Phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên: Quyết tâm của Mỹ sau nhiều lần lỡ hẹn?

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in sau cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ngày 21/5. (Nguồn: Bloomberg)

Vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chủ trì các cuộc hội đàm để thảo luận về vấn đề Triều Tiên với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Tín hiệu tích cực từ Mỹ

Sau cuộc gặp với các đồng minh, chính quyền ông Biden đã phác thảo được quy mô về chiến lược mới, mà Washington cho biết là hướng tới "cách tiếp cận được hiệu chỉnh, cân nhắc kỹ và thực tế" đối với mục tiêu phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu chính sách của Tổng thống Biden có khác biệt đáng kể so với chính sách của những người tiền nhiệm hay không.

Chính quyền Mỹ cho biết sẽ duy trì mục tiêu cuối cùng là "phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên". Đồng thời, Washington cũng có thể sẽ sẵn sàng thực hiện "các bước thực tế để giảm căng thẳng" và biện pháp ngoại giao dựa trên các thỏa thuận trước đó như Tuyên bố chung Singapore năm 2018 được ký bởi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Tổng thống Biden cho biết sẵn sàng gặp ông Kim Jong Un nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên đồng ý thảo luận về phi hạt nhân hóa và các quan chức cấp thấp hơn cũng sẽ gặp những người đồng cấp của họ ở Bình Nhưỡng để đặt nền móng cho cuộc gặp thượng đỉnh.

Những động thái mới này dường như báo hiệu sự thay đổi trong suy nghĩ của ông Biden kể từ hồi tháng 3, khi Nhà Trắng từng cho biết ông không có ý định gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá rằng cách xử lý của ông Biden đối với vấn đề này chưa hoàn toàn khác biệt. Chính quyền Mỹ dường như vẫn coi Triều Tiên là một đối thủ cần phải kiềm chế, răn đe hơn là một đối tác.

Mặt khác, Washington vẫn chỉ tập trung vào những điều mình muốn (phi hạt nhân hóa), thay vì những điều Bình Nhưỡng muốn, như bình thường hóa quan hệ hay giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt.

Trở lại chính sách “kiên nhẫn chiến lược”?

Theo một số cựu quan chức và nhà quan sát, rút kinh nghiệm từ chính quyền tiền nhiệm, Mỹ dường như đang quay trở lại chính sách kiên nhẫn chiến lược với Triều Tiên.

Hồi đầu tháng, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: “Chúng tôi sẽ xem xét không chỉ lời nói mà còn cả hành động thực tế của Triều Tiên. Tôi nghĩ Triều Tiên cần quyết định xem họ có muốn tham gia (đàm phán) hay không”.

Phát biểu của ông Blinken được đưa ra một ngày sau khi Bình Nhưỡng công kích chính quyền Mỹ, nói rằng những bình luận gần đây từ Washington là bằng chứng về một “chính sách thù địch” tới Bình Nhưỡng.

Mặt khác, thời gian có vẻ không còn đứng về phía Washington khi Triều Tiên tiếp tục cải tiến các chương trình hạt nhân và tên lửa.

Phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên là một trong những trọng tâm chính sách hiện nay của Mỹ. (Nguồn: KCNA)

Tại Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 1/2021, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã tiết lộ danh sách các loại vũ khí mới tiên tiến, bao gồm vũ khí hạt nhân nhỏ hơn, tên lửa nhiên liệu rắn tầm xa hơn,… một số trong đó đã được phát triển hoặc sắp thử nghiệm.

Ông Van Jackson, cựu quan chức Lầu Năm Góc và là tác giả của một cuốn sách về chương trình hạt nhân Triều Tiên, nhận định: “Chờ Triều Tiên hành động trước là một cách hiểu sai về tình hình. Triều Tiên có những gì Mỹ không muốn họ có. Họ coi Mỹ là kẻ thù và vũ khí hạt nhân của họ bảo đảm rằng Mỹ không thể làm gì họ ngoài các biện pháp trừng phạt, như Mỹ đã làm.

