Tăng cường giáo dục nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh

Phòng Tư vấn tâm lý ở Hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy). Ảnh: TL

Khoảng trống lớn trong các nhà trường

Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Kim Quý (Văn phòng Tham vấn và Trị liệu tâm lý trẻ em) nhận định: Trong mỗi giai đoạn phát triển, trẻ em, học sinh trải qua những xung đột tâm lý nhiều khi gây ra sự mất cân bằng trong tư tưởng, ảnh hưởng đến hiệu quả học tập, tu dưỡng và phát triển tâm, sinh lý. Những biểu hiện cụ thể rất đa dạng như: Lo lắng trước một kỳ thi; buồn bã khi bị bạn bè xa lánh, cô lập; sợ hãi khi bị người xấu đe dọa, hành hung... Nếu không được người lớn phát hiện, giúp đỡ kịp thời thì có thể xảy ra những hậu quả xấu, thậm chí rất xấu. Trong thời gian qua, những vụ việc đau lòng như bạo lực học đường; tự tử vì thành tích học tập kém, vì bị chê bai, chửi mắng; sang chấn tâm lý trầm trọng vì gặp sự cố bất thường... đều có nguyên nhân từ tâm lý tuổi trẻ chưa phát triển đầy đủ hoặc trẻ chưa được quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ, giáo dục thường xuyên, toàn diện.

Những năm từ 2005 đến 2010 xuất hiện “phong trào” thành lập phòng Tư vấn tâm lý học đường trong các nhà trường, nhưng sau đó đã lắng xuống. Ở Hà Nội, số trường làm khá tốt công tác này cũng chỉ đếm “chưa hết đầu ngón tay” như: Hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy), Trường (liên cấp) Đoàn Thị Điểm (quận Bắc Từ Liêm và quận Nam Từ Liêm), Trường THPT Lương Thế Vinh (quận Cầu Giấy), Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình), Trường (liên cấp) Olympia (quận Nam Từ Liêm), Trường (liên cấp) Vinschool. Tất cả đều là các trường ngoài công lập.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục học (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), thực trạng công tác tư vấn tâm lý học đường ở các nhà trường còn nhiều bất cập. Cho đến nay chưa có thống kê đầy đủ về thực trạng này, vì thế, chưa thể có cái nhìn toàn cảnh về công tác này. Tuy nhiên, có thể nhận định rằng, công tác tư vấn học đường chưa thực sự được quan tâm, chưa được thực hiện một cách bài bản và chuyên nghiệp, