Phát triển Tổng Công ty Xi măng Việt Nam là doanh nghiệp trụ cột, hàng đầu của ngành Xi măng Việt Nam

Trong những năm tháng lịch sử hào hùng đó, ngày 30/05/1957, Nhà máy Xi măng Hải Phòng vô cùng vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Người đã dành những tình cảm thắm thiết, động viên, ân cần căn dặn cán bộ, công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng cũng như ngành Xi măng Việt Nam phải tự hào và ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; khắc phục mọi khó khăn, ra sức hăng hái thi đua lao động sản xuất, để góp phần tiến tới xây dựng một nền công nghiệp hiện đại, làm cho “tiền đồ của nước nhà vẻ vang”.

65 năm qua, thực hiện những lời căn dặn của Bác, tập thể cán bộ, công nhân lao động ngành Xi măng Việt Nam luôn nêu cao tinh thần thi đua ái quốc, trung dũng, đoàn kết, kiên cường, nỗ lực vượt khó, tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo đã đạt được những thành tựu phát triển to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt, hơn 35 năm đổi mới, phát huy truyền thống vẻ vang, khát vọng phát triển vươn lên mạnh mẽ, tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn tích cực đề ra nhiều sáng kiến, tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật, các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, ngành Xi măng Việt Nam đã có những bước chuyển to lớn đồng hành với tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thể hiện trên các mặt nổi bật sau đây:

Đó là sự thích ứng nhanh chóng, hiệu quả, năng động với cơ chế thị trường, đưa ngành Xi măng từng bước vươn lên, tạo nên nền tảng vững chắc của nền công nghiệp xây dựng Việt Nam, góp phần tích cực vào việc phát triển kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật của nền kinh tế, đẩy mạnh đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên phạm vi cả nước.

Đó là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện, thành công mô hình tổ chức quản lý, hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng quản trị hiện đại. Từ chỗ mô hình tổ chức sản xuất thuộc sở hữu Nhà nước, chủ yếu là xí nghiệp quốc doanh, ngành Xi măng đã thực hiện cổ phần hóa, liên doanh, liên kết, đa dạng hóa chủ sở hữu, chủ thể quản lý; từ chỗ chỉ khép kín trong phạm vi trong nước, ngành Xi măng đã từng bước thực hiện thành công việc thay thế nhập khẩu, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu và hội nhập quốc tế; từ chỗ chỉ bó hẹp ở một số sản phẩm đơn lẻ, ngành đã có nhiều sản phẩm đa dạng, đáp ứng chuẩn mực của các nước phát triển và nhu cầu ngày càng phong phú của thị trường trong nước và quốc tế.

Đó là sự thay đổi mạnh mẽ, đột phá từ chỗ áp dụng chủ yếu công nghệ, thiết bị cũ sang đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới, hiện đại. Tôi được biết, tất cả các dây chuyền xi măng ở Việt Nam hiện nay đều sản xuất theo công nghệ khô, lò quay, tháp trao đổi nhiệt cyclon. Các dự án đầu tư sau năm 2011 đều sử dụng công nghệ tiên tiến, đạt tiêu chuẩn châu Âu, trong đó có những dây chuyền sản xuất sử dụng công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới. Nhiều dự án đã tận dụng nguồn chất thải như tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, rác thải sinh hoạt làm nguyên liệu, nhiên liệu, nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường. Hiện nay, toàn ngành Xi măng đang đẩy nhanh quá trình số hóa trong các khâu sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất lao động; tích cực triển khai các phương thức sản xuất theo hướng sạch, xanh, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu của mô hình kinh tế tuần hoàn.

Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong các thời kỳ, ngành Xi măng Việt Nam đã không ngừng tự đổi mới, tự hoàn thiện chính mình và vươn lên để đạt được những thành quả rất đáng tự hào, xứng đáng với sự kỳ vọng và niềm mong mỏi của Bác Hồ kính yêu.

Công suất sản lượng của ngành Xi măng đã tăng từ khoảng 4,4 triệu tấn những năm đầu Đổi mới lên 107 triệu tấn năm 2021, đưa Việt Nam nằm trong số 5 nước đứng đầu thế giới về năng lực sản xuất xi măng (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga). Năm 2021, xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker đạt gần 45 triệu tấn, ước đạt 2,1 tỷ USD, là giá trị xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay.

