Phát triển phương pháp trị COVID-19 từ một loại thuốc chữa ung thư

Nghiên cứu lâm sàng lớn đang được tiến hành để chứng minh thêm liệu thuốc điều trị ung thư có lợi cho bệnh nhân COVID-19.

Kết quả khả quan trên bệnh nhân COVID-19 nặng

Đây là kết quả của một nghiên cứu từ các nhà khoa học Marburg và Kassel, CHLB Đức, được công bố trên tạp chí khoa học uy tín "Nature".

Hầu hết các bệnh nhân COVID-19 chỉ có các triệu chứng nhẹ và không gây ra đe dọa tính mạng.

Tuy nhiên bệnh có thể gây ra biến chứng nặng và phản ứng viêm đa hệ nghiêm trọng. Ở một số bệnh nhân, COVID-19 dẫn đến hội chứng suy hô hấp cấp ARDS đe dọa tính mạng, được đặc trưng bởi một diễn biến lâm sàng kéo dài.

Nhóm các nhà khoa học của Đức đã thử nghiệm việc sử dụng chất ức chế miễn dịch ruxolitinib trong các ca nhiễm trùng nặng với SARS-CoV-2.

Một năm trước, một nhóm nghiên cứu của Đức đã báo cáo thành công của việc sử dụng ruxolitinib cho một bệnh nhân COVID-19 bị bệnh nặng được thở máy nhân tạo.

Thuốc ruxolitinib ban đầu xuất phát từ liệu pháp điều trị ung thư: Thuốc ức chế các enzym Janus-kinase trong cơ thể có liên quan đến các phản ứng viêm quá mức.

Vì đáp ứng miễn dịch quá mức thường liên quan đến tăng tỷ lệ tử vong do bệnh COVID-19, nhóm nghiên cứu đã điều tra xem việc sử dụng thuốc điều trị ung thư ruxolitinib thường xuyên có kéo dài thời gian sống sót của những bệnh nhân cần hô hấp nhân tạo hay không.

Sau đó thí nghiệm với thuốc điều trị ung thư ruxolitinib đã được mở rộng, 16 bệnh nhân COVID-19 bị suy hô hấp cấp đã tham gia.

Ở những bệnh nhân này, "bão cytokine" được cho là nguyên nhân gây ra tổn thương cơ quan giai đoạn cuối. Độ tuổi của nhóm được nghiên cứu là từ 35 đến 92, đại đa số là nam giới.

Trong 4 đến 28 ngày, bệnh nhân nhận được thuốc bên cạnh việc điều trị tiêu chuẩn cho bệnh nhân ARDS thở máy bị COVID-19, ví dụ, sử dụng thuốc chống viêm dexamethasone và remdesivir.

Kết quả nghiên cứu rất lạc quan khi 13 trong số 16 bệnh nhân vẫn còn sống sau 28 ngày, tương ứng với tỷ lệ sống sót là 81%. Trong các nghiên cứu trước đây, tỷ lệ sống sót vào ngày 28 là từ 25 đến 60%.

Tất nhiên, số lượng bệnh nhân trong nghiên cứu này còn quá nhỏ để đưa ra bất kỳ tuyên bố chắc chắn nào về hiệu quả của ruxolitinib trong điều trị COVID-19.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng chưa thực hiện so sánh với nhóm đối chứng. Một nghiên cứu lâm sàng lớn hơn hiện đang được tiến hành để chứng minh thêm liệu ruxolitinib có lợi cho bệnh nhân COVID-19 bị bệnh nặng hay không. Dẫu vậy, nhưng kết quả ban đầu là rất khả quan và bệnh nhân bị bệnh COVID-19 nặng sẽ có thêm một niềm hy vọng để điều trị trong tương lai gần.

Mời xem thêm video đang được quan tâm: