Quan trắc môi trường giúp người nuôi tôm tránh được rủi ro

Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, trong vụ nuôi đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh này có gần 2.000ha diện tích mặt nước được thả nuôi tôm. Trong đó, có gần 628ha diện tích nuôi tôm theo phương thức thâm canh và bán thâm canh; gần 1.371ha nuôi theo phương thức quảng canh cải tiến.

Từ khi xuống giống đến khi thu hoạch, vụ tôm đầu năm 2021 ở Bình Định bị ảnh hưởng không ít bởi nắng nóng kéo dài, gây bất thuận cho sinh trưởng, phát triển của tôm nuôi. Thế nhưng suốt cả vụ nuôi vừa qua chỉ có 0,61ha diện tích nuôi tôm bị bệnh môi trường và đốm trắng, không có diện tích nào bị bệnh gan tụy.

Trong khi vụ nuôi đầu năm 2020 trên địa bàn Bình Định có đến gần 37,5ha diện tích nuôi bị dính bệnh. Thế nên người nuôi tôm ở Bình Định đã có 1 vụ tôm thành công.

Vụ nuôi đầu năm 2021 hầu hết người nuôi ở Bình Định đều có lãi nhờ tôm ít dịch bệnh. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ví như vùng nuôi tôm sinh học 25ha ở thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định), trong vụ nuôi đầu năm vừa qua hầu hết diện tích thả nuôi đều không dính bệnh, nên người nuôi tôm ở đây ai lãi ít cũng vài ba chục triệu, người lãi nhiều cả hàng trăm triệu.

“Những năm trước tôm nuôi thường bị bệnh đốm trắng, bệnh này khiến tôm chết hàng loạt nên người nuôi thiệt hại nặng. Vụ nuôi đầu năm nay ở thôn Đông Điền chỉ có 1 ít hồ tôm bị bệnh môi trường, nhưng không nghiêm trọng lắm.

Hồ nào tôm bị bệnh, chủ hồ thu hoạch những con tôm có trọng lượng kha khá để bán, tôm nhỏ thả lại nuôi và chúng phát triển bình thường, đến khi lớn lại thu hoạch nên người nuôi không bị lỗ”, ông Lê Thanh Tâm, Chi hội trưởng Chi hội nuôi tôm cộng đồng ở thôn Đông Điền, cho hay.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thắng, cho biết thêm: “Vụ nuôi đầu năm ngoái, bà con mới thả giống được khoảng hơn nửa tháng thì tôm bị dịch bệnh tràn lan, hầu hết người nuôi bị thất bại. Năm nay, các hộ nuôi tôm trên địa bàn đã tuân thủ nghiêm cẩn khuyến cáo của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, nhờ đó môi trường nguồn nước nuôi được bảo vệ tốt, dịch bệnh tôm được kiểm soát, nên thiệt hại được hạn chế ở mức thấp nhất, hầu hết người nuôi tôm ở địa phương đều có được vụ nuôi thành công”.

Người nuôi tôm ở Bình Định hiện đang hạn chế nuôi tôm sú, chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thành công nói trên của người nuôi tôm ở Bình Định trong vụ nuôi vừa qua có sự đóng góp không ít của các cơ quan chức năng. Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, trước khi bước vào vụ nuôi, đơn vị này đã tiến hành nhiều đợt quan trắc môi trường vùng nuôi trồng thủy sản trong tỉnh để kịp thời cảnh báo, khuyến cáo, hướng dẫn người nuôi thực hiện tốt việc chăm sóc, quản lý ao nuôi, bảo vệ môi trường nguồn nước nuôi.

Thêm vào đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định đã phối hợp cùng các địa phương phân bổ hóa chất sát trùng, tăng cường kiểm dịch tôm giống đảm bảo chất lượng đầu vào, hướng dẫn thêm về kỹ thuật cải tạo ao nuôi và xử lý khi tôm bị bệnh.

Ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản Bình Định, chia sẻ: “Càng ngày người nuôi tôm ở Bình Định càng tuân thủ tốt hơn lịch thời vụ, việc chọn con giống chất lượng cũng được bà con răm rắp làm theo hướng dẫn của ngành chức năng, chỉ sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, đã được cấp giấy kiểm dịch hoặc giấy xét nghiệm trước khi đưa vào thả nuôi.

Bên cạnh đó, người nuôi tôm ở Bình Định hiện nay đã sử dụng phổ biến các chế phẩm vi sinh để cải thiện môi trường nguồn nước nuôi, áp dụng các biện pháp quản lý môi trường để phòng bệnh cho tôm trong tình hình nắng nóng kéo dài”.

Người nuôi tôm ở Bình Định đang mong mỏi cơ sở hạ tầng các vùng nuôi được đầu tư để môi trường nguồn nước nuôi được bảo đảm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm vừa được Sở NN-PTNT Bình Định tổ chức vào giữa tháng 7 vừa qua, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết: “Trong những năm gần đây, theo hướng dẫn của ngành chức năng, người nuôi tôm ở Bình Định đã tăng cường nuôi tôm chất lượng cao, chuyển phương thức nuôi từ quảng canh sang nuôi thâm canh, bán thâm canh; hạn chế nuôi tôm sú và chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng tôm nuôi đạt hơn 3.500 tấn, trong đó sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt gần 3.313 tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ”.

Cũng theo ông Phúc, trong thời gian tới, Bình Định sẽ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng ở các vùng nuôi tập trung; xây dựng vùng nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, tổ chức theo hình thức HTX nuôi tôm, xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng tôm thẻ chân trắng.

“Để phát triển nghề nuôi tôm một cách bền vững, đạt hiệu quả, chúng tôi mong được nhà nước quan tâm, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng nuôi để môi trường nguồn nước nuôi được bảo đảm; được ngành chức năng hướng dẫn thêm về kỹ thuật, giới thiệu công nghệ mới để người nuôi tôm có điều kiện tiếp cận, ứng dụng nếu phù hợp với thực tế, có như vậy mới mong phát huy hiệu quả nghề nuôi tôm một cách bền vững”, ông Lê Thanh Tâm, Chi hội trưởng Chi hội nuôi tôm cộng đồng ở thôn Đông Điền kiến nghị.

Đình Thung-Lê Khánh