Với vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của đất nước, trong từng cây cầu, công trình giao thông đô thị, những tòa nhà cao ốc, trụ sở, cơ quan của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà cửa của người dân hôm nay đều có dấu ấn của ngành Xi măng Việt Nam. Ngành đang cung cấp và đảm bảo nhiều việc làm cho người lao động, có nhiều đóng góp trong việc nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Các doanh nghiệp xi măng đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; tích cực triển khai việc sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu; thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Đặc biệt, phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, truyền thống “tương thân, tương ái” tốt đẹp của dân tộc ta, tập thể cán bộ, người lao động trong ngành Xi măng đã tổ chức nhiều đợt tự nguyện trích một phần thu nhập để ủng hộ các quỹ Đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Các doanh nghiệp ngành Xi măng, tiêu biểu là Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, đã ủng hộ hàng chục ngàn tấn xi măng để tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, làm đường xây dựng nông thôn mới. Những việc làm thiết thực này thể hiện tình cảm, trách nhiệm xã hội cao của các doanh nghiệp và người lao động ngành Xi măng Việt Nam.

Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) với truyền thống rất đỗi tự hào gắn liền với sự lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam, nơi đã đào tạo, bồi dưỡng nhiều thế hệ cán bộ tài năng trưởng thành, nắm giữ những trọng trách của Đảng và Nhà nước ở cả Trung ương và địa phương, hiện là doanh nghiệp số một của ngành công nghiệp xi măng Việt Nam, có quy mô sản xuất lớn nhất nước và hàng đầu Đông Nam Á. Tôi được biết, năm 2021, mặc dù chịu tác động rất nặng nề bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Tổng Công ty đã nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn, triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ vừa phòng chống dịch Covid-19 có hiệu quả, bảo đảm an sinh, an ninh, an toàn và sức khỏe cho người lao động, vừa thực hiện sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển và tái cơ cấu doanh nghiệp, đạt được những kết quả sản xuất – kinh doanh rất đáng trân trọng.

Đạt được những thành tựu to lớn nói trên là nhờ các thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ công nhân lao động toàn ngành Xi măng hơn 65 năm qua đã kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang, học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt khó, đột phá và sáng tạo. Đó là nhờ những chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã được toàn ngành Xi măng quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện hiệu quả; phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua thiết thực, chăm lo cuộc sống cho người lao động.

Ghi nhận, tôn vinh những thành tựu cùng các bước chuyển quan trọng của ngành Xi măng và gắn liền với tiến trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành Xi măng Việt Nam cùng với Tổng Công ty Xi măng Việt Nam và nhiều đơn vị thành viên, nhiều tập thể và cá nhân đã vinh dự, tự hào được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu: Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đất nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới. Tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp xi măng nước ta còn rất lớn, tiếp tục là ngành công nghiệp quan trọng đáp ứng yêu cầu khởi công xây dựng nhiều dự án công nghiệp lớn, phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông, đô thị và nhà ở đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương: tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; mở ra một hướng đi mới, mang tính đột phá đối với sự phát triển của ngành công nghiệp xi măng Việt Nam.

Tuy nhiên, tình hình quốc tế và trong nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Do xung đột và dịch bệnh bùng phát, diễn biến phức tạp, dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng không đều, thậm chí có thể rơi vào suy thoái; áp lực lạm phát, rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển gia tăng, gây ra những biến động bất lợi cho các thị trường xuất khẩu xi măng.

Trong khi đó, nguy cơ kinh tế nước ta chậm phục hồi đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giá cả vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tăng cao trong lúc toàn ngành đang nỗ lực chuyển đổi theo hướng sản xuất xanh, sử dụng tài nguyên khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả. Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xi măng trong nước đang đối mặt với tình trạng “cung” vẫn vượt xa so với “cầu”; xu hướng chuyển dịch nhu cầu từ sản phẩm xi măng đóng bao sang xi măng rời khiến cho các sản phẩm truyền thống, như sản phẩm mang thương hiệu VICEM có nguy cơ giảm dần lợi thế.

Nhìn chung, tình hình quốc tế và trong nước mang lại cho ngành Xi măng Việt Nam những điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển, nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cần sự nỗ lực rất lớn để vượt qua.

