Sarmat giúp thay đổi luật chơi với Mỹ

Nhận định trên được chuyên gia của thông tấn Nga RIA đưa ra khi nói về thế mạnh những hệ thống vũ khí thế hệ mới của Nga.

Vũ khí đầu tiên được thông tấn Nga nói đến là tên lửa diệt hạm siêu thanh Zircon, hệ thống phòng thủ S-500 Prometheus, hệ thống A-235 Nudol... và đặc biệt là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thế hệ mới Sarmat.

Nga phóng tên lửa Sarmat.

Theo báo Nga, trong khi Mỹ và phương Tây đang dựa vào các tên lửa phóng từ biển (trên dưới 30 tấn), động cơ rắn, thì Nga đang tạo ra các tên lửa hạng nặng Sarmat nặng tới 100 tấn với động cơ nhiên liệu lỏng.

Loại vũ khí này rất hiệu quả để thực hiện một "cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên", và ở phương Tây, tên lửa này thậm chí còn được gọi là Satan.

Để hình dung rõ về sức mạnh của Sarmat, RIA dẫn lời Tiến sĩ Paul Craig Roberts - chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tên lửa tầm xa của Mỹ: "So với siêu tên lửa RS-28 Sarmat thì hai quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Nhật Bản hồi năm 1945 chỉ là đồ chơi".

Chuyên gia Roberts cho rằng thế hệ siêu tên lửa mới này có sức công phá đủ mạnh để xóa sạch 3/4 diện tích bang New York của Mỹ một cách dễ dàng.

Chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov cũng tuyên bố, Moscow đã vượt Mỹ đến 15 năm do loại tên lửa này được trang bị động cơ đẩy nhiên liệu lỏng.

Ông Alexei Leonkov tiết lộ, Nga chính thức trang bị tên lửa RS-28 Sarmat từ năm 2018 và loại vũ khí chiến lược này có thể mang theo từ 10 đến 15 đầu đạn từ thông thường đến hạt nhân có sức công phá lên tới 750 kiloton.

Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov tuyên bố, khi dòng tên lửa này đưa vào trang bị, đây sẽ là sự đáp trả sáng kiến chiến lược "Đòn tấn công nhanh toàn cầu" và sẽ có thể vượt qua hầu như mọi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và phương Tây.

Để làm được điều đó, ICBM Sarmat có kết cấu hai tầng, sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng. Động cơ tên lửa lắp đặt trên tên lửa Sarmat được phát triển trên cơ sở động cơ đang trang bị trên ICBM R-36M2 Voevoda.

"Chúng tôi đang phát triển các thành phần mới dành cho Sarmat. Động cơ sử dụng trên tên lửa là Proton-PM do Perm Motors hoàn thiện và phát triển. Chúng tôi phối hợp với nhau để tạo ra ICBM Sarmat hoàn chỉnh", vị quan chức này cho biết.

Tầm bắn của Sarmat được xác định vào khoảng 16.000km cho phép ICBM này có thể bắn theo phương thức vòng qua hai cực của Trái đất. Tên lửa Sarmat nặng 105 tấn và mang theo phần chiến đấu gồm nhiều đầu đạn hạt nhân để tấn công nhiều mục tiêu khác nhau.

Cùng với tầm bắn xa, Sarmat cũng sử dụng hệ thống dẫn đường kép và thế hệ đầu đạn tự dẫn mới tự cơ động quỹ đạo cho phép tấn công với độ chính xác cao và xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai.

Thùy Dung