Quyết liệt khống chế dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò

Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An phun thuốc tiêu trùng khử độc chuồng nuôi gia súc của một hộ dân trên địa bàn.Ảnh: PHẠM TUÂNLực lượng chức năng tỉnh Nghệ An phun thuốc tiêu trùng khử độc chuồng nuôi gia súc của một hộ dân trên địa bàn. Ảnh: PHẠM TUÂN

Theo các cơ quan chuyên ngành thú y, từ giữa tháng 10-2020 đến nay, dịch viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò đã xuất hiện 950 ổ dịch tại 917 xã thuộc 151 huyện của 25 tỉnh, thành phố. Hiện, cả nước còn 761 ổ dịch tại 126 huyện của 21 tỉnh chưa qua 21 ngày. Tổng số gia súc mắc bệnh là hơn 20.400 con, số gia súc đã tiêu hủy hơn 1.500 con. Để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra ở mức thấp nhất, các địa phương cần chủ động triển khai ngay các biện pháp phòng, chống hữu hiệu, không để dịch VDNC lây lan.

Cục Thú y cho biết, một số địa phương có số gia súc mắc bệnh cao như: Hà Tĩnh (hơn 11 nghìn con), Thanh Hóa (hơn 3.400 con), Quảng Bình (gần 2.900 con), Nghệ An (hơn 600 con). Tại Yên Bái, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, dịch VDNC trên trâu, bò lần đầu xuất hiện ở địa bàn vào ngày 29-3-2021 tại hộ ông Hà Huy Giáp (thuộc thôn Bản Phạ, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên) phát hiện một con bò mắc bệnh; bảy ngày sau thêm một con nhiễm bệnh. Ngày 16-4, theo phản ánh của người dân, Chi cục đã tổ chức đoàn công tác tới xã Mỹ Gia, huyện Yên Bình kiểm tra hộ ông Hoàng Ngọc Sử, ở thôn Phú Mỹ đang nuôi bốn con bò, có hai con biểu hiện bệnh VDNC, đoàn đã lấy mẫu xét nghiệm và yêu cầu cách ly hai con còn lại. Như vậy, Yên Bái có bốn hộ, ở hai huyện, có tám con bò bị nhiễm bệnh, đã tổ chức tiêu hủy năm con theo quy định. Ở Thái Nguyên, dịch VDNC đã xuất hiện tại 62 xã thuộc tám huyện, với 596 con gia súc mắc bệnh. Tại Quảng Ngãi, có 370 con gia súc bị nhiễm bệnh VDNC ở 15 xã của ba huyện. Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân xuất hiện dịch VDNC ở nước ta là do: Một số địa phương chưa triển khai quyết liệt, đồng bộ, không xử lý dứt điểm và tiêu hủy gia súc khi dịch bệnh mới xuất hiện. Việc chăn thả trâu, bò trên các cánh đồng, bãi chăn thả chung còn khá phổ biến. Nhu cầu vận chuyển, giết mổ trâu, bò gia tăng mạnh. Điều kiện các hộ chăn nuôi, nhất là tại các tỉnh miền núi còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn khi áp dụng các biện pháp phòng bệnh. Thêm vào đó, thời tiết đang nóng dần lên, khiến các môi giới truyền bệnh VDNC trên trâu, bò như: Ruồi, muỗi, ve, mòng hút máu, truyền bệnh gia tăng. Mặt khác, do giá trị kinh tế của một con trâu, bò khá cao cho nên có tình trạng người chăn nuôi ở một số địa phương bán chạy, giết mổ gia súc bệnh…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch VDNC theo quy định của Luật Thú y. Theo đó các địa phương đang có dịch VDNC cần thực hiện công bố dịch theo quy định; tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch theo đúng quy định, không để dịch lây lan, kéo dài. Tổ chức tốt việc giám sát, phát hiện kịp thời, cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng; hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, có giải pháp ngăn chặn, tiêu diệt ruồi, muỗi, ve, mòng... truyền bệnh. Có kế hoạch và bố trí kinh phí để tổ chức phòng, chống dịch VDNC cho trâu, bò, bao gồm: Kinh phí mua vắc-xin để tiêm phòng, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu hơn 80% số gia súc thuộc diện tiêm phòng.

Để có đủ lượng vắc-xin cung ứng cho công tác phòng, chống dịch bệnh, địa phương cần có kế hoạch và đăng ký với đơn vị nhập khẩu, để cung ứng kịp thời và đầy đủ. Giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển trâu, bò. Đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch VDNC, bảo đảm vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ trâu, bò. Không sử dụng sản phẩm từ trâu, bò không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Đẩy mạnh kiểm tra phòng, chống dịch VDNC tại cơ sở, đồng thời chủ động phối hợp các tổ chức quốc tế và các nước trong việc chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch VDNC. Tính đến ngày 15-4-2021, các doanh nghiệp đã nhập 1,6 triệu liều vắc-xin VDNC các loại; đã cung ứng hơn một triệu liều vắc-xin VDNC cho các địa phương và các doanh nghiệp chăn nuôi (gồm 19 tỉnh, thành phố và 21 cơ sở chăn nuôi).

THEO kế hoạch, từ cuối tháng 4 và tháng 5-2021, các doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu hơn một triệu liều vắc-xin VDNC để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục triển khai chương trình phòng, chống dịch bệnh, đẩy mạnh củng cố hoạt động kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm soát thuốc thú y, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để đẩy mạnh phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

ANH QUANG