Tân thủ tướng Anh và quan điểm với Trung Quốc

Trong chiến dịch tranh cử của mình, tân Thủ tướng Liz Truss đã đưa ra tuyên bố tại quốc hội rằng sẽ công khai công nhận vấn đề diệt chủng người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Điều này sẽ đồng quan điểm với Mỹ nhưng đi xa hơn so với báo cáo của Liên Hợp Quốc được công bố gần đây về vi phạm nhân quyền.

Theo các báo cáo, bà cũng tuyên bố Trung Quốc là một "mối đe dọa", đặt Bắc Kinh lên ngang hàng với Nga, cùng dùng một ngôn ngữ để mô tả Nga. Hiện tại, Trung Quốc được coi là "đối thủ cạnh tranh có hệ thống" với Anh, theo đánh giá tổng hợp về chính sách đối ngoại và quốc phòng của nước này.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây vẫn sẽ là lời tuyên bố.

Tân Thủ tướng Anh Liz Truss có quan điểm rất cứng rắn với Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Frances Burwell, thành viên của tổ chức nghiên cứu Atlantic có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết: “Việc nâng lên thành mối đe dọa không đòi hỏi phải thay đổi những gì bạn có thể xuất khẩu sang quốc gia đó hoặc vai trò của quốc gia đó trong nền kinh tế của bạn”.

“Mặc dù nó có thể dẫn tới những xem xét chặt chẽ hơn đối với đầu tư liên quan tới doanh nghiệp Trung Quốc nhưng dù sao đó vẫn là hướng đang đi”. – ông Burwell nói.

Niềm tin của Anh vào Bắc Kinh đã giảm sút kể từ khi xảy ra biểu tình Hong Kong, đại dịch Covid-19 và việc Nga đưa quân tới Ukraine.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc được công chúng Anh coi là mối đe dọa an ninh lớn thứ ba, sau biến đổi khí hậu và chủ nghĩa khủng bố, theo một cuộc khảo sát hàng năm của nhóm chính sách đối ngoại nước này thực hiện trước chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Vào thời điểm đó, gần một nửa số người được hỏi coi Nga và Trung Quốc là những đối thủ nguy hiểm đối với Vương quốc Anh.

Tân Thủ tướng Anh cho biết, bà sẽ cập nhật lại các chính sách quốc phòng, an ninh, thương mại và đối ngoại của nước này.

Điều này được cho là sẽ giúp Anh tăng cường tham gia và hợp tác với các đồng minh ở châu Á, đồng thời có lập trường mạnh mẽ hơn chống lại cả Nga và Trung Quốc. Bà đã kêu gọi một "mạng lưới tự do" để tăng cường hợp tác với "các quốc gia cùng chí hướng" chống lại các quốc gia thù địch, và muốn phát triển các mối quan hệ kinh tế trên khắp Khối thịnh vượng chung.

Tuy nhiên, với giao tranh ở Ukraine khiến "hoàn toàn có thể xảy ra" việc Trung Quốc và các vấn đề châu Á rơi vào danh sách ưu tiên của chính sách đối ngoại. Ông Burwell cho rằng, Ukraine sẽ là ưu tiên chính sách đối ngoại mang tính cấp bách và bao trùm hơn.

Ông Burwell cũng chỉ ra rằng nếu không có một nền kinh tế mạnh, việc các quốc gia khác mong muốn trở thành đối tác của Anh sẽ bị suy yếu. Đồng thời điều này cũng sẽ hạn chế khả năng cam kết của Anh trong nhiều vấn đề chính sách đối ngoại và quốc phòng.

Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc, một nhóm các nhà lập pháp Anh thúc đẩy lập trường phản đối mạnh mẽ hơn về công nghệ Trung Quốc cũng như vi phạm ở Tân Cương. Họ đã vận động thành công để loại Huawei khỏi các hệ thống viễn thông của Anh, đồng thời hy vọng sẽ cấm các công nghệ giám sát như Hikvision và Dahua./.

Quang Trung/VOV.VN Theo Nikkei