Điều quan trọng nhất là cần có niềm tin mạnh mẽ và khẳng định rằng, ngành Xi măng đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục là một ngành công nghiệp cơ bản trong hệ thống các ngành công nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn tới. Phát triển ngành công nghiệp xi măng đóng vai trò hết sức quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh; sẽ tiếp tục đáp ứng yêu cầu của một nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp để trở thành một nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và sau đó là một nước phát triển, thu nhập cao. Toàn ngành Xi măng Việt Nam phải thật sự đổi mới tư duy phát triển, nhận thức đầy đủ, sâu sắc, vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, đoạn tuyệt dứt khoát với tư duy quan liêu, bao cấp, cách làm trông chờ, ỷ lại trong việc thực thi chính sách phát triển công nghiệp xi măng quốc gia.

Để tiếp tục phát triển và thành công, ngành Xi măng Việt Nam cần chú ý đến các vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp tục chuyển trọng tâm từ tăng trưởng quy mô sang tái cơ cấu ngành; đổi mới công nghệ và mô hình quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại; phát huy tối đa nội lực và tận dụng năng lực sản xuất xã hội thông qua tăng cường liên kết và hợp tác, góp phần tạo động lực cho các ngành kinh tế khác cùng phát triển bền vững. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển các doanh nghiệp có quy mô lớn, công nghệ hiện đại đáp ứng các chuẩn mực tiên tiến nhất của thế giới.

Đối với các doanh nghiệp Nhà nước, cần tiếp tục đẩy nhanh thực hiện đề án tái cơ cấu, nhất là lộ trình cổ phần hóa; thực hiện thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính; tái cơ cấu tài chính và đầu tư có hiệu quả; có phương án hợp lý để giải quyết vấn đề nhà đất sau cổ phần hóa để bảo toàn và phát triển tài sản, vốn Nhà nước giao. Tôi đánh giá cao việc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện, đổi mới mô hình tổ chức, theo đó: Công ty mẹ - VICEM giữ vai trò là trung tâm điều phối, định hướng, hỗ trợ, kiểm soát các công ty thành viên sản xuất kinh doanh để tạo giá trị gia tăng.

Thứ hai, nâng cao năng lực sản xuất thông qua tối ưu hóa quá trình sản xuất và kinh doanh; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Nghiên cứu sản xuất và cung cấp những dòng sản phẩm mới, tạo sự khác biệt vượt trội về chất lượng và giá bán cạnh tranh. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với công nghệ và phương thức quản trị hiện đại. Phân bố các cơ sở sản xuất phù hợp, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường lớn, thị trường các nước phát triển có hiệu quả kinh tế cao.

Thứ ba, xây dựng hình ảnh một ngành công nghiệp xi măng xanh, sạch, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh triển khai chương trình kinh tế tuần hoàn; giảm thiểu hàm lượng CO2 trong sản xuất xi măng; sử dụng chất thải của các ngành công nghiệp khác thay thế nguyên, nhiên liệu khai thác từ tự nhiên trong sản xuất xi măng nhằm đem lại hiệu quả kinh tế, đồng thời chung tay góp phần giải quyết vấn đề môi trường cho đất nước.

Thứ tư, thực hiện chuyển đổi số, tự động hóa một số hoạt động chưa tự động hóa; ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong việc số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ, năng suất lao động, năng lực quản trị; nâng cao hình ảnh, uy tín, thương hiệu, nhất là xây dựng thương hiệu xi măng quốc gia, xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng.

Thứ năm, tiếp tục phát triển Tổng Công ty Xi măng Việt Nam là doanh nghiệp trụ cột, hàng đầu của ngành Xi măng Việt Nam với quy mô đủ lớn, trình độ công nghệ tiên tiến, mô hình quản trị hiện đại, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực và quốc tế, đi đầu trong bảo vệ môi trường; giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt trong việc điều tiết, bình ổn thị trường và định hướng ngành Xi măng phát triển phù hợp với Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Là một doanh nghiệp Nhà nước lớn, tôi đề nghị các đồng chí cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, nhất là củng cố tổ chức, kiện toàn các cấp ủy Đảng và phát triển đảng viên mới trong doanh nghiệp. Nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang đã qua, phát huy truyền thống 65 năm thực hiện lời Bác Hồ dạy, chúng ta tin tưởng rằng VICEM sẽ vươn tầm mạnh mẽ, đạt tới những đỉnh cao phát triển mới, tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu trong nền công nghiệp xi măng Việt Nam.

Nguyễn Xuân Thắng (Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐ Lý luận Trung ương)