một trong những đô thị du lịch trọng điểm của cả nước. Trong đó, dấu mốc quan trọng đó là vào năm 2017, tại Lễ vinh danh doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam năm 2017, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, Sầm Sơn được công nhận là 1 trong 5 khu du lịch hấp dẫn nhất cả nước, do du khách và các công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch cả nước đánh giá và bầu chọn. Đây là sự khẳng định, ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Sầm Sơn trong cải thiện môi trường du lịch.

Có thể nói, không chỉ tại Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông hay Khu du lịch biển Sầm Sơn, mà ở bất cứ khu, điểm du lịch nào trên địa bàn tỉnh, cộng đồng cũng cần được xác định là trung tâm của hoạt động du lịch. Theo đó, cùng với sự quản lý, chặt chẽ theo quy định của pháp luật, các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để người dân tham gia tích cực vào hoạt động du lịch. Từ lợi ích mà hoạt động du lịch mang lại, cộng đồng sẽ hiểu rõ hơn về cách làm du lịch và ý thức bảo vệ các giá trị văn hóa, môi trường tự nhiên, hướng đến sự phát triển du lịch bền vững.

Bài và ảnh: Hoài Anh