Phát triển hệ thống an sinh xã hội, cải thiện cuộc sống người dân Thủ đô

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Xuyên giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm cho người dân. (Ảnh HOÀNG HƯƠNG)

Để việc triển khai Chương trình số 08 đạt hiệu quả, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 207/KH-UBND, trong đó đề ra 27 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025. Đây được coi là thước đo trong thực hiện Chương trình, được điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn từng địa phương và rà soát, đánh giá theo từng năm, từng kỳ hoạt động.

Được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình 08, huyện Đông Anh đã có nhiều cách làm sáng tạo, chủ động trong quá trình triển khai. Căn cứ vào tình hình thực tế địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết 250-NQ/HU ngày 14/2/2022. Đến nay, có 152 thôn, làng của huyện đã có nhà văn hóa với quy chế quản lý và hoạt động hiệu quả, còn ba thôn đang được đầu tư nhà văn hóa. Điển hình là nhà văn hóa Tổ dân phố số 2, thị trấn Đông Anh được đầu tư xây dựng với quy mô hơn 4.000m2, là một trong những công trình phục vụ sinh hoạt cộng đồng, tạo điểm nhấn của huyện. Vấn đề chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm được huyện quan tâm thực hiện, nhất là đối với người dân trong diện giải phóng mặt bằng các dự án. Trong năm 2021 và sáu tháng đầu năm 2022, huyện đã giải quyết việc làm cho 17.526 người lao động, trong đó hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm cho 4.399 người. Huyện không còn hộ nghèo, số hộ cận nghèo được quan tâm hỗ trợ và giảm nhanh, đáng chú ý dù là địa bàn ngoại thành nhưng hồ ao trong các khu dân cư được kè, tách nước thải, khu tập kết rác thải sinh hoạt được đầu tư xây dựng.

Tại quận Bắc Từ Liêm, trong quá trình triển khai Chương trình số 08 có nhiều mô hình tiêu biểu được triển khai, nhân rộng như mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân. Các mô hình điểm về an toàn thực phẩm; mô hình nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể trường học; mô hình cải thiện an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống tại 13 phường… cũng được tăng cường. Trong năm 2021, quận đã có 3 trong số 23 chỉ tiêu vượt kế hoạch gồm: Số lao động được tạo việc làm trong năm đạt 6.003 lao động; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 94,53%; tỷ lệ hỏa táng đạt 88,3%.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân, trong số 27 chỉ tiêu cụ thể của Chương trình số 08, đến nay có nhiều chỉ tiêu được thực hiện rất tốt, như: Tỷ lệ thất nghiệp dưới 3% (hiện ở mức 2,12%); giải quyết việc làm cho 160.000 lượt người/năm (đã đạt 96% kế hoạch năm); tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh bốn loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất 85% (hiện đã đạt 84,6%)… Đặc biệt, một số chỉ tiêu đã đạt 100% ngay ở kỳ đánh giá sáu tháng đầu năm nay gồm: 100% xã, phường, thị trấn có Quỹ Chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi; 100% người có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn tiền vé khi sử dụng phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn của thành phố; 100% trường hợp bị bạo lực trên cơ sở giới, trẻ em bị xâm hại, bạo lực khi phát hiện được can thiệp, trợ giúp kịp thời.

Tiếp nối các hoạt động an sinh hiệu quả của năm trước, năm 2022 là năm đầu các trường hợp trẻ em dưới 15 tuổi, người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, người mắc bệnh hiểm nghèo nhận được mức hỗ trợ hằng tháng là 2 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn; 2,5 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị.

Chương trình số 08 là một trong ba chương trình mới của Thành ủy Hà Nội so với nhiệm kỳ khóa 16. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 08 đề nghị các cơ quan, đơn vị cần lưu tâm đến các chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cùng với đó là thực hiện hiệu quả các chính sách để người dân tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao phúc lợi xã hội, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn, hướng tới phát triển bền vững. Đồng chí cũng đề nghị các cơ quan hữu quan phải thường xuyên rà soát, có cách thức làm khoa học, phù hợp, sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách và hiện đại hóa hệ thống quản lý để góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Hiện nay, trong tổng số 30 văn bản về cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình số 08, đã có 25 văn bản được ban hành, đạt 83,3% kế hoạch. Tuy nhiên, còn một số văn bản về cơ chế, chính sách quan trọng đang chậm ban hành. Bên cạnh đó, các địa phương, sở ngành cũng cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thường xuyên rà soát, gắn việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ để Chương trình về đích đúng hạn, góp phần nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô.

AN TRÂN