Phe đối lập Belarus bội thực vì bánh vẽ của Mỹ-phương Tây

Phe đối lập Belarus thúc ép Mỹ-phương Tây giúp đỡ trong tuyệt vọng

Ngày 18/7, nhà lãnh đạo tự xưng của phe đối lập Belarus Svetlana Tikhanovskaya đã tới Mỹ, rồi thông báo về kế hoạch gặp Tổng thống và Ngoại trưởng nước chủ nhà, dù chưa biết có gặp được hay không vì chưa có lịch trình, theo Reuters.

Trong chuyến đi tới Washington, bà Tikhanovskaya được cho là sẽ yêu cầu Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với chính quyền Minsk, bao gồm cả việc trừng phạt Belarus theo từng lĩnh vực, nhằm loại bỏ Tổng thống Alexander Lukashenko.

Trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí National Interest, nhà hoạt động chính trị 39 tuổi của Belarus bày tỏ hy vọng rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ can thiệp trực tiếp vào tình hình nội trị Belarus, chứ không chỉ là các quyết định chính trị.

Bà Tikhanovskaya nhấn mạnh rằng bà tìm đến chính quyền Biden là để tìm cách thúc giục Mỹ cứu nguy cho phe đối lập vốn đã bị mất đà ở trong nước trong những tháng gần đây và kêu gọi Mỹ thực hiện dân chủ hóa Belarus.

Phe đối lập Belarus giờ chỉ còn có thể vái vọng về hướng Tây

Theo Svetlana Tikhanovskaya, hiện Alexander Lukashenko chỉ là "một con rối hoàn toàn" và vị tổng thống lâu năm cũng không phải là một đồng minh lý tưởng cho Nga. Vì vậy, bà Tikhanovskaya tự tin "với sự giúp đỡ của ông Biden, chúng tôi sẽ thắng".

Tuy nhiên, khi bà Svetlana Tikhanovskaya đang tự tin thì The National Interest đã cung cấp cho nhà chính trị trẻ tuổi kết quả cuộc thăm dò hồi tháng 4/2021 với người dân Belarus được công bố bởi Chatham House - một tổ chức tư vấn ở London, Anh.

Theo kết quả khảo sát mà Chatham House công bố cho thấy chỉ có 1/10 người dân Belarus đang ở trong nước cảm thấy Tikhanovskaya có thể trở thành một tổng thống tốt, so với con số 1/4 của Lukashenko.

Cuộc khảo sát của Chatham House cũng cho thấy chỉ có 1/4 người Belarus tin rằng Tổng thống Lukashenko sẽ từ chức trong năm nay, trong khi 1/5 số người tin rằng ông sẽ phục vụ ít nhất một nhiệm kỳ nữa.

Như vậy, sau gần một năm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Belarus với chiến thắng được tuyên bố thuộc về đương kim Tổng thống Lukashenko, lực lượng đối lập ngày càng "mất thế, giảm lực" và thủ lĩnh tự xưng của phe đối lập vẫn phải lưu vong.

Khi cuộc khủng hoảng chính trị xảy ra tại Belarus thời hậu bầu cử, Washington và các đồng minh phương Tây đã có những tuyên bố và hành động cứng rắn với chính quyền Minsk, trong đó có cả trừng phạt Belarus.

Thoạt nhìn vào thì cứ tưởng "những người bạn mới" đang tìm cách giúp phe đối lập chiếm lĩnh sân khấu chính trị Belarus, nhưng phân tích kỹ thì Mỹ-phương Tây hành xử chỉ dựa trên tính toán lợi ích của họ, chứ không phải vì phe đối lập Belarus.

Cay đắng vì nhận thấy mình bị những người bạn mới cho ăn "bánh vẽ", lực lượng đối lập Belarus đã kêu gọi Mỹ-phương Tây phải hành động thiết thực hơn để buộc Tổng thống Lukashenko phải ra đi, giúp phe đối lập bước lên vũ đài chính trị.

Còn nhớ, ngày 8/12/2020, tại cuộc họp Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, thủ lĩnh tự xưng của phe đối lập Belarus Svetlana Tikhanovskaya đã kêu gọi Mỹ hãy hợp tác với các đồng minh để sớm phế truất Tổng thống Alexander Lukashenko.

Nữ chính trị gia đối lập Belarus cũng thúc giục Quốc hội Mỹ thông qua một gói trừng phạt mới đối với các quan chức Belarus, nhanh chóng xem xét và thông qua Dự luật về Dân chủ, Nhân quyền và Chủ quyền của Belarus.

Bởi theo bà Tikhanovskaya, Dự luật về Belarus này cho phép Tổng thống Mỹ thực hiện các biện pháp chống lại không chỉ các quan chức Belarus, mà cả những người Nga được cho là đã ủng hộ chính quyền Minsk trong các cuộc đàn áp hậu bầu cử.

Vì vậy, “chúng tôi hy vọng rằng dự luật này sẽ sớm trở thành luật, vì nó sẽ là công cụ truyền cảm hứng cho chính quyền Mỹ để hành động một cách quyết đoán và khẩn cấp để hỗ trợ người dân Belarus.

Điều đó sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới Belarus và phần còn lại của thế giới về việc không công nhận tính hợp pháp của chính quyền Lukashenko. Nó sẽ mở đường cho các quốc gia, trong đó có Mỹ, giám sát các cuộc bầu cử ở Belarus", RT tường thuật.

