PHIÊN HỌP THỨ BA, ĐOÀN GIÁM SÁT VỀ VIỆC HUY ĐỘNG, SỬ DỤNG NGUỒN LỰC PHÒNG CHỐNG COVID-19; VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ Y TẾ CƠ SỞ, Y TẾ DỰ PHÒNG

NHIỀU BÀI HỌC CẦN RÚT KINH NGHIỆM TỪ VIỆC HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC XÃ HỘI PHỤC VỤ PHÒNG, CHỐNG COVID-19

Dự Phiên họp có Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng Đoàn giám sát; Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình, Phó Trưởng Đoàn giám sát; lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước; các thành viên Đoàn giám sát; đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu khai mạc Phiên họp.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng đoàn giám sát nêu rõ, mục đích của Phiên họp là xin ý kiến đóng góp của thành viên Đoàn giám sát, đại diện các bộ, ngành về dự thảo Báo cáo và dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề. Trong đó, đề nghị đại biểu tập trung cho ý kiến về kết cấu, tính cân đối, nội dung cụ thể, bài học kinh nghiệm, đánh giá nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm, tồn tại, hạn chế gắn với các giải pháp khắc phục…

Sau phiên họp này, Đoàn giám sát sẽ làm việc với Chính phủ để thống nhất một số nội dung, hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát và Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 4/2023 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai, Tổ phó Tổ giúp việc Đoàn giám sát đã nêu khái quát về vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò của hệ thống chính trị; sức mạnh, sự đồng lòng của nhân dân trong phòng, chống dịch. Khái quát công tác lãnh đạo, ban hành chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật trong phòng chống dịch COVID-19, y tế cơ sở, y tế dự phòng; công tác thông tin, tuyên truyền trong nhân dân; công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương. Khái quát những thuận lợi, khó khăn; kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, yếu kém trong: Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; Thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở; Thực hiện chính sách, pháp luật về y tế dự phòng. Khái quát kết quả xây dựng hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng là yếu tố quan trọng trong thành công của công tác phòng chống dịch COVID-19.

Quang cảnh phiên họp

Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát cũng đánh giá việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; chính sách tài khóa, tiền tệ trong phòng, chống dịch COVID-19; Công tác huy động nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19; công tác quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, xử lý vi phạm.

Báo cáo cũng chỉ rõ các kết quả đạt được tồn tại, hạn chế và những vướng mắc, bất cập việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; bài học, kinh nghiệm; đề xuất các nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế; về tổ chức thực hiện. Đồng thời, kiến nghị các giải pháp cụ thể đối với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Tiếp đó, các đại biểu dự Phiên họp thảo luận, cho ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Báo cáo và dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội tiếp tục thông tin về nội dung này.

Lan Hương - Nghĩa Đức