Phố Wall ngày càng đánh giá tích cực về cổ phiếu của các công ty Trung Quốc

Tuần trước, Morgan Stanley – ngân hàng đầu tư có quan điểm thận trọng, đã nâng kỳ vọng tăng giá của rổ Chỉ số MSCI Trung Quốc lên mức 14% vào cuối năm tới. Ngân hàng Bank of America cũng đã có cái nhìn tích cực hơn về thị trường chứng khoán Trung Quốc sau khi một số chỉ số chính của cổ phiếu Trung Quốc đã mất hơn một phần ba giá trị trong năm nay tính đến thời điểm tháng 10/2022, khiến những chỉ số này trở thành chỉ số kém hiệu quả nhất thế giới.

JPMorgan Chase & Co thậm chí còn thay đổi quan điểm sớm hơn khi gọi cú lao dốc của thị trường vào cuối tháng trước là cơ hội mua vào, một cú ‘quay xe’ về quan điểm khi hồi đầu năm nay ngân hàng đầu tư này vẫn gán cho các công ty internet Trung Quốc nhãn hiệu “không thể đầu tư”.

Thúc đẩy niềm tin của các nhà phân tích ‘bên bán’ là những thay đổi chính sách bất ngờ trong những tuần gần đây, từ việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát Covid chặt chẽ tới các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm khắc phục những vấn đề hiện nay của thị trường bất động sản hay những nỗ lực cải thiện mối quan hệ với Hoa Kỳ. Những động thái này đã khơi dậy sự hứng khởi của thị trường sau đợt sụt giảm giá trị lên tới 6.000 tỷ USD mà đỉnh điểm là khi đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào tháng trước.

Chúng tôi cho rằng thị trường Trung Quốc đã đạt mức chiết khấu đặc trưng của thị trường giá xuống. Vì vậy, với luồng tin tức tích cực hơn, thị trường có thể bắt đầu hoạt động tốt hơn”, Jonathan Garner, Giám đốc Chiến lược thị trường mới nổi và châu Á của Morgan Stanley, cho biết. Ông nói thêm rằng sự cải thiện của thị trường hiện nay có thể kéo dài nhiều quý.

Chỉ số MSCI China Index đã tăng gần 24% trong tháng này, sẵn sàng cho việc đạt hiệu suất tốt nhất kể từ năm 1999 sau khi mất 17% trong tháng 10. Chỉ số Hang Seng China Enterprises của các cổ phiếu Trung Quốc được niêm yết tại Hồng Kông và Chỉ số NASDAQ Golden Dragon China cũng là những chỉ số đang phục hồi tốt, với mức phục hồi hiện đã lên tới 20% từ mức thấp gần đây.

Theo Laura Wang, Chiến lược gia trưởng về chứng khoán Trung Quốc tại Morgan Stanley, đợt phục hồi này có thể sẽ tiếp diễn nếu Trung Quốc tiếp tục nới lỏng chính sách Zero Covid và nền kinh tế của nước này phục hồi hơn nữa. “Tôi không nghĩ rằng mức định giá hiện nay đã phản ánh đầy đủ tất cả các lợi ích từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn, phục hồi tiêu dùng, ổn định vĩ mô và phục hồi cơ hội việc làm”.

Cần lưu ý rằng, Garner và nhóm của ông đã dự đoán chính xác xu hướng giảm sâu tại các thị trường mới nổi và Trung Quốc hồi đầu năm nay.

Kỳ vọng cao

Bước vào năm 2022 nhiều ngân hàng đầu tư lớn Phố Wall đã lạc quan về thị trường chứng khoán Trung Quốc khi họ dự báo sẽ có nới lỏng rào cản pháp lý đối với các công ty công nghệ, các chính sách kinh tế hỗ trợ tăng trưởng và định giá hấp dẫn. Ví dụ, Goldman Sachs Group đã kỳ vọng chứng khoán Trung Quốc sẽ đạt mức tăng hai con số trong năm nay.

Tuy nhiên, lệnh đóng cửa do Covid-19, tình trạng sụt giảm của thị trường nhà ở và nguy cơ cổ phiếu của hàng chục công ty Trung Quốc bị hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ đã gây ra một đợt bán tháo không ngừng.

Với việc thị trường đang phục hồi đáng kể trong tháng này, Goldman Sachs dự báo sẽ có một đợt phục hồi nữa. Cả chỉ số MSCI China Index và CSI 300 Index dự báo sẽ tăng 16% trong 12 tháng tới, cao nhất ở châu Á, các chiến lược gia bao gồm cả Timothy Moe đã viết trong một ghi chú hồi tuần trước.

Các quỹ đầu tư toàn cầu đã mua ròng khoảng 41 tỷ nhân dân tệ (5,8 tỷ USD) cổ phiếu Trung Quốc trong tháng này thông qua các liên kết giao dịch với Hồng Kông, sau khi dòng vốn chảy ra ròng đạt 57,3 tỷ nhân dân tệ vào tháng 10, mức lớn nhất kể từ tháng 3/2020.

Mua thực sự

Một số nhà quan sát thị trường cho rằng việc thực thi các chính sách do Chính phủ Trung Quốc công bố là điều quan trọng cần được chú ý theo dõi trong vài tháng tới. Do vậy, vẫn còn phải xem liệu xu hướng tích cực của thị trường có dẫn đến dòng tiền bền vững từ các nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt hay không.

Sự gia tăng trở lại của các trường hợp Covid đã làm giảm bớt kỳ vọng về những thay đổi lớn đối với chiến lược Zero Covid.

JPMorgan Asset Management nhận thấy một số nhà đầu tư tổ chức của Hoa Kỳ tiếp tục phân bổ lại vốn từ Trung Quốc sang các thị trường mới nổi khác do những thách thức và bất ổn kinh tế tại Trung Quốc, vấn đề Đài Loan và căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ.

Julien Lafargue, Giám đốc Chiến lược thị trường tại Barclays Private Bank, cho biết, đợt phục hồi gần đây một phần là do các nhà đầu cơ đảo ngược làn sóng đặt cược vào thị trường giảm giá. “Chúng tôi chưa thấy dòng vốn mua thực sự chảy vào Trung Quốc và tôi nghĩ mọi người muốn thấy bằng chứng về việc mở cửa trở lại, dữ liệu kinh tế tốt hơn từ Trung Quốc, trước khi họ thực hiện động thái đó”.

Những yếu tố thay đổi cuộc chơi

Trong khi đó, giá cổ phiếu các công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ trong tháng 11 này (vốn chịu nhiều thiệt hại hơn trong thời gian giảm giá kéo dài) đã phục hồi mạnh mẽ hơn so với cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến.

Các nhà phân tích cho biết, tiềm năng tăng giá của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Hồng Kông và New York là cao nhất vì chúng vẫn rẻ hơn nhiều so với các công ty cùng ngành trong nước. Mức độ tiếp xúc nhiều hơn của họ với lĩnh vực tiêu dùng - nơi đang chứng kiến nhu cầu bị dồn nén mạnh mẽ - cũng được coi là một lợi thế.

Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Trung Quốc tại Hồng Kông vẫn giảm gần 26% trong năm nay. Chỉ số CSI 300 đã tăng 8,4% trong tháng 11, kéo mức giảm từ đầu năm tới nay chỉ còn đứng ở mức 23%.

Các nhà phân tích của HSBC Holdings Plc cho rằng, những thay đổi chính sách đối với chiến lược chống Covid và thị trường bất động sản của chính phủ Trung Quốc “có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với cổ phiếu của các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại thị trường chứng khoán quốc tế”.

Huy Nguyễn / Theo Bloomberg