Tuy nhiên, đến nay mọi việc không diễn ra như mong muốn của phe đối lập, dù Tổng thống Mỹ được cho là thân Nga Donald Trump đã rời nhiệm sở. Điều đó đã khiến bà Tikhanovskaya phải tiếp tục lặn lội sang Washington.

Tổng thống Alexander Lukashenko vẫn chưa để cho phe đối lập bước lên vũ đài chính trị Belarus

Phe đối lập Belarus bị bội thực vì ăn bánh vẽ của Mỹ-phương Tây

Thủ lĩnh tự xưng của phe đối lập Belarus Svetlana Tikhanovskaya sang Mỹ trong bối cảnh EU đang gặp bất lợi bởi hiệu ứng tiêu cực từ cách xử lý mới của chính quyền Belarus trong vấn đề dân di cư bất pháp từ Bắc Phi-Trung Đông tràn vào Châu Âu.

Ngày 19/7, Giám đốc điều hành Cơ quan bảo vệ biên giới EU (Frontex), Fabrice Leggeri cho biết cơ quan này phải cử lính biên phòng đến giám sát khu vực biên giới giữa Litva và Belarus, khi lượng người di cư trái phép qua ngả này tăng đột biến.

Theo quyết định của Frontex, từ ngày 29/7 đến ngày 6/10, lính biên phòng cùng các phương tiện, trong đó có cả máy bay trực thăng cũng như nhân viên của cơ quan này sẽ thực hiện sàng lọc và phỏng vấn người di cư ở khu vực biên giới Litva-Belarus.

Tại thủ đô Vilnius của Litva, ông Leggeri nhấn mạnh đây là lần đầu tiên Frontex phải triển khai hoạt động như vậy ở khu vực này. Ông cáo buộc cuộc khủng hoảng di cư hiện nay là do Belarus gây ra, trả đũa Brussels và Vilnius vì đã trừng phạt Minsk.

Trước đó, ngày 24/6, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những lĩnh vực chủ chốt của Belarus sau vụ nhà chức trách nước này hồi tháng 5 yêu cầu một máy bay của hãng hàng không Ryanair hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay ở Minsk.

Các biện pháp trừng phạt Belarus bao gồm hạn chế mua bán phân bón kali, các sản phẩm xăng dầu và thuốc lá, đồng thời hạn chế quyền tiếp cận của Minsk với các thị trường vốn EU.

EU cũng cấm cung cấp bảo hiểm cho chính phủ và các cơ quan nhà nước, cấm bán cho Belarus những công nghệ có thể được dùng để chặn liên lạc qua điện thoại hoặc Internet, cũng như thiết bị quân sự lưỡng dụng.

Để đáp trả, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố nước này sẽ không tiếp tục ngăn chặn người di cư tìm cách vào Litva. Litva cho rằng kể từ sau tuyên bố này, Belarus đã để người di cư trái phép tự do vào EU.

Theo số liệu của cơ quan biên phòng Litva, khoảng 2.100 người di cư đã nhập cảnh trái phép vào quốc gia thành viên NATO-EU này qua ngả Belarus từ đầu năm tới nay, trong đó riêng nửa đầu tháng này có tới 1.400 người.

Được biết, hầu hết những người di cư tràn vào EU đến từ Iraq, họ bay đến Belarus trên các chuyến bay trực tiếp từ Baghdad của Iraq và Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Dù Belarus chưa đưa ra bình luận gì, nhưng khủng hoảng dân di cư tại Baltic đã diễn ra.

Nên nhớ rằng, chính làn sóng dân di cư bất hợp pháp từ Trung Đông - Bắc Phi tràn vào lục địa già đã khiến cho nhiều quốc gia EU và cả EC chao đảo, buộc Liên minh Châu Âu phải xuống nước trước Thổ Nhĩ Kỳ để Ankara giúp chặn người di cư.

Khi Belarus không ngăn chặn người di cư bất hợp pháp tràn vào EU thì việc Brussels phải "giơ cao đanh khẽ" với Minsk là có thể nhận diện. Điều này sẽ khiến những hứa hẹn của EU với phe đối lập Belarus trở "những chiếc thành bánh vẽ khổng lồ".

Các nước đi của Tổng thống Putin trong ván cờ Belarus buộc Mỹ-phương Tây phải cho phe đối lập Belarus ăn bánh vẽ

Giới phân tích từng nhận định rằng, phe đối lập Belarus rơi vào tình cảnh hiện nay là do Mỹ-phương Tây việt vị trước Nga-Putin trong ván cờ Belarus, buộc họ phải hy sinh quân cờ chủ lực để hy vọng lập lại thế cờ đối phó với các nước cờ của Putin.

Song nếu như Mỹ và đồng minh chưa rút được kinh nghiệm để đối phó với các nước đi của Vladimir Putin trong không gian hậu Xô Viết, thì phe đối lập Belarus lại không rút được kinh nghiệm gì từ những lời hứa của Mỹ-phương Tây.

Vị thế hiện nay của phe đối lập tại Belarus đã chứng minh cho cái thực tế phũ phàng ấy. Khi cảm nhận sắp bị bội thực vì bánh vẽ của Mỹ-phương Tây thì các đối thủ của Lukashenko mới hoảng sợ, nhưng thực đơn "những người bạn mới" dành cho họ vẫn chỉ còn bánh vẽ mà thôi.

Ngọc Việt