Tài khoản chứng khoán mở mới giảm kỷ lục, nhiều cổ phiếu chìm trong sắc đỏ

Tiếp đà tăng của phiên hôm trước, thị trường mở cửa hưng phấn với thanh khoản tăng nhanh trong phiên sáng. Tuy nhiên, chỉ số vấp phải nhiều lực cản từ nhóm vốn hóa lớn, liên tục giằng co. VN-Index dao động trong biên độ hẹp, có lúc về dưới tham chiếu, kết phiên chỉ tăng hơn 2 điểm.

MSN, VIC, BID, VCB, VHM, VRE, VPB là những mã vốn hóa lớn ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số. "Họ" Vingroup đồng loạt giảm, MSN cũng ngược dòng sau chuỗi phiên tăng liên tiếp, bất ngờ giảm 1,3%. Cổ phiếu tân binh VN30 như GVR, ACB lọt nhóm 10 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất. HVN cũng rơi nhóm “tử thần”, có phiên thứ 2 giảm liên tiếp, mất 2% xuống 21.800 đồng/ cổ phiếu.

Sắc xanh chiếm ưu thế với 213 mã tăng giá, nhưng VN-Index chỉ tăng nhẹ 2 điểm, khi nhóm vốn hóa lớn liên tục gây áp lực lên chỉ số (Thống kê: FireAnt)

Ở chiều ngược lại, NVL, GAS, SAB, PLX, STB, MBB, TCB, HPG, BVH, VCI là những mã giao dịch tích cực nhất, riêng NVL đóng góp hơn điểm cho chỉ số. Cổ phiếu xăng dầu tiếp tục bứt phá, nhờ tín hiệu tích cực từ giá dầu thể giới. Theo đó, GAS, PLX tiếp tục góp tên trong nhóm cổ phiếu dẫn đắt thị trường. Trong khi nhóm ngân hàng phân hóa, thì chứng khoán, thép ngập trong sắc xanh.

Nhóm chứng khoán có VCI, AGR, FTS HCM, SSI đồng loạt tăng, biên độ chủ yếu 1-2%, cá biệt có VCI tăng 3,7%, dẫn đầu nhóm chứng khoán trên HoSE. Cổ phiếu niêm yết HNX có TVB, WSS tăng trần 9,5%. Nhóm thép ghi nhận toàn bộ cổ phiếu tăng giá, trừ KKC. Trong đó, HPG tăng “khiêm tốn” 0,5% nhưng thanh khoản cao thứ 2 HoSE, chỉ sếp sau STB.

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ, vừa giao dịch sôi động trong phiên hôm nay. DAH, FIT, VOS, PTL, BKG, STG, TSC AMD, HAI đồng loạt tăng trần. Thanh khoản giữ ở mức khá, đạt 21.284 tỷ đồng.

Nhìn lại diễn biến thanh khoản thời gian qua, chuyên gia của CTCK Ngân hàng BIDV (BSC) cho rằng, thanh khoản những đợt COVID-19 về sau thường có trạng thái giảm dần, cho thấy các nhà giao dịch không còn trạng thái hoảng loạn như đợt COVID-19 đầu tiên và luôn chờ đợi cơ hội bắt đáy. Ở đợt dịch lần 3 bùng phát, VN-Index giảm 16%, thị trường dần hồi phục khi số ca mắc mới bắt đầu giảm.

Những nhà đầu tư “bắt đáy” cuối tháng 7, sau 8 phiên VN-Index tăng liên tiếp, nếu kiên trì nắm giữ, có lợi nhuận đáng kể. Tuy nhiên, tháng 7 vừa qua là tháng có số lượng tài khoản mở mới giảm kỷ lục (-28%) kể từ đầu năm

Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết trong tháng 7, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới 101.078 tài khoản chứng khoán, giảm gần 39.000 tài khoản (-28%) so với số tài khoản mở mới trong tháng trước đó. Dù vậy, đây vẫn là số tài khoản mở mới rất lớn so với năm 2020 cũng như giai đoạn đầu năm 2021.

Nguyên nhân số tài khoản mở mới giảm mạnh, F0 “hững hờ” với chứng khoán, có thể đến từ nguyên nhân COVID-19 bùng phát mạnh, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, qua đó ảnh hưởng tới quá trình mở tài khoản chứng khoán. Tuy nhiên, lũy kế 7 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới gần 722 nghìn tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 và 2019 cộng lại.

Kết phiên 4/8, VN-Index tăng nhẹ lên sát 1.335 điểm. HNX-Index vượt 320 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index giảm nhẹ xuống 87,52 điểm. Khối ngoại tích cực mua vào, mua ròng hơn 842 tỷ đồng, tập trung vào VHM, STB, SSI, MBB, MSN…

Việt Linh