Vì vậy, chờ đợi Triều Tiên trên thực tế là sự kiên nhẫn chiến lược. Và mọi người đều biết, sự kiên nhẫn chiến lược là một thảm họa”.

Từng bước tiếp cận

Mặc dù chính quyền ông Biden không công khai về chiến lược tiếp cận từng bước đối với các cuộc đàm phán hạt nhân, nhưng các nguồn tin rò rỉ trên các phương tiện truyền thông cho biết Mỹ đang tìm kiếm các phương án tạm thời trong các cuộc đàm phán, chẳng hạn như ngăn chặn phổ biến vũ khí và kiểm tra sự phát triển của các hệ thống phân phối mới của Triều Tiên.

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan mới đây cũng công khai tán thành cách tiếp cận từng bước như một phần của lộ trình phi hạt nhân hóa: “Chúng tôi đã chuẩn bị để tham gia hoạt động ngoại giao hướng tới mục tiêu cuối cùng, nhưng làm việc theo lộ trình dựa trên các biện pháp thiết thực có thể giúp chúng tôi đạt được tiến bộ trong suốt chặng đường”.

Các chuyên gia cho rằng khả năng rất cao Washington sẽ lựa chọn cách tiến hành từng bước để tránh khả năng thất bại khi buộc Bình Nhưỡng ngay lập tức từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Ông Robert Einhorn, một cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ từng trực tiếp đàm phán với phía Triều Tiên, nhận định: “Nếu Mỹ đạt được thỏa thuận ngoại giao với Triều Tiên thì sẽ phải đưa ra một lộ trình từng bước để hai bên đạt được mục tiêu của mình. Nhưng hiện giờ còn quá sớm để trình bày chi tiết về lộ trình đó”.

Vẫn còn phải xem chính xác phản ứng của Triều Tiên trước việc Mỹ tỏ ra cởi mở với một cách tiếp cận theo từng giai đoạn như thế nào. Bình Nhưỡng được cho là đã đáp lại lời đề nghị của Washington về một cuộc họp bàn các giải pháp mới, tuy nhiên cụ thể câu trả lời không được tiết lộ.

Tuyên bố chung Singapore do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un ký vào tháng 6/2018. (Nguồn: AFP)

Lấy Tuyên bố chung Singapore làm tiền đề

Triều Tiên cũng có thể coi việc chính quyền ông Biden chấp nhận Tuyên bố chung Singapore và các thỏa thuận khác trong quá khứ là yếu tố chính trong việc định hướng các bước tiếp theo cần làm.

Tuyên bố chung Singapore với độ dài hai trang được cựu Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un ký vào tháng 6/2018, trong đó cam kết hành động để hướng tới phi hạt nhân hóa và xây dựng một mối quan hệ mới.

Các chuyên gia cho rằng Mỹ có thể lấy Tuyên bố chung Singapore làm tiền đề để xây dựng một bước ngoặt mới trong quan hệ ngoại giao với Triều Tiên. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề sẽ phụ thuộc phần lớn vào cảm nhận của Triều Tiên với những tín hiệu thiện chí từ Mỹ.

Giáo sư Leif-Eric Easley tại Đại học Ewha ở Seoul, Hàn Quốc nhận định: “Washington sẽ không cung cấp tài chính cho Bình Nhưỡng để quay lại đàm phán nhưng có thể cung cấp hỗ trợ nhân đạo như viện trợ vaccine ngừa Covid-19”.

Theo Viện Hòa bình Mỹ (USIP), kịch bản tích cực nhất là Triều Tiên thấy “hấp dẫn” bởi sự tái khẳng định của Washington đối với Tuyên bố chung Singapore cũng như Nhà Trắng để mở khả năng đối thoại thông qua ngôn từ dễ chịu hơn.

Trường hợp xấu nhất là Bình Nhưỡng cho rằng không có gì mới trong những gì Mỹ đã tuyên bố, rằng chính sách “thù địch” vẫn còn, rằng họ không muốn trì hoãn kế hoạch để đàm phán, và rằng cần phải khởi động lại chu kỳ thử nghiệm hạt nhân, tên lửa của mình để gia tăng áp lực lên Washington.

(theo Japan Times)