Phát triển ngành mía đường trong thời hội nhập

H.Định Quán hiện là địa phương đứng đầu về diện tích mía của Đồng Nai và đang định hướng phát triển những cánh đồng lớn cho cây mía. Trong ảnh: Cánh đồng mía ở xã Phú Ngọc, H.Định Quán. Ảnh: B.Nguyên

Đó là một số nội dung chính trong Kế hoạch số 5636/KH-UBND về thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới, vừa được UBND tỉnh ban hành.

* Nỗ lực giữ vùng nguyên liệu

Niên vụ 2020-2021, diện tích trồng mía trên địa bàn tỉnh đạt trên 5,6 ngàn ha, giảm 3,2 ngàn ha so với năm 2019. Trong đó, những địa phương còn diện tích mía gồm: H.Định Quán còn gần 2,2 ngàn ha; H.Trảng Bom còn hơn 1,2 ngàn ha; H.Nhơn Trạch còn gần 1,1 ngàn ha; H.Xuân Lộc còn 889ha...

Dự báo, diện tích mía tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian tới nếu không có giải pháp hữu hiệu giữ cây trồng này. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường giá đường xuống thấp kéo theo giá nguyên liệu mía giảm khiến người dân chuyển đổi từ cây mía sang những cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Giải pháp đối với doanh nghiệp chế biến mía đường gồm: cần nghiên cứu, sản xuất, chế biến mía đường đa dạng hóa các sản phẩm từ cây mía và từ phế, phụ phẩm trong sản xuất đường. Doanh nghiệp chủ động xây dựng đề án cơ cấu lại doanh nghiệp mía đường theo hướng đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ và tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh, phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Trương Hùng Dũng (ở xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom) từng là đại gia trong trồng mía, có giai đoạn ông thuê đất trồng hàng trăm ha mía. Nhưng hiện nay, ông Dũng hầu như không còn thuê đất trồng mía, đất của gia đình được ông chuyển dần sang trồng cây ăn trái. Hiện diện tích mía còn lại chỉ vài ha, chủ yếu là những ruộng mía vụ 2-3 không cần đầu tư trồng mới hoặc một số diện tích đất chỉ phù hợp với cây mía phát triển.

Theo ông Dũng: “Mía từng là cây trồng giúp nông dân có thu nhập tốt, thậm chí làm giàu được. Nhưng hiện nay, ngay cả những nông dân từng gắn bó lâu năm với cây mía cũng chuyển đổi sang cây trồng khác vì lợi nhuận từ cây mía ngày càng thấp. Đặc biệt, vụ vừa qua, thu hoạch xong nông dân phải bù lỗ vì giá mía thấp, đầu ra bấp bênh”.

Theo đó, kế hoạch phát triển ngành mía đường trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới đưa ra nhiều giải pháp về xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu mía.

Cụ thể, giải pháp về khoa học, công nghệ trong khâu giống như tuyển chọn, phục tráng các giống có chất lượng tốt. Về kỹ thuật canh tác cần thực hiện quy trình thâm canh hợp lý, áp dụng các quy trình, hệ thống quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý dinh dưỡng theo vùng đặc thù trong trồng và chăm sóc mía. Đặc biệt, cần bố trí thời vụ trồng và cơ cấu giống chín sớm, chín trung bình, chín muộn phù hợp để rải vụ, giảm tình trạng thiếu mía đầu và cuối vụ, thừa mía giữa vụ. Nâng cao chất lượng cơ giới hóa trong khâu làm đất; đẩy mạnh cơ giới hóa trong các khâu chăm sóc và thu hoạch; áp dụng đa dạng các hình thức tưới tiêu theo hướng tiết kiệm nguồn nước, đạt hiệu quả kinh tế cao...

* Cần chuỗi liên kết hiệu quả

Những khó khăn của ngành mía đường trên địa bàn tỉnh thời gian qua như: Các vùng sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời, sản xuất phụ thuộc vào thời tiết nên năng suất mía không cao, không chủ động được mùa vụ và công tác phòng cháy, chữa cháy. Việc các nhà máy thu mua mía của nông dân còn chậm dẫn đến mía bị khô, giảm năng suất, sản lượng; ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Tình trạng giá mía nguyên liệu không ổn định chủ yếu do giá đường đang xuống thấp khiến doanh nghiệp chế biến mía đường gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất.

Chỉ ra khó khăn chủ yếu của nông dân trồng mía, ông Ngô Ngọc Hưởng, nông dân trồng mía ở xã Trung Hòa (H.Trảng Bom) chia sẻ, khó khăn lớn nhất của nông dân trồng mía hiện nay là khâu tiêu thụ. Niên vụ trước, có nhà máy đường trên địa bàn tỉnh ngừng hoạt động, có nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng nên đa số nông dân phải bán mía cho nhà máy ở tận tỉnh Ninh Thuận. Bán mía đi xa khiến trọng lượng, chữ đường của mía bị hao hụt, chi phí vận chuyển cũng tốn kém hơn. Để giữ được cây mía, nông dân mong từ sản xuất đến tiêu thụ phải có được những chuỗi liên kết chặt chẽ, bền vững, đảm bảo đầu ra ổn định cho cây mía.

Cùng quan điểm, ông Huỳnh Công Minh, chủ lò đường tại xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) cho biết, khó khăn lớn nhất của cơ sở hiện nay là thiếu nguyên liệu mía đưa vào chế biến. Về đầu ra, cơ sở đã ký được hợp đồng cung cấp đường cho nhà máy sản xuất nước sâm bí đao nên không lo về thị trường tiêu thụ. Để có nguồn nguyên liệu mía đưa vào chế biến, ông Minh rất mong xây dựng được chuỗi liên kết với nông dân trồng mía để cơ sở chế biến yên tâm đủ nguồn nguyên liệu, nông dân trồng mía cũng yên tâm gắn bó với cây trồng này.

Đây cũng là nhóm các giải pháp Đồng Nai rất quan tâm thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, tỉnh sẽ quan tâm đầu tư hệ thống giao thông theo hướng kết nối giữa giao thông nông thôn và tỉnh lộ, quốc lộ với mục tiêu thúc đẩy phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa. Đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất và đầu tư nâng cao năng lực hệ thống cơ sở hạ tầng nghiên cứu khoa học công nghệ, nhất là trong chọn, tạo sản xuất giống mía, bảo vệ thực vật.

Các địa phương có diện tích đất trồng mía lớn cần rà soát, xây dựng vùng sản xuất mía tập trung, tạo vùng nguyên liệu ổn định đảm bảo phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể phát triển mạnh các HTX nông nghiệp sản xuất mía liên kết với nhà máy đường; hỗ trợ hình thành các tổ hợp tác trồng mía tạo cánh đồng lớn để xúc tiến hợp tác, liên kết với HTX, doanh nghiệp đầu tư phát triển cánh đồng lớn trồng mía ứng dụng công nghệ cao.

Bình Nguyên