Sau đại dịch, tổ chức đời sống xã hội thay đổi ra sao?

Trước bài toán thích ứng với SARS-CoV-2, PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội (Viện Social Life), cho rằng: Phải củng cố khả năng thích nghi của từng cá nhân lẫn tổ chức, Nhà nước trong dài hạn.

Người dân xếp hàng giãn cách tại một siêu thị ở TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Củng cố khả năng thích ứng của xã hội

. Phóng viên: Trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp, các nghiên cứu từ Viện Social Life cho thấy bức tranh đời sống, sinh kế của người dân ra sao, thưa ông?

+ Ông Nguyễn Đức Lộc: Chúng tôi phát hiện người dân gặp cùng lúc nhiều khó khăn. Trước hết là vấn đề tâm lý. Nhóm yếu thế là những người lớn tuổi, người có bệnh nền, người lao động phổ thông... Việc chịu áp lực cơm áo gạo tiền, túng thiếu, hạn chế đi lại và làm việc, lo lắng nhiễm bệnh… đã khiến nhiều người lo âu, không loại trừ có trường hợp bị sang chấn tâm lý. Ngoài ra, khi dịch xảy ra một số người có bệnh, thậm chí bệnh nặng nhưng không dám đến bệnh viện khám trong khi ở nhà cũng không biết nên làm gì.

Một số hạn chế cũng bộc lộ tại các khu dân cư bị phong tỏa. Ví dụ, người dân nhận được một lượng thông tin khổng lồ, chủ yếu qua các nền tảng online. Tuy nhiên, các thông tin quan trọng trong phạm vi nội bộ các khu phố, chung cư, con hẻm… thì vẫn còn chậm, xuất hiện thông tin nhiễu. Có người kể: “Tôi đứng trên nhà nhìn xuống thấy nhiều xe cứu thương nhưng không biết chuyện gì xảy ra, có phong tỏa không, đi lại thế nào… Hỏi ra thì mỗi người một ý”.

Về cung ứng hàng hóa: Một đô thị lớn như TP.HCM nhưng khi có dịch, không ít người dân khó tiếp cận với nguồn thực phẩm, đơn giản như bó rau, cọng hành... Trái lại, có những khu vực thì hàng hóa dư thừa, không kịp phân phối dẫn đến hư hại.

. Sau tất cả vấn đề ông vừa nêu, đâu là vấn đề căng cơ nhất đối với xã hội chúng ta khi đại dịch xuất hiện và xã hội cần phải điều chỉnh gì?

+ Tôi cho rằng đó là vấn đề về khả năng “thích ứng” (resilience), vừa ở cấp độ cá nhân, người dân và vừa ở quy mô tổ chức, Nhà nước. Khả năng thích ứng khi có thảm họa, dịch bệnh là rất cần thiết. Ví dụ, ở Nhật Bản, họ thiết kế hạ tầng, đô thị, y tế và ý thức người dân theo hướng thích ứng với động đất hay sóng thần. Khi có thiên tai, người dân có thể hành xử theo ý thức và vốn kiến thức được trang bị, chính quyền cũng vào cuộc nhịp nhàng. Tôi cho rằng Việt Nam cũng cần xây dựng khả năng thích ứng với COVID-19 trong tương lai.

. Bản chất của thích ứng là gì và làm sao để xây dựng khả năng này?

+ Bản chất của thích ứng chính là năng lực của người dân và chính quyền trong việc hiểu, phản ứng một cách hiệu quả trước những biến động xung quanh. Ví dụ, khi dịch bệnh xảy ra thì người dân, chính quyền có thể lường trước những kịch bản và có kế hoạch ứng phó, từ nhu cầu ăn ở, đi lại, khám chữa bệnh, thậm chí là học tập, kinh doanh…

Tôi muốn lưu ý rằng việc thích ứng bao hàm cả trải nghiệm và rút ra bài học. Không phải người Nhật lúc nào cũng thích ứng được với các trận động đất, sóng thần. Dự báo sai hoặc thực tế xảy ra ngoài dự báo là điều thường xảy ra. Tuy nhiên, phải chủ động nghiên cứu, rút ra bài học, điều chỉnh chiến lược để có thể phát triển ngay cả khi các thảm họa như dịch bệnh rình rập, tấn công.

Người dân, Nhà nước cần thay đổi ra sao?

. Để thích nghi, ở góc độ cá nhân thì người dân Việt Nam cần thay đổi những gì và quá trình đó diễn ra như thế nào?

