Rashford trả giá vì phớt lờ cảnh báo của Ten Hag

Ngày 21/9, đồng hồ điểm phút 42 trên sân Allianz Arena của Bayern Munich, Rashford có pha phối hợp ở biên bất thành với Sergio Reguilon. Chủ nhà nhanh chóng thực hiện tình huống phản công. Bóng tìm đến Sane, người mở tốc độ ở cánh phải.

Ở tình huống này, Rashford đứng khá gần Sane. Song, tiền đạo người Anh lại không chịu tăng tốc để đuổi theo đối thủ. Ngược lại, mũi nhọn 26 tuổi lê bước chân trông rất mệt mỏi.

Trước trận gặp Bayern vài ngày, Rashford cũng bị bắt gặp hình ảnh lười biếng, không chịu nỗ lực pressing hàng thủ Brighton. Trong hai trận đấu kể trên, Utd đều nhận thất bại.

Sự lười biếng làm hại Rashford

Quay ngược thời gian trở lại tháng 2 năm nay, HLV ten Hag của Man Utd từng cảnh báo Rashford phải tránh xa "sự lười biếng" để tiếp tục duy trì phong độ ổn định. Chia sẻ của chiến lược gia người Hà Lan được đưa ra sau trận Man Utd thắng Leeds 2-0. Hôm ấy, Rashford là tác giả của một trong 2 bàn thắng.

"Tôi không biết khi nào thì phong độ của Rashford mới bị chặn đứng. Nhưng nếu cậu ấy tự mãn với những gì đang có, thì điều đó sẽ tới sớm thôi. Hơn hết, sự tự mãn thường dẫn đến lười biếng. Mà trong cuộc sống, bạn phải chăm chỉ và đầu tư cho bản thân hàng ngày", HLV Ten Hag nói.

Khả năng ghi bàn của Rashford rất toàn diện. Cầu thủ này sút được bằng cả hai chân. Mũi nhọn người Anh cũng có thể chơi tốt ở khả năng không chiến. Về lý thuyết, Rashford hội đủ mọi yếu tố để trở thành tiền đạo đẳng cấp thế giới. Nhân tố Man Utd có thể tin cậy.

Điều đó không xảy ra, ít nhất ở mùa giải này. Nói đến Rashford giờ là nhắc tới tiền đạo lười vận động. Cầu thủ ở trạng thái "tĩnh", hiếm khi pressing lên đối thủ và không cho thấy nguồn năng lượng dồi dào.

Khi Man Utd thua trên sân Old Trafford hôm 3/12, Rashford nằm trong nhóm cầu thủ bị chỉ người hâm mộ và các cựu danh thủ CLB chỉ trích nhiều nhất. Tất cả chỉ vì thói lười biếng của Rashford cũng như tỏ ra thờ ơ với những diễn biến trên sân.

Rashford mới ghi 2 bàn tới nay. Ảnh: AP.

Cụ thể, trong một tình huống Newcastle tổ chức đánh biên trái, tiền đạo người Anh mất tới 16 giây để chạy vài chục mét để nhằm hỗ trợ phòng ngự. Đây là điều không thể chấp nhận.

Ở trận này, Rashford được Ten Hag bố trí chơi ở biên phải. Đối thủ của anh bên kia chiến tuyến là Tino Livramento. Suốt thời gian Rashford có mặt trên sân, cầu thủ này toàn bị Livramento cho "hít khói" mỗi khi Newcastle đánh biên trái.

Dưới ánh đòi chói lọi ở "Nhà hát của những giấc mơ", Rashford như kẻ lạc lõng, chỉ đứng yên trên sân, quan sát đối thủ xuyên phá cánh phải của đội nhà. Thỉnh thoảng, tiền đạo này lùi về phòng ngự, nhưng không hề cho thấy sự quyết liệt trong các tình huống vây bắt đối thủ.

Chứng kiến đội bóng cũ bị Newcastle "vờn" suốt trận đấu, cựu danh thủ Paul Scholes của Man Utd không thể giữ được sự bình tĩnh. Ông thốt lên: "Rác rưởi. Quá nhiều cầu thủ lười biếng trong đội bóng".

Scholes không nhắc cụ thể cái tên nào là cầu thủ lười biếng, nhưng ai cũng rõ bình luận ấy nhắm tới ai.

Ngán ngẩm với màn trình diễn của Rashford, HLV Ten Hag quyết định rút cầu thủ người Anh khỏi sân từ phút 61. Vài ngày sau, ông đẩy mũi nhọn này lên ghế dự bị trong trận gặp .

