Phát triển kinh tế nông nghiệp: Hạt nhân là doanh nghiệp, hợp tác xã

Sơ chế vải thiều tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (tỉnh Bắc Giang) trước khi xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: Trịnh Lan

Vừa là nguồn lực, vừa là động lực

Thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có hơn 17.000 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có hơn 3.000 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị nông sản, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm dài hạn với doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường thông tin, khu vực kinh tế tập thể nông thôn, hợp tác xã nông nghiệp đóng góp trực tiếp khoảng 3% vào tổng sản phẩm nội địa (GDP), gia tăng thu nhập cho các hộ thành viên, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt, kinh tế tập thể, hợp tác xã đang là hạt nhân quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội...

Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho biết, toàn thành phố hiện có gần 1.300 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 50 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 78 hợp tác xã tham gia liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; 60 hợp tác xã áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, hữu cơ... Đây thực sự là những hạt nhân thúc đẩy kinh tế nông nghiệp Thủ đô phát triển trong thời gian qua.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2020, Việt Nam có thêm 1.055 doanh nghiệp nông nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp lên 13.280. Cùng với hệ thống hợp tác xã, các doanh nghiệp là nguồn lực, động lực và là hạt nhân trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế, là thành phần không thể tách rời trong chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông, lâm, thủy sản.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang Dương Thanh Tùng, dù dịch Covid-19 bùng phát tại tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Lục Ngạn nói riêng đúng vào thời điểm tiêu thụ vải thiều nhưng ngành Nông nghiệp của tỉnh đã tạo được bước đột phá lớn, đem lại thu nhập cao cho nông dân nhờ hoạt động hiệu quả của các hợp tác xã, các doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, ngoài các thị trường truyền thống, vụ thu hoạch năm nay, vải thiều Bắc Giang đã được các doanh nghiệp, hợp tác xã tích cực quảng bá tại nhiều sàn thương mại điện tử uy tín và xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Hà Lan, Đức...

Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Toàn Cầu (tỉnh Bắc Giang) Đỗ Hoàng Phương cho biết, công ty đã đầu tư hơn 4 triệu USD xây dựng nhà máy chế biến nông sản tại huyện Lục Ngạn với các sản phẩm, như: Cùi vải đóng hộp, nước ép vải, vải tươi… xuất khẩu sang Nhật Bản; các sản phẩm vải chế biến xuất khẩu sang thị trường Đức, Pháp... Nhờ việc đầu tư chế biến sâu, nhiều mặt hàng của công ty đã tìm được đầu ra ổn định, hạn chế thấp nhất rủi ro gây ra bởi dịch Covid-19...

Mô hình trồng dưa lưới tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quyết Tiến (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Đỗ Tâm

Tạo đột phá mới

Mặc dù là hạt nhân trong xây dựng kinh tế nông nghiệp, nông thôn, song vẫn còn không ít khó khăn đang ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực này.

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư và Giống cây trồng Hà Nội (huyện Mê Linh) Nguyễn Xuân Trường, bên cạnh những vướng mắc về quỹ đất sản xuất, nguồn lực con người, các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn.

Cũng về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, nhiều địa phương tại Hà Nội đã có cơ chế vận động người dân góp đất cho hợp tác xã, doanh nghiệp để cùng liên kết sản xuất, tạo ra những mô hình giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, để hạn chế đặc thù quỹ đất hạn hẹp, thời gian tới, thành phố chú trọng thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trong khi đó, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo thông tin, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ chú trọng mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; thúc đẩy chuyển đổi số nhằm hỗ trợ các hợp tác xã bắt kịp với xu thế phát triển mới.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: “Chúng ta mới chỉ chú trọng tới những nhà đầu tư lớn, còn thiếu mặn mà với các doanh nghiệp vừa và nhỏ; thậm chí còn hiện tượng xem nhẹ việc phát triển hợp tác xã. Bộ NN&PTNT sẽ sớm khắc phục nhược điểm này trong điều hành”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin thêm, để các doanh nghiệp, hợp tác xã phát huy vai trò hạt nhân, tạo đột phá mới, ngành Nông nghiệp sẽ tham mưu Chính phủ hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; đồng thời phối hợp với các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt trong việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, tăng cường nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, đặc biệt là tín dụng ưu đãi cho vay theo chuỗi giá trị nông sản; bố trí nguồn ngân sách thỏa đáng để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao…

Đỗ Minh