Quân sự thế giới hôm nay (3-3): Ukraine sử dụng bom dẫn đường JDAM-ER, Nga tái sản xuất máy bay A-50

* sử dụng bom dẫn đường JDAM-ER tấn công các mục tiêu quân sự của Nga

Một đoạn video được cơ quan báo chí của Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 38 Ukraine công bố cho thấy, một sở chỉ huy và kho tên lửa pháo binh của quân đội gần một căn cứ quân sự ở vùng Kherson đã bị bom dẫn đường JDAM-ER phá hủy. Được biết, những quả bom này đã đánh trúng mục tiêu mà máy bay không cần xâm nhập vào vùng phòng không của đối phương.

JDAM-ER được đánh giá là một tiến bộ trong công nghệ vũ khí dẫn đường, mang đến cho lực lượng quân sự khả năng tấn công chính xác các mục tiêu ở khoảng cách tăng đáng kể so với các phiên bản tiền nhiệm.

Được thiết kế và phát triển bởi Mỹ, JDAM-ER nổi bật với khả năng chuyển đổi bom không điều khiển thành vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao. Ảnh: Không quân Mỹ

Được thiết kế và phát triển bởi ỹ, JDAM-ER, nổi bật với khả năng chuyển đổi bom không điều khiển thành vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao, sử dụng hệ thống dẫn đường kết hợp GPS (hệ thống định vị toàn cầu) và INS (hệ thống dẫn đường quán tính). Công nghệ này cho phép JDAM-ER đạt được độ chính xác cao.

Hiện tại, loại bom dẫn đường này đang được có trong biên chế quân đội 37 quốc gia trên toàn thế giới và có nhiều biến thể như GBU-31, GBU-32, và GBU-38. Với khả năng hoạt động ở độ cao lên tới 13.677m, JDAM-ER có thể được thả cách xa hệ thống phòng không của đối phương giúp giảm rủi ro cho máy bay và phi hành đoàn. Ngoài ra, một số biến thể GBU-31, GBU-32 và GBU-38 còn được trang bị thêm cánh với sải cánh thay đổi từ 35,6cm đến 63,5cm, giúp tăng tầm bắn hiệu quả của chúng.

Kích thước các biến thể cũng khác nhau, với chiều dài từ 235,2cm đối với GBU-38 đến 387,9cm đối với GBU-31 1/B. Điều này cho phép các lực lượng quân sự điều chỉnh vũ khí của mình cho phù hợp với nhiệm vụ cụ thể.

* Nga tái sản xuất máy bay A-50

Air Recognition dẫn thông báo của ông Sergei Chemezov, người đứng đầu Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Rostec cho biết, tập đoàn nhà nước này của Nga đang có kế hoạch khởi động lại việc sản xuất máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS) A-50. Kế hoạch này nhằm đáp ứng nhu cầu của Lực lượng vũ trang Nga cũng như các khách hàng quốc tế.

Thông báo của ông Chemezov tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của A-50 đối với lực lượng vũ trang Nga. Loại máy bay này đóng vai trò là phương tiện trinh sát quan trọng, cho phép phát hiện tên lửa và các mục tiêu mặt đất một cách hiệu quả. Các báo cáo tình báo Anh nhấn mạnh A-50 là “công cụ quan trọng” trong các hoạt động của Nga ở Ukraine, đưa ra các cảnh báo sớm về mối đe dọa và khả năng chỉ huy.

Quyết định khôi phục sản xuất A-50 của Nga được đưa ra sau khi 2 chiếc máy bay loại này bị hạ bởi hệ thống phòng không của Ukraine vào đầu năm nay. Các nguồn tin chỉ ra rằng chiếc A-50 đầu tiên bị hệ thống tên lửa đất đối không Patriot bắn hạ, trong khi chiếc thứ hai do 2 tên lửa của hệ thống phòng không tầm xa S-200 nâng cấp tiêu diệt.

Quyết định khôi phục sản xuất A-50 của Nga được đưa ra sau khi 2 chiếc máy bay loại này bị hạ bởi hệ thống phòng không của Ukraine vào đầu năm nay. Ảnh: essanews.com

Được phát triển từ thời Liên Xô, A-50 lần đầu tiên bay lên bầu trời vào năm 1978 và chính thức được đưa vào sử dụng năm 1985 và khoảng 40 chiếc đã được sản xuất tính đến năm 1992. Mẫu máy bay cảnh báo sớm này đặc trưng bởi radar giám sát Liana lớn đặt trong khung vòm xoay có đường kính 9m trên thân máy bay. Hệ thống này cho phép phát hiện các mục tiêu trên không ở khoảng cách lên tới 650km và mục tiêu mặt đất ở khoảng cách tối đa 300km. A-50 cũng có khả năng điều khiển tới 10 chiến đấu cơ cho nhiều hoạt động khác nhau, bao gồm đánh chặn trên không và tấn công trên mặt đất và còn có thể được tiếp nhiên liệu trên không từ máy bay chở dầu Il-78.