+ Tôi nghĩ quan trọng nhất chính là thay đổi trong nhận thức, ý thức của người dân. Điều này là không dễ, dù luật pháp Việt Nam cũng đã có những điều khoản để ràng buộc hành vi của người dân. Trải qua bốn lần bùng phát dịch, có thể thấy nhiều ổ dịch xuất phát từ sự chủ quan của một số người dân.

Vậy nên trong tâm thức của người dân, cần phải luôn nhớ rằng virus SARS-CoV-2 không bao giờ biến mất vĩnh viễn và có thể gây bệnh cho bất kỳ ai. Khi đó, họ có những phản xạ phòng vệ như tuân thủ 5K, rèn luyện sức khỏe để tăng đề kháng, biết tự cách ly hoặc theo dõi sức khỏe khi nghi nhiễm…

. Còn với Nhà nước, việc điều hành chính sách cần những thay đổi gì để thích ứng với việc sống chung với virus trong tương lai?

+ Trước hết, phải hiểu đúng và tường tận về COVID-19, đồng thời trau dồi kinh nghiệm. Chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm tác chiến với loại virus phức tạp như SARS-CoV-2 trước đây. Vậy nên dữ liệu và các nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 cần được cập nhật. Nói như Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, các cơ quan chức năng cần lắng nghe các chuyên gia, nhà khoa học. Theo thời gian, chúng ta rút ra các bài học để áp dụng vào chính sách dài hạn. Chính sách chống dịch muốn hiệu quả thì trước hết phải dựa vào các cơ sở khoa học.

Thứ hai, tôi thấy đôi khi chính sách của chúng ta dù rất đúng nhưng lại gặp vấn đề ở khâu thực hiện, kiểu chặt ngoài, lỏng trong. Ví dụ, TP.HCM từng có chủ trương xét nghiệm truy tìm F0 trong cộng đồng, tiêm vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng... Khi thông báo chính sách thì ai cũng hồ hởi nhưng khi thực hiện thì có những nơi khâu tổ chức có vấn đề, tập trung quá đông người dân nên đôi khi lợi bất cập hại. Điều này đã được cơ quan chức năng rút kinh nghiệm và tổ chức dần tốt hơn.

Diện mạo mới: Kết nối hạ tầng lẫn nhận thức

. Hình dung diện mạo mới của một xã hội có thể thích ứng với SARS-CoV-2 sẽ như thế nào?

+ Với xã hội bình thường mới, khi y tế dự phòng tốt, nó sẽ tạo ra một “vùng xanh”. Người dân và chính quyền sẽ có những kịch bản ứng phó tối ưu nhất, hạn chế tối đa “vùng đỏ” (nguy hiểm), số ca nhiễm, F0 trở nặng hay tử vong. Trong khi đó, các bệnh viện cũng sẽ có số giường bệnh, trang thiết bị y tế… đủ sức phục vụ cho các kịch bản khó khăn nhất.

Ngoài ra, các hình thức khám chữa bệnh sẽ bước sang trang mới: Y tế chủ động. Xã hội sẽ luôn có F0, F1 tự cách ly ở nhà hoặc (và) tại bệnh viện. Trong bất kỳ trường hợp nào, họ cũng được tư vấn, chăm sóc y tế hiệu quả. Bản thân họ cũng có kỹ năng tự chăm sóc bản thân trước sự đe dọa của SARS-CoV-2.

Về hạ tầng giao thông, dịch vụ thương mại…, tôi cho rằng cũng cần thay đổi. Ở một số nước, để sống chung với virus SARS-CoV-2, người ta thiết kế lại các quy định về chỗ ngồi trong quán, trên phương tiện công cộng, bệnh viện... Việc thiết kế, xây dựng, tổ chức hoạt động ở nhà riêng hay nơi công cộng (khu dân cư, nhà máy, chợ trời, trung tâm thương mại, trường học…) cũng cần thay đổi theo hướng tăng giãn cách, chống lại virus gây bệnh.

. Liệu rằng khi đó mọi người có quá giữ khoảng cách với nhau không?

+ Không sao cả. Khi virus không xuất hiện đáng kể thì mọi người vẫn gặp nhau thường xuyên. Tuy nhiên, khi có dịch, chúng ta phải thay đổi cách liên lạc, làm việc, sinh hoạt... Công nghệ hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu kết nối xã hội. Người cùng xóm, hẻm, khu chung cư… có thể kết nối với nhau 24/7 bằng công nghệ; chính quyền liên kết với người dân cũng như vậy. Khi có dịch, tự động hệ thống thông tin kích hoạt, kết nối xã hội sẽ không bị đứt gãy.

. Xin cám ơn ông.

ĐỖ THIỆN thực hiện