Sẵn sàng các phương án khi thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng

Người dân khai báo y tế qua ứng dụng di động tại chốt kiểm dịch thuộc ấp Suối Sâu, xã An Tịnh, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: TUẤN ANH

Chiều 17/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 có cuộc họp với một số bộ, ngành về công tác chuẩn bị triển khai Văn bản số 969/TTg-KGVX. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình dịch ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đang diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm tăng rất nhanh, nguy cơ bùng phát trên diện rộng, đòi hỏi phải có bước đi mới, giải pháp mới, cách làm mới cho phù hợp. Theo đó, phải ưu tiên trên hết việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân; bảo đảm hệ thống y tế hoạt động hiệu quả, không bị quá tải; do chưa có đủ vắc- xin phòng Covid-19, để đạt miễn dịch cộng đồng cho nên phải kiềm chế dịch ở mức thấp nhất có thể. Áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với 19 tỉnh, thành phố khu vực phía nam nhằm giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh, không để dịch bệnh lan rộng ra cả khu vực và từ đó ra cả nước.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc áp dụng Chỉ thị 16 sẽ không có kết quả nếu không làm thực chất. Vì vậy, tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân phải cùng nhau thực hiện nghiêm túc các quy định của chỉ thị này. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị phải thật sự chú ý chăm lo đến đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, người bị ảnh hưởng, người không có thu nhập hay tích lũy. Đồng thời, các ngành, các cấp cùng vào cuộc đồng bộ, thông suốt việc nỗ lực duy trì sản xuất an toàn trong thực hiện giãn cách xã hội.

Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công thương đã có kế hoạch chuẩn bị cho tình huống áp dụng Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố. Ngành công thương chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm phục vụ đời sống người dân. Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác để có phương án vận chuyển hàng hóa đến những nơi áp dụng Chỉ thị 16 và đưa đến các nơi cần thiết nhất để người dân thuận tiện trong tiếp cận thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhất là Bộ Công thương để đưa ra khuyến cáo cụ thể với người dân.

Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết: Bộ trưởng Giao thông vận tải đã trực tiếp điều hành, tổ chức lại việc phân luồng, phân tuyến, áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR thống nhất với các địa phương để bảo đảm các xe vận tải hàng hóa được lưu thông trong khu vực có dịch và không có dịch. Triển khai thực hiện Chỉ thị 16 theo văn bản mới nhất của Thủ tướng, Bộ đã phân lại luồng, quy định cụ thể để giao thông trong khu vực 19 tỉnh, thành phố luôn suôn sẻ, đồng thời giao thông giữa 19 tỉnh, thành phố với các địa phương khác thông suốt. Bộ cũng cử cán bộ phối hợp với ngành y tế để xét nghiệm nhanh các lái xe ngay tại chốt kiểm soát tại các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận. Từ ngày 19/7, Bộ Giao thông vận tải giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức cấp mã QR để giúp các doanh nghiệp và lái xe được cấp nhanh, lưu thông nhanh hơn.

Ngành y tế đã đưa ra tất cả các chỉ đạo, kịch bản cho việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khi thực hiện Chỉ thị 16, trong đó nhấn mạnh vấn đề về xét nghiệm để phát hiện sớm các ca bệnh, cũng như bảo đảm công tác điều trị. Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng công suất xét nghiệm, thay đổi chiến lược xét nghiệm, sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để tầm soát, phát hiện những trường hợp lây nhiễm Covid-19 để tách ra ngay khỏi cộng đồng. Một trong những nguyên tắc cơ bản của Chỉ thị 16 là người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, khu phố cách ly với khu phố, xã cách ly với xã, cũng như huyện cách ly với huyện, do vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân ở tại nhà, chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết, hạn chế mọi sự tiếp xúc của mình với người ngoài xã hội, không tụ tập đông người. Tất cả các cơ sở chuyển sang trạng thái làm việc online hoặc có biện pháp giãn cách để làm sao bảo đảm thực hiện được tất cả các biện pháp phòng, chống dịch.

Người dân xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: NGUYỄN LONG

Về phía các địa phương, Tây Ninh quyết định thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Chỉ thị 16 ngay từ 0 giờ hôm nay 18/7. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu… Các ngành chức năng phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp bảo đảm lưu thông, cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân… Được biết, hiện lượng thịt tươi, trứng, rau củ quả đã nhập về cho các siêu thị tăng hơn 30% so với mấy ngày trước; cộng với lượng dự trữ lớn về gạo, mì, thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, thịt mát, hàng bình ổn giá… sẽ bảo đảm cung ứng ra thị trường ổn định từ 3 đến 6 tháng tới. Trong khi đó, Sở Giao thông vận tải Tây Ninh cũng đang tăng cường kiểm tra hoạt động đi, đến tại các cửa ngõ giao thông, bảo đảm thông suốt, an toàn trong phòng, chống dịch; đã xây dựng xong luồng xanh để lưu thông hàng hóa nông sản từ Tây Ninh đến TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương và ngược lại.

