Sản xuất, chế biến nông sản không chất thải

Mọi thành phần từ trái ca cao đều được biến thành nguyên liệu chế biến. Ảnh: B.Nguyên

Tại Đồng Nai, nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ sinh học tái chế chất thải thành nguyên liệu đầu vào của quy trình sản xuất khác, hạn chế tối đa lượng chất thải ra môi trường đang dần được nhân rộng.

* Sản xuất xanh

Đi đầu trong phong trào biến các chất thải có hại trong sản xuất nông nghiệp thành nguyên liệu chế biến ra sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao khác là các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn.

Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt chọn đầu tư tại xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc vì đây là địa phương phát triển mạnh về chăn nuôi. Bắt đầu khởi nghiệp, doanh nghiệp chủ yếu sản xuất thiết bị chăn nuôi và thiết kế, thi công hệ thống chuồng trại chăn nuôi. Hệ thống chuồng trại do doanh nghiệp thiết kế hoàn toàn tự động từ hệ thống cho ăn đến thu gom phân gà, hệ thống làm mát... Trong đó, doanh nghiệp rất quan tâm đến khâu xử lý chất thải để có thể kiếm được tiền thay vì phải mất nguồn chi phí rất lớn để xử lý nguồn chất thải này. Ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt chia sẻ: “Doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ đạt công suất 200 tấn/ngày và ký hợp đồng xử lý chất thải cho một số tập đoàn chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài lớn tại Đồng Nai. Trong đó, chất thải chăn nuôi được dùng làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao”.

Sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi của Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt (H.Xuân Lộc)

Câu chuyện sản xuất nông nghiệp bền vững theo chuỗi khép kín tận dụng mọi phế, phụ phẩm nông nghiệp, không tạo ra rác thải ô nhiễm môi trường đang được nhân rộng trong sản xuất của nông dân. Thời gian qua, H.Vĩnh Cửu đang đẩy mạnh chương trình vận động, hỗ trợ nông dân ứng dụng men vi sinh làm thuốc trừ sâu, phân bón hữu cơ từ rác thải sinh hoạt và rác thải trong sản xuất nông nghiệp với mục tiêu giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông sản chủ lực, thế mạnh của địa phương. Ở đây rác thải trong sản xuất nông nghiệp trở thành tài nguyên, là chất hữu cơ tự nhiên có thể giúp cây trồng phát triển.

Bà Bùi Thị Thủy, nông dân tại TT.Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu) cho biết, sau khi tham gia một số lớp tập huấn về làm nông nghiệp hữu cơ do địa phương tổ chức, chị đã ứng dụng công nghệ sinh học tự ủ phân bón hữu cơ và sử dụng men vi sinh để tạo ra những chế phẩm sinh học diệt sâu bọ. Chị đã cải tạo đất sản xuất ngày càng màu mỡ hơn nhờ phương pháp này. “Phương pháp sản xuất thuận theo tự nhiên tôi đang làm tận dụng hết mọi chất thải trong nông nghiệp như phân chuồng, rác hữu cơ làm thành phân bón cho cây trồng nên chi phí rất thấp. Tôi đang nỗ lực hoàn thiện chuỗi trồng trọt và chế biến theo quy trình khép kín, sử dụng cây trái trồng trong vườn nhà thành nguyên liệu làm các sản phẩm handmade vừa độc đáo, vừa thân thiện với môi trường” - bà Thủy nói.

* Chế biến không chất thải

Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) đã hợp tác với nhóm PGS, TS của Trường đại học Quốc tế TP.HCM thực hiện các đề tài nghiên cứu chế biến các loại thực phẩm, nước uống có giá trị kinh tế cao từ các phế phẩm của trái ca cao. Dòng sản phẩm mới đang được đầu tư gồm: sản xuất bánh cookie và mì ăn liền không chiên bổ sung bột vỏ quả ca cao; quy trình sản xuất xúc xích chay và pectin từ bột quả ca cao; quy trình sản xuất nước uống dinh dưỡng từ thịt quả ca cao… Điểm nổi bật của các sản phẩm này là sử dụng các nguyên liệu là chất phế thải từ vỏ trái, thịt trái ca cao để chế biến ra những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao.

Chương trình hợp tác trên nằm trong mục tiêu chung của doanh nghiệp là tập trung đầu tư chế biến sâu, không ngừng đa dạng sản phẩm, thực phẩm chế biến từ trái ca cao, đặc biệt là từ phế phẩm trái ca cao nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm không chỉ ở thị trường nội địa mà còn tham gia xuất khẩu. Ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức chia sẻ, doanh nghiệp rất mong muốn các nhà khoa học cùng đồng hành nghiên cứu ra sản phẩm mới từ trái ca cao. Trong đó, các loại thực phẩm có giá trị cao được chế biến từ những nguyên liệu vốn là phế phẩm trong quá trình sản xuất, góp phần tạo thêm giá trị gia tăng cho cây ca cao. Dòng sản phẩm độc đáo nhất phải kể đến là đặc sản rượu vang ca cao được ủ từ thịt của trái ca cao trước đó vốn bị đổ bỏ trong quá trình sản xuất.

Cùng quan điểm, PGS-TS Phạm Văn Hùng đại diện nhóm các nhà khoa học của Trường đại học Quốc tế TP.HCM cho biết, đa dạng hóa được nhiều sản phẩm từ vỏ và thịt trái ca cao vốn là các phế phẩm trong quá trình sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Đặc biệt, đây là dòng sản phẩm có lợi cho sức khỏe con người vì có những chất kháng oxy hóa cao hơn, đáp ứng nhu cầu về thực phẩm tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng hiện nay. Nghiên cứu về các sản phẩm này hiện gần như đã hoàn thiện, có thể đưa vào sản xuất ngay. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục tính toán lại về quy trình cũng như thiết bị sản xuất. Hy vọng sự hợp tác của các nhà khoa học và doanh nghiệp sẽ gắn kết và đưa thêm được nhiều sản phẩm chế biến ra thị trường.

Bình Nguyên