Sếp khó hiểu khi nhân viên không muốn tới văn phòng

Trong cuộc hội thoại về vấn đề trở lại văn phòng làm việc, quản lý và nhân viên thường có cái nhìn trái ngược nhau, theo New York Times.

Nhiều nhân viên trẻ, ở nấc thang đầu của sự nghiệp, không cảm thấy văn phòng là nơi để học hỏi và hợp tác hiệu quả.

Trong khi đó, nhiều giám đốc điều hành cấp cao cảm thấy khó hiểu trước lời kêu gọi thay đổi hệ thống và văn hóa văn phòng. Từ góc nhìn của họ, mọi thứ trông vẫn ổn.

Thực tế không phải vậy. Đại dịch đã tạo ra giải pháp thay thế cho việc di chuyển đến nơi làm. Giờ đây, khoảng 2/3 số nhân viên làm việc từ xa trong đại dịch không sẵn sàng trở lại văn phòng, theo khảo sát năm 2021 thực hiện bởi nền tảng công việc Flexjobs.

Quản lý và nhân viên thường có quan điểm khác biệt về vấn đề đi làm tại văn phòng. Ảnh: New York Times.

Kỳ vọng trái ngược về văn phòng

Trong khảo sát với người lao động ở 17 quốc gia, thực hiện vào tháng 11/2021, 71% trong độ tuổi 18-24 cho biết họ sẽ cân nhắc tìm việc mới nếu bị bắt trở lại văn phòng toàn thời gian.

Thực tế, điều này hoàn toàn khả thi. Nghiên cứu chỉ ra sinh viên mới tốt nghiệp thường có kỳ vọng cao về công việc đầu tiên, bao gồm tính linh hoạt cũng như sự phù hợp với sứ mệnh và giá trị của công ty.

Theo nghiên cứu của Gallup, hiện có khoảng 125 triệu công việc toàn thời gian ở Mỹ, trong đó một nửa có thể được thực hiện từ xa. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo vẫn coi trọng việc có mặt tại văn phòng. Tỷ phú Elon Musk gần đây phát biểu rằng ông kỳ vọng nhân viên làm tại văn phòng ít nhất 40h/tuần.

Kể cả khi không bắt buộc, các công ty cung cấp những ưu đãi và đặc quyền cho người đến văn phòng, tạo ấn tượng rằng làm việc tại nhà là đáng khiển trách.

Các lãnh đạo công ty thường lý tưởng hóa văn phòng là nơi thể hiện tinh thần tập thể và truyền cảm hứng. Điều này khá khó hiểu với nhân viên, bởi từ trước đại dịch, hầu hết nơi làm việc đều không mang lại sự chỉ dẫn, hợp tác và kết nối mà họ mong đợi.

Văn hóa công sở quan trọng gấp 10 lần so với lương thưởng trong việc quyết định nhân viên có ở lại với công ty hay không, theo nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Theo khảo sát, những người thuộc nhóm yếu thế như phụ nữ da màu thường ít hào hứng tới văn phòng hơn.

Nhiều nhân viên ngần ngại trở lại văn phòng vì không thấy giá trị của việc đi làm trực tiếp. Ảnh: Gallup.

Chủ động cải thiện

Làm việc tại văn phòng cũng đem lại nhiều lợi ích, như được chia sẻ trải nghiệm cùng đồng nghiệp, hoặc tiếp xúc với đa dạng ý tưởng, góc nhìn. Điều quan trọng là nỗ lực để tạo ra môi trường làm việc tốt hơn.

Mỗi người trưởng thành trung bình dành 1/3 tới một nửa thời gian thức giấc để làm việc. Vì vậy, chốn công sở là nơi hình thành nhiều mối quan hệ.

Có nhiều vấn đề với phương pháp truyền thống để tạo niềm vui trong công việc: những hoạt động giải trí tập thể bắt buộc không dành cho tất cả, nhất là người đã có con hoặc kiêng rượu bia. Nhưng giờ đây, ta có thể làm thân với đồng nghiệp qua nhiều cách tiến bộ hơn, như là đi ăn chung, tham gia câu lạc bộ đọc sách, hay cùng dạo mua cà phê.

Nếu chỉ ở nhà trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, bạn có thể bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ bạn bè hoặc người chỉ dẫn - những mối quan hệ quan trọng cho tương lai. Văn phòng là nơi để tìm hiểu về ngành nghề, cấp bậc quyền lực trong hệ thống, cũng như cách để hòa thuận với những kiểu người khác nhau.

Làm việc tại nhà có thể thoải mái hơn với các nhóm yếu thế, bởi họ dễ gặp tình trạng phân biệt đối xử. Tuy nhiên, nó cũng sẽ tạo điều kiện cho người quản lý thoái thác trách nhiệm giúp văn phòng đa dạng, cởi mở hơn. Sự thay đổi chỉ có thể xảy ra khi người lao động lên tiếng về những điều chưa ổn.

Nhân viên có thể chủ động tạo ra thay đổi tại môi trường làm việc. Ảnh: Forbes.

Lãnh đạo các công ty cũng cần học hỏi nhiều điều. Họ nên lắng nghe góp ý từ nhân viên, bất kể cấp bậc, đồng thời tin tưởng và tạo sự tự chủ cho cấp dưới. Bằng chứng là khi đại dịch diễn ra, phần lớn nhân viên vẫn chăm chỉ và năng suất dù làm việc tại nhà.

Mô hình làm việc linh hoạt (hybrid) cũng không nên thiên vị người tới văn phòng. Điều quan trọng là tạo ra môi trường khiến người lao động thật sự cảm thấy có động lực di chuyển tới nơi làm.

Nhiều công ty đang định hình lại môi trường công sở cho thời đại hậu Covid-19 bằng cách thiết kế hệ thống họp mặt cho cả nhân viên làm việc trực tiếp và từ xa. Một số cân nhắc lắp đặt màn hình ở nhà bếp của văn phòng nhằm giúp người làm việc tại nhà trò chuyện với đồng nghiệp.

Đối với những nhân viên trẻ, lời khuyên là: đừng làm ở văn phòng chỉ vì bị bắt, mà hãy trở lại vì chính mình. Trân trọng những gì hiệu quả, nỗ lực thay đổi điều chưa ưng ý để cùng tạo nên môi trường bổ ích, mang tính tương trợ.

Mai Hoàng