A-50 được trang bị radar "Vega-M" với khả năng theo dõi đồng thời tới 150 mục tiêu trong bán kính 230km và các mục tiêu lớn như tàu mặt nước ở khoảng cách lên tới 400km.

Về thông số kỹ thuật, A-50 dài 49,59m, sải cánh 50,5m, cao 14,76m, trọng lượng không mang tải là 75.000kg và trọng lượng cất cánh tối đa là 170.000kg. Máy bay được trang bị 4 động cơ phản lực cánh quạt Soloviev D-30KP, mỗi động cơ có lực đẩy 117,68kN, cho phép đạt tốc độ tối đa 900km/giờ, tầm hoạt động 7.500km và trần bay 12.000m.

* Không quân đưa JF-17 Block III vào biên chế

Bulgarian Military đưa tin, Không quân Pakistan (PAF) mới đây đã đưa vào biên chế phiên bản mới nhất của JF-17 với tên gọi “Thunder” Block III, sản phẩm liên doanh giữa Tổ hợp Hàng không Pakistan và Tập đoàn máy bay Thành Đô của Trung Quốc.

Hoàn thành chuyến bay đầu tiên tại Thành Đô, Trung Quốc, vào cuối năm 2019, biến thể một chỗ ngồi JF-17 Block III được các quan chức Không quân Pakistan phân loại là áy bay chiến đấu thế hệ thứ 4+ và quyết định đặt mua 50 chiếc.

Theo PAF, biến thể Block III có nhiều đặc điểm vượt trội hơn so với biến thể tiền nhiệm giúp nâng cao khả năng cơ động, phạm vi hoạt động cũng như khả năng chiến đấu hiện đại. Theo đó, nhờ sử dụng nhiều vật liệu composite và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, tiết diện của radar giảm đáng kể. Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), chiếc máy bay này được cho là trang bị KLJ-7A, radar điều khiển hỏa lực 3D trên không băng tần X do Viện Nghiên cứu công nghệ điện tử Nam Kinh phát triển. Radar KLJ-7A có thể theo dõi 15 mục tiêu và tấn công 4 mục tiêu cùng lúc. Ngoài ra, Block III cũng có hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại, cùng với hệ thống hiển thị và quan sát gắn trên mũ bảo hiểm của phi công.

Một chiếc JF-17 của Pakistan tại Dubai Airshow 2023. Ảnh: Không quân Pakistan

Bên cạnh cải tiến về công nghệ, biến thể mới này cũng được nâng cấp về động cơ. Ban đầu, Block III dự kiến sẽ được trang bị động cơ phản lực đốt sau (afterburner) Klimov RD-93MA. Tuy nhiên, để tăng lực đẩy và tối ưu hóa tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng, kế hoạch chuyển sang động cơ mạnh mẽ hơn là Guizhou WS-13.

Với tốc độ tối đa lên tới 1.910km/giờ, JF-17 Block III được đánh giá là một trong những máy bay nhanh nhất trên bầu trời. Đặc biệt, máy bay này còn được trang bị thêm thùng nhiên liệu phụ cho phép mở rộng đáng kể phạm vi chiến đấu lên tới 1.741km. Với nhiên liệu bên trong, JF-17 Block III có thể di chuyển quãng đường 900km khi chiến đấu. Quãng đường này tăng lên 1.800km khi thực hiện nhiệm vụ vận chuyển. Điều này cũng chứng minh được sự linh hoạt của biến thể này trong thực hiện nhiệm vụ.

Về kích thước, JF-17 Block III có chiều dài 14,3m, sải cánh 9,44m và cao 4,57m. Trọng lượng của JF-17 Block III là 7.965kg, chưa bao gồm tải trọng hoặc nhiên liệu. Tuy nhiên, trọng lượng cất cánh tối đa của nó đạt tới 13.500kg.

* Thales bàn giao hệ thống CAPTAS-4 đầu tiên cho Hải quân Mỹ

Tập đoàn Thales mới đưa ra thông báo vừa hoàn thành bàn giao hệ thống định vị thủy âm CAPTAS-4 đầu tiên cho Hải quân Mỹ như một phần của nỗ lực cải tiến công nghệ cho khinh hạm lớp Constellation.

Được thiết kế để hỗ trợ các tàu khu trục mới của Mỹ định vị, phân loại và theo dõi các tàu ngầm tàng hình, hệ thống CAPTAS-4 đã chứng minh tính hiệu quả trong việc phát hiện và theo dõi tàu ngầm trong các cuộc tập trận của liên minh.

CAPTAS-4, thuộc dòng sonar CAPTAS, đang được nhiều quốc gia sử dụng. Ảnh: Thales

CAPTAS-4, thuộc dòng sonar CAPTAS, được đánh giá cao về hiệu quả hoạt động, đã được hải quân của Pháp, Anh và Italy cùng nhiều nước khác thử nghiệm rộng rãi. Trong những năm gần đây, các khinh hạm của Pháp được trang bị hệ thống CAPTAS-4 đã được công nhận về khả năng tác chiến chống ngầm và được nhận Giải thưởng Hook'Em vì thành tích xuất sắc trong các cuộc tập trận của liên minh.

TRẦN HOÀI (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.