Robot tái chế giúp tăng khả năng tái chế nhựa mềm

Robot tái chế. Ảnh: Đại học Sydney

Nhựa mềm như màng bọc thực phẩm và túi nhựa thiếu các phương pháp tái chế thích hợp vì chúng dễ vướng vào máy móc phân loại chất thải, dẫn đến hỏng hóc cơ học và ô nhiễm các vật liệu tái chế khác như giấy.

Giáo sư Yonghui Li, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ “Nhựa mềm là yếu tố góp phần lớn vào việc chôn lấp và từ lâu đã trở thành thách thức đối với nền kinh tế vòng tròn và ngành quản lý chất thải, vì chúng thiếu một phương pháp phân loại đầy đủ và an toàn. Sử dụng các kỹ thuật IoT mới nhất, chúng tôi đã tạo ra một robot tùy chỉnh để giải quyết vấn đề này”.

“Từ năm 2018 đến năm 2019, Australia đã tạo ra 2,5 triệu tấn rác thải nhựa, bao gồm cả nhựa mềm: chỉ 9% được đưa đi tái chế trong khi 84% được đưa đi chôn lấp. Chúng tôi đặt mục tiêu chuyển đổi đáng kể các tỷ lệ này bằng cách phát triển một giải pháp cho phép tái chế hầu hết chất thải nhựa mềm”, Tiến sĩ Wanchun Liu, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Sydney (Úc) đang phát triển một phương pháp độc đáo, tạo ra hệ thống robot tự động sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) để phân loại rác có thể tái chế, nhằm tăng cường tái chế nhựa mềm. Robot sẽ xác định các túi nhựa mềm và phân biệt các nguồn nhựa, tách nhựa mềm khỏi các loại rác tái chế bị trộn lẫn. Sau khi được tách khỏi chất thải khác, nhựa mềm sẽ được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm tái chế nâng cao thành dầu và các hóa chất có giá trị khác bằng cách sử dụng công nghệ Lò phản ứng thủy nhiệt xúc tác Cat-HTR giúp xử lý triệt để các dòng chất thải ngày càng thách thức.

Robot sẽ tách các loại nhựa khác nhau. Ảnh: Đại học Sydney

Hiện các nhà nghiên cứu đang làm việc với các công ty quản lý chất thải, IQRenew, CurbCycle, Resource Recovery Design và các nhà phát triển công nghệ Licella, Mike Ritchie để phát triển hệ thống.

“Dự án của chúng tôi không chỉ chuyển nhựa mềm gia dụng khỏi bãi rác. Bằng cách tạo ra một giải pháp cho việc thu gom và phân loại rác với các đối tác, chúng tôi cũng đang tạo ra một chuỗi cung ứng bền vững đưa rác từ các hộ gia đình đến thị trường cuối cùng”, Phó Giáo sư Wanli Ouyang, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.

Linh Tăng (T.H)