Sự trung thực không cần giám sát

Trung tuần tháng 5, người dân Hà Nội và cả nước bức xúc trước thông tin hai vợ chồng ông N.V.T có lịch sử đi đến Đà Nẵng từ ngày 30/4/2021 đến ngày 2/5/2021, nhưng đã không thực hiện các biện pháp tự cách ly theo dõi khi có lịch trình đến vùng dịch có nguy cơ lây nhiễm cao, không khai báo y tế khi đi khám bệnh, đồng thời có lịch làm việc nhiều nơi và di chuyển dày đặc từ khi trở về từ Đà Nẵng đến ngày 12/5/2021. Các bệnh viện, phòng khám, tòa nhà, nơi làm việc… liên quan tới hai ca bệnh này đã phải dừng hoạt động, tẩy trùng; cơ quan y tế khẩn cấp lấy mẫu xét nghiệm cho hàng nghìn người. Lần lượt các ca F1, F2 của hai bệnh nhân này được phát hiện.

Tờ khai y tế của 2 vợ chồng ông N.V.T khi đến khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) ngày 12.5. Ảnh: BVCC

Trước khi xảy ra trường hợp này, dư luận từng hết sức bất bình với “bệnh nhân 17”, một cô gái 26 tuổi trú tại phố Trúc Bạch (Hà Nội), đi từ vùng có dịch ở nước ngoài về nhưng không tự giác khai báo để cách ly y tế. Hành vi vô ý thức này bị cộng đồng lên án, bởi những thiệt hại về kinh tế và công sức của hàng vạn người do trường hợp này gây ra là không thể thống kê hết.

Sau trường hợp “bệnh nhân 17”, trong các đợt cao điểm dịch COVID-19 tiếp theo, cũng có một số bệnh nhân cố tình không khai báo y tế sau khi đi về từ vùng dịch. Tới đợt dịch lần thứ 4 này, số trường hợp cố tình không khai báo y tế có dấu hiệu tăng lên. Đơn cử, trong ngày 13/5, Thừa Thiên – Huế đã công bố ca nhiễm COVID-19 thứ 5 trong cộng đồng tại địa bàn tỉnh. Theo truy vết, ca bệnh này đi về từ Đà Nẵng nhưng không khai báo y tế. Trước đó tại huyện Thường Tín (Hà Nội), một chùm ca bệnh đã được xác định, khi ông L.V.C. có tiền sử đi du lịch tại Đà Nẵng từ ngày 27/4 – 29/4, ở cùng khách sạn với 2 trường hợp dương tính là chuyên gia của Trung Quốc liên quan đến tỉnh Yên Bái và Vĩnh Phúc (khách sạn Mường Thanh, đường Võ Nguyên Giáp) nhưng khi quay trở lại địa phương đã không khai báo y tế theo yêu cầu. Khi có các triệu chứng bệnh, BN L.V.C cũng đã không liên hệ với trạm y tế xã mà tự đi xét nghiệm ở bệnh viện tư nhân. Cá biệt, có một bệnh nhân từ Bệnh viện K (TP.Hà Nội) vào Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) sau khi bệnh viện K bị cách ly y tế vì có nhiều ca bệnh; bệnh nhân khai báo gian dối là ở Bình Dương để được khám, chữa bệnh…

Hậu quả của những trường hợp cố tình không khai báo y tế sau khi đi về từ vùng dịch, là người thân của các bệnh nhân bị lây nhiễm, sau đó là hàng loạt các ca bệnh từ cộng đồng, cũng như nhiều cơ quan, đơn vị liên quan bị đình trệ công tác sản xuất, kinh doanh. Cộng với những chi phí xét nghiệm, điều trị, cách ly…, thiệt hại về kinh tế - xã hội mà các trường hợp cố tình trốn tránh khai báo này gây ra là rất lớn. Điều đáng nói, ngày càng xuất hiện nhiều trường hợp chủ quan, xem nhẹ những khuyến cáo của các cơ quan chức năng, bỏ qua các thủ tục khai báo hoặc cố tình trốn tránh. Có ca bệnh là người có trình độ, nắm giữ những vị trí quan trọng trong các tổ chức, cá nhân, với các mối quan hệ xã hội rộng, giao tiếp nhiều…, nên hậu quả gây ra càng nghiêm trọng cho cộng đồng.

Trở lại trường hợp vi phạm mới nhất của ông N.V.T, tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19 Hà Nội chiều 13/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã yêu cầu Công an TP Hà Nội vào cuộc điều tra. Ngày 14/5, Thành ủy Hà Nội có quyết định đình chỉ sinh hoạt cấp ủy đối với vị Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội này. Cùng ngày, UBND Hà Nội có công văn yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà ở Hà Nội có hình thức kỷ luật nghiêm khắc với nhân vật này, do vi phạm kỷ luật lao động và phòng chống dịch COVID-19.

Phản ứng quyết liệt được dư luận đồng tình này của TP Hà Nội là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ đối với các cá nhân có suy nghĩ và hành vi thiếu trách nhiệm với cộng đồng, khiến dịch bệnh lây lan. Đặc biệt, ông N.V.T còn là người đứng đầu của một đơn vị, việc không gương mẫu chấp hành các quy định phòng dịch không chỉ làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm ra cộng đồng, mà còn gây nên ảnh hưởng xấu trong xã hội.

Bên cạnh những biện pháp hành chính mà cơ quan chức năng áp dụng, các cá nhân vi phạm còn chịu sự phán xét của cộng đồng, bởi khi cố tình không tuân thủ quy định phòng dịch, họ đã thể hiện sự thiếu trách nhiệm với xã hội và sự không trung thực của bản thân. Trong khi cả đất nước đang căng mình chống chọi đợt dịch COVID-19 đầy nguy hiểm với những diễn biến phức tạp; trong khi các cán bộ ngành y tế, quân đội, an ninh… trên tác tuyến đang đổ mồ hôi, công sức, không quản ngày đêm vì sự bình yên của cộng đồng; trong khi mỗi một điểm bị cách ly, phong tỏa là hàng trăm, hàng nghìn cá nhân, gia đình chịu thiệt hại về kinh tế - xã hội…; thì trách nhiệm của mỗi công dân là chấp hành tuyệt đối các quy định về phòng, chống dịch, chủ động trong khai báo y tế, thực hành 5K, bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng, chứ không phải là trốn tránh, gian dối trong khai báo, bất tuân thủ các quy định pháp luật, gây nên những hậu quả khôn lường.

Thêm vào đó, mỗi cá nhân cũng cần phải tuân thủ một nguyên tắc là kể cả khi không bị giám sát, nhắc nhở thì vẫn phải tuyệt đối trung thực. Đây là “bí quyết” giản dị mà hiệu quả không chỉ cho mùa dịch, mà cho cả công việc và cuộc sống lâu dài, để không vì một “cái sảy” thiếu trung thực mà phải đánh đổi cả sức khỏe, sự nghiệp và uy tín cá nhân.

Thùy Hương