Lời nhắn nhủ hồi đầu năm của Ten Hag kêu gọi Rashford đừng tự mãn, theo đó hãy tiếp tục chiến đấu chống lại sự lười biếng dường như đã bị cậu học trò phớt lờ. Tới nay, tiền đạo 26 tuổi mới có 2 bàn sau 19 trận trên tất cả đấu trường.

Rashford đang ảo tưởng mình là Messi, Ronaldo?

Trong một lần trả lời phỏng vấn, Rashford có nói bản thân rất thần tượng Wayne Rooney. Dù vậy, anh lại không học được bất cứ điều gì từ đàn anh.

Rooney có thể chưa bao giờ được chọn là biểu tượng của sự hoa mỹ, nhưng luôn sắm vai chiến binh và tinh thần chiến đấu ngoan cường. Dù chơi ở vị trí nào, cựu sao người Anh cũng đều cháy hết mình trong từng pha bóng, dù cho điều đó có thể dẫn tới chấn thương hay thẻ phạt.

Trong làng bóng đá thế giới, cũng chỉ vài tiền đạo được miễn trừ việc pressing, hỗ trợ phòng ngự. Đó là Cristiano Ronaldo, Lionel Messi, Kylian Mbappe... Đây toàn cỗ máy săn bàn thượng thặng. Cũng nhờ khả năng ghi bàn ở đẳng cấp khác so với phần còn lại, nên họ thường được HLV ưu ái không phải tham gia lùi về phần sân nhà hỗ trợ phòng thủ.

Rashford giờ đây có lẽ đang ảo tưởng, nghĩ bản thân ngang hàng Ronaldo, Messi hay Mbappe. Bởi vậy, anh lười vận động trên sân, không tỏ ra tích cực pressing hay lùi về phòng ngự.

Rashford bị Ten Hag đẩy lên ghế dự bị ở trận Man Utd thắng Chelsea 2-1 hôm 7/12. Ảnh: AP.

Bóng đá ngày nay đòi hỏi tính thể lực rất nhiều. Cầu thủ giờ phải đảm nhiệm nhiều vai trò. Hình mẫu trung phong mắc võng trong vùng cấm địa không còn phù hợp. Erling Haaland là một trong những tiền đạo hay nhất thế giới, dù vậy, trong hệ thống vận hành của Man City, thì mũi nhọn người Na Uy vẫn thường phải lùi sâu về sân nhà để tham gia xây dựng lối chơi hay phòng ngự (khi cần - PV).

Trong chiến thắng 2-1 của Man Utd trước Chelsea, HLV Erik ten Hag đưa ra quyết định dũng cảm, đó là loại Rashford khỏi đội hình chính. Ông đặt niềm tin vào Alejandro Garnacho, tài năng mới 19 tuổi nhưng lại đang có phong độ cao gần đây.

Garnacho vẫn cần thời gian để hoàn thiện bộ kỹ năng. Song, cách cầu thủ người Argentina chơi bóng cho thấy nguồn năng lượng dồi dào. Mỗi khi Garnacho rê dắt, người hâm mộ như cảm thấy có luồng điện chạy xung quanh.

Nhiều năm trước, Rashford cũng từng tạo ra những hiệu ứng như vậy. Anh thăng tiến vượt bậc để chinh phục người hâm mộ Man Utd. Nhưng lúc này, Rashford đang bị bỏ lại phía sau. Thế giới giờ là của Garnacho.

Với Rashford, việc anh chơi kém thì ai cũng biết. Việc Ten Hag đẩy cậu học trò lên ghế dự bị cho thấy ông sẵn sàng loại bất cứ gương mặt nào không có phong độ tốt. Đó sẽ là hồi chuông cảnh báo cho mũi nhọn người Anh. Nếu Garnacho tiếp tục ghi bàn, kiến tạo, tháng ngày Rashford phải dự bị còn kéo dài.

Đáng nói, vòng chung kết EURO 2024 đang tới gần. Và thỉnh thoảng, HLV Gareth Southgate của tuyển Anh lại đến dự khán trong các trận đấu.

Nếu thua Chelsea, Ten Hag có bay ghế? Nhà báo Jamie Jackson của Guardian cho rằng BLĐ Man Utd vẫn tin tưởng Erik ten Hag, bất chấp kết quả trận gặp Chelsea ra sao.

Di Cầm