Quân đội Mỹ phát triển hệ thống AI dự đoán nguy cơ xung đột trước vài ngày

Tờ India Times ngày 3-8 đưa tin Bộ tư lệnh phương Bắc của quân đội Mỹ gần đây đã hoàn thành các cuộc thử nghiệm đối với hệ thống Thử nghiệm kiểm soát thông tin toàn cầu (GIDE) - gồm trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và cảm biến, vốn có thể giúp Lầu Năm Góc dự đoán các sự kiện “vài ngày trước khi chúng xảy ra”.

Theo tướng Glen VanHerck - chỉ huy Bộ tư lệnh phương Bắc, khả năng này có thể dẫn đến sự thay đổi lớn trong các hoạt động của quân đội và chính phủ Mỹ.

Quân đội Mỹ phát triển hệ thống AI dự đoán nguy cơ xung đột trước vài ngày. Ảnh: REUTERS

Theo India Times, hệ thống dựa trên học máy (machine learning) này xem xét các thay đổi dựa trên dữ liệu thô theo thời gian thực, từ đó có thể dự đoán các biến cố có thể xảy ra.

Chẳng hạn, từ hình ảnh vệ tinh cho thấy các dấu hiệu rời cảng của một chiếc tàu ngầm của đối thủ, hệ thống AI có thể ghi nhận những chuyển động này, giúp quân đội chuẩn bị trong trường hợp tàu ngầm di chuyển đến hay tấn công tại các vùng biển của Mỹ.

Nếu như các nhà phân tích quân sự phải mất đến hàng giờ để tìm hiểu kỹ thông tin này, hệ thống AI sẽ thực hiện điều này trong vòng vài giây và cảnh báo cho giới nhà chức trách, ông VanHerck cho biết.

Trong cuộc thử nghiệm GIDE 3 gần đây với công nghệ trên, 11 cơ quan chỉ huy và Bộ Quốc phòng Mỹ đã sử dụng kết hợp các cảm biến quân sự và dân sự để nhận diện các tình huống “xung đột hậu cần” tiềm ẩn.

Theo ông VanHerck, công nghệ này không phải hoàn toàn mới, song quân đội đã “đồng bộ được mọi nguồn thông tin với nhau”.

“Chúng tôi không tạo ra các năng lực mới để lấy dữ liệu và thông tin. Thông tin này được lấy từ các vệ tinh, radar, hệ thống mạng hàng ngày. Dữ liệu thì đã tồn tại. Những gì chúng tôi đang làm là trích xuất những dữ liệu đó và tập hợp vào hệ thống điện toán đám mây, nơi hệ thống máy học và AI sẽ tiếp nhận và xử lý thực sự nhanh chóng và cung cấp cho những người ra quyết định, mà tôi gọi là tính ưu việt của quyết định” – tướng VanHerck cho biết.

“Điều này mang lại cho chúng tôi nhiều ngày để đánh giá những cảnh báo và đưa ra phản ứng. Nếu như trong quá khứ, chúng tôi khó có thể sớm đưa ra một phân tích dựa trên nguồn hình ảnh vệ tinh tình báo địa-không gian (GEOINT), thì giờ đây chúng tôi đang làm điều đó trong vòng vài phút hoặc gần thời gian thực. Đó là sự khác biệt cơ bản mà tôi đang nói đến" – ông VanHerck nói thêm.

Tuy nhiên, ông VanHerck cho hay công nghệ này vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Tuy AI có thể giúp phát hiện những hành vi bất thường như số lượng xe trong bãi đỗ hay lượng máy bay nhiều hơn mức thông thường, song không thể chỉ ra chính xác điều gì đang xảy ra mà vẫn cần đến sự phát hiện của con người.

Tuy nhiên, công nghệ này sẽ hữu ích nếu có thể ngăn chặn một cuộc tấn công bất ngờ hay giúp hướng đến việc thỏa thuận thay vì đụng độ quân sự.

Theo ông VanHerck, nền tảng này có thể sẽ sớm được đưa vào sử dụng, đồng thời cho biết quân đội Mỹ đã "sẵn sàng thực nghiệm" với phần mềm, và có thể sẽ đánh giá lại tại cuộc "Tập trận tích hợp toàn cầu" vào mùa xuân 2022.

HÒA ĐẶNG