Tại sao Mỹ không kích Iraq, Syria?

Căn cứ không quân Ayn al-Asad của Mỹ ở phía Tây sa mạc Anbar, Iraq. Ảnh: AP

Tổng thư ký LHQ hối thúc Mỹ dỡ bỏ trừng phạt Iran

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran như đã nhất trí trong thỏa thuận đạt được năm 2015 giữa quốc gia Hồi giáo và Nhóm P5+1 để ngăn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.

Trong báo cáo gửi tới Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, ông Guterres cũng hối thúc Mỹ “gia hạn các quy chế miễn trừ trong thương mại dầu mỏ với Iran và khôi phục hoàn toàn quy chế miễn trừ đối với các dự án không phổ biến vũ khí hạt nhân”.

Hành động theo lệnh của Tổng thống

Hôm 28-6, Bộ Quốc phòng Mỹ ra thông báo khẳng định các vụ không kích nhằm vào khu vực biên giới Iraq - Syria, nơi tập trung một số cơ sở mà các nhóm vũ trang được cho do Iran hậu thuẫn. Theo thông báo, cuộc không kích mới nhất của Mỹ để đáp trả các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của lực lượng này nhằm vào nhân viên và cơ sở của Mỹ ở Iraq. Vụ không kích được thực hiện theo lệnh của Tổng thống Mỹ Joe Biden sau các vụ tấn công nhằm vào các lợi ích của Mỹ tại Iraq.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết các vụ không kích nhằm vào hai mục tiêu trên lãnh thổ Syria và một mục tiêu trên lãnh thổ Iraq, nằm dọc trên tuyến biên giới chung giữa hai nước này. Theo ông Kirby, các mục tiêu này chính là những cơ sở mà phiến quân sử dụng làm “bàn đạp” để thực hiện các vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái nhằm vào binh sĩ và các cơ sở của Mỹ tại Iraq.

Theo Lầu Năm Góc, các cơ sở bị tấn công ở Syria và Iraq được các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn sử dụng, bao gồm Kataib Hezbollah và Kataib Sayyid al-Shuhada. Thông báo khẳng định, hành động trên cho thấy cam kết “bảo vệ các quân nhân Mỹ” của Tổng thống Biden. Quan chức Lầu Năm Góc cho biết thêm, ông Biden đã chỉ đạo sẽ có thêm hành động quân sự nhằm ngặn chặn các vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu của Mỹ tại Iraq.

Các vụ không kích của Mỹ được thực hiện một ngày sau khi giới chức người Kurd ở Iraq thông báo xảy ra 3 vụ tấn công bằng máy bay không người lái gần thành phố Arbril - nơi đặt tòa lãnh sự Mỹ. Trong nhiều tháng qua, các lợi ích của Mỹ và binh sĩ Mỹ tại Iraq thường xuyên bị tấn công, chủ yếu là bằng rocket, mà phía Washington luôn cáo buộc các nhánh vũ trang được Iran hậu thuẫn thực hiện. Kể từ đầu năm 2021 đến nay, xảy ra hơn 40 vụ tấn công nhằm vào các lợi ích của Mỹ tại Iraq.

Mỹ sẵn sàng thực hiện các hành động tiếp theo

Ngày 29-6, Mỹ đã giải thích tại HĐBA LHQ lý do nước này tiến hành không kích vào các mục tiêu là lực lượng phiến quân do Iran hậu thuẫn ở Iraq và Syria hôm 27-6.

Trong một bức thư của Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield mà Reuters có được, bà cho biết, lý do có các cuộc không kích vừa qua là vì lực lượng phiến quân đã tiến hành một loạt cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào nhân viên và cơ sở của Mỹ ở Iraq. Theo bà Greenfield, biện pháp quân sự đã được thực hiện sau khi các giải pháp phi quân sự không thể ứng phó được với các mối đe dọa và các cuộc không kích này nhằm giảm leo thang tình hình và ngăn ngừa các cuộc tấn công từ các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn.

Mỹ tuyên bố với LHQ rằng, các động thái này xuất phát từ việc chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad không thể “quét sạch” các nơi trú ẩn mà lực lượng phiến quân sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công ở Iraq. Trước đó, Tổng thống Joe Biden đã gửi một văn bản cho Quốc hội Mỹ, trong đó khẳng định sẵn sàng thực hiện các hành động tiếp theo, khi cần thiết và thích hợp, để giải quyết các mối đe dọa.

Chuẩn bị cho “kịch bản xấu” với Iran?

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Iran đang chuyển biến phức tạp sau khi ông Ebrahim Raisi trở thành Tổng thống đắc cử Iran, việc tiến hành các vụ không kích trên của Washington có lẽ không đơn thuần là một hành động đáp trả.

Washington đã chỉ trích bầu cử Tổng thống Iran là “không tự do và công bằng”. Đặc biệt, chính quyền Tổng thống Joe Biden dường như nỗ lực hạ thấp vai trò của ông Raisi trong đàm phán Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Tiếp theo đó, ngày 22-6, Bộ Tư pháp Mỹ đã thu hồi tên miền nhiều trang truyền thông lớn của Iran, trong đó có Press TV, Al-Alam hay kênh truyền hình Al-Mashirah của lực lượng vũ trang Yemen. Hành động này diễn ra ngay sau khi ông Raisi đắc cử Tổng thống Iran, đây có thể coi là một hành động khác hạn chế tầm ảnh hưởng của nhân vật có quan điểm cứng rắn này.

Ngoài ra, cả Mỹ và Iran đang chạy đua với thời gian để nối lại JCPOA, trước khi ông Raisi chính thức trở thành Tổng thống tháng 8 tới. Những động thái trên cho thấy nỗ lực của Mỹ nhằm hạ thấp vai trò, hạn chế ảnh hưởng của ông Raisi. Cuộc không kích ngày 28-6 nhắm vào cơ sở các lực lượng dân quân thân Iran tại Iraq và Syria không nằm ngoài chính sách này. Từ đó, Washington mong muốn chiếm thế chủ động trong quan hệ với Tehran dưới thời ông Raisi.

AN BÌNH