Những địa phương còn lại đều đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để áp dụng giãn cách từ 0 giờ ngày 19/7. TP Cần Thơ đã kích hoạt lại hệ thống phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn địa bàn, nhất là hoạt động của tổ Covid-19 cộng đồng, gắn với trách nhiệm chính quyền cơ sở; kích hoạt các khu cách ly tập trung ở 9 quận, huyện, các bệnh viện dã chiến ở quận Ninh Kiều, Bình Thủy và huyện Phong Điền bảo đảm công tác thu dung điều trị các ca bệnh. Thành phố yêu cầu các doanh nghiệp rà soát công tác phòng, chống dịch bệnh, nếu bảo đảm ba tại chỗ "sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ" mới hoạt động. UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức đội tuần tra, giám sát hoạt động 24/24 giờ, không để xảy ra các trường hợp tập trung đông người và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; tổ chức cổng rào an ninh tại các tuyến đường, khu phố, các hẻm trong khu vực cách ly, phong tỏa gắn với việc bảo đảm an sinh xã hội.

Việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu vào Cần Thơ được tạo thuận lợi tối đa, chỉ cần lái xe và người đi cùng có xét nghiệm âm tính còn hiệu lực được lưu thông vào, chứ không yêu cầu phải đổi lái xe nhằm rút ngắn thời gian lưu thông hàng hóa; tổ chức xe bán hàng lưu động đến các khu dân cư, khu vực bị cách ly, phong tỏa để đáp ứng các mặt hàng thiết yếu cho người dân…

Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các cấp ủy trực thuộc, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các ban đảng của Tỉnh ủy, lực lượng vũ trang, các sở, ban, ngành và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch trong tỉnh nhanh chóng chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, triển khai ngay các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn lên kế hoạch bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng kế hoạch, dự trù cho nhu cầu sử dụng nhu yếu phẩm, trang thiết bị, vật phẩm y tế tại các cơ sở điều trị, các khu phong tỏa, cách ly; duy trì nghiêm kế hoạch phòng, chống dịch trong khu công nghiệp, cảng biển; chuẩn bị các cơ sở cách ly tập trung… Thực hiện phương án bố trí công việc giãn cách bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa phòng, chống dịch hiệu quả.

UBND tỉnh An Giang yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16; đồng thời, có kế hoạch chăm lo công tác an sinh xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn. Yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh, Sở Y tế và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch... Trong điều kiện phòng, chống dịch cấp bách do chủng vi-rút mới Delta diễn biến nhanh, mạnh, khó lường, Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân "vì sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng" chấp hành và thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.

Tỉnh Sóc Trăng cũng đang khẩn trương triển khai các phương án thực hiện giãn cách xã hội. Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số chung tay đẩy lùi dịch bệnh, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành tập trung công tác quản lý chặt địa bàn; bảo đảm hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm cho nhân dân.

Tối 17/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau họp khẩn, bàn giải pháp ứng phó dịch khi áp dụng Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 19/7. Lãnh đạo tỉnh Cà Mau đặc biệt lưu ý các địa phương trong tỉnh kiên quyết không để tình trạng "siết chặt vòng ngoài nhưng lỏng lẻo vòng trong"; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm yêu cầu về giãn cách, không để xảy ra tụ tập đông người. Cùng với đó, đặc biệt chú ý quan tâm làm tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương do dịch bệnh, như: người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất công ăn việc làm…

Lãnh đạo tỉnh Bình Phước cho biết, sẽ có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể cho các huyện, thị xã và thành phố Đồng Xoài áp dụng Chỉ thị 16, từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đến tăng cường kiểm tra, giám sát sự chấp hành của người dân, các cấp, ngành trên địa bàn quản lý. Các ngành, địa phương cần tận dụng tốt thời gian giãn cách để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Đáng chú ý, công nhân ngành cao-su không thể áp dụng như công nhân các khu công nghiệp. Do đó, công nhân ngành cao-su cần được xét nghiệm Covid-19 để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp phải chi trả chi phí này.

NHÓM PHÓNG VIÊN