Phổ Yên nỗ lực đẩy lùi tai nạn giao thông

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Thành phố Phổ Yên có hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Hệ thống giao thông đường bộ nối liền với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Vĩnh Phúc. Nhờ giao thông thuận lợi, những năm qua, thành phố thu hút nhiều dự án, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Tuy vậy, cùng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, các phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn cũng ngày càng tăng, mật độ tham gia giao thông lớn, tiềm ẩn có thể gây ra tình trạng ùn tắc và nạn giao thông…

Học sinh Trường THPT Bắc Sơn thực hành các tình huống giao thông

Nhằm ngăn chặn sớm các nguy cơ, thành phố chú trọng tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT; xây dựng văn hóa giao thông trong mọi tầng lớp Nhân dân. Việc tuyên truyền được triển khai bài bản, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng để người dân hiểu, nhận biết rõ hiểm họa từ tai nạn giao thông, thấy rõ trách nhiệm và tự giác chấp hành pháp luật về giao thông.

Ban ATGT thành phố phối hợp với các hội, đoàn thể, nhà trường, khu công nghiệp, địa phương tổ chức tuyên truyền về ATGT bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Trong đó, đặc biệt quan tâm tuyên truyền cho các đối tượng là học sinh và công nhân trong các khu công nghiệp; tổ chức cho doanh nghiệp, người dân, lái xe vận tải, học sinh, công nhân... ký cam kết thực hiện tốt các quy định về ATGT. Thành phố cũng rà soát các "điểm đen", điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông...

Với tình trạng xe quá tải, quá khổ lưu thông gây mất an toàn giao thông, Công an thành phố triển khai kế hoạch mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về kích thước thành thùng xe và chở quá tải trọng; tiếp tục thực hiện chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn trên toàn địa bàn. Trong đó, tập trung vào các tuyến đường ĐT 261, Trần Nguyên Hãn và một số tuyến đường trục chính…

Riêng trong 9 tháng năm 2023, qua các đợt kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản xử lý hành chính 2.206 trường hợp vi phạm về an toàn giao thông (tăng 656 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, có 1.270 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 124 trường hợp vi phạm về tải trọng; ra quyết định xử phạt hành chính, thu nộp ngân sách nhà nước trên 3,8 tỷ đồng, tước GPLX 781 trường hợp, tạm giữ 97 ô tô, 1.272 xe mô tô…..

Nhân rộng mô hình camera giám sát giao thông

Với hệ thống giao thông phát triển, Phổ Yên đã và đang ngày càng chứng minh sức hút với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện, thành phố có 3 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích gần trên 640ha. Ngoài ra, còn có 6 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 200ha và nhiều làng nghề… Dù vậy, một số tuyến đường vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải do lượng người và phương tiện tham gia giao thông lớn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông…

Nhằm bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn, thành phố đã và đang tập trung triển khai hiệu quả Đề án “Ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông thành phố Phổ Yên giai đoạn 2021 - 2025”… Sau gần 3 năm thực hiệnĐề án, tình hình tai nạn giao thông đã có những bước chuyển biến tích cực. Từ năm 2021 đến nay, UBND thành phố đã đầu tư 59 công trình giao thông với tổng số tiền 2.445,4 tỷ đồng. Đồng thời, huy động người dân đóng góp cùng sự hỗ trợ của Nhà nước xây dựng được trên 100km đường bê tông. Trên địa bàn hiện không tồn tại "điểm đen" ATGT...

Tiếp tục bảo đảm trật tự ATGT và đạt mục tiêu giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí, thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Đề án ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tham gia thực hiện công tác bảo đảm trật tự, ATGT. Đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ 4.0 vào quản lý, điều hành hệ thống giao thông. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT và xây dựng văn hóa giao thông...

Huy động các nguồn lực tiếp tục đầu tư phát triển, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông theo quy hoạch; đầu tư xây dựng các bến xe, điểm đỗ xe tĩnh; đầu tư phát triển mạng lưới đường giao thông nông thôn đáp ứng tiêu chí nông thôn mới. Kịp thời xử lý các "điểm đen", điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ. Kiên quyết lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt và chống tái lấn chiếm.

Thành phố cũng tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh vận tải; ưu tiên đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng; khuyến khích đầu tư, cải tạo phương tiện phục vụ người khuyết tật. Triển khai ứng dụng hệ thống giám sát hành trình phương tiện và hệ thống quản lý, điều hành của các doanh nghiệp vận tải. Kiểm soát chặt việc đăng ký biển hiệu, phù hiệu của các phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Khảo sát, xây dựng mạng lưới các trạm, điểm, chốt sơ cấp cứu tai nạn giao thông trên cơ sở các trạm y tế, trung tâm y tế và thành lập các đội, nhóm sơ cấp cứu tai nạn giao thông; nhân rộng mô hình camera giám sát giao thông…

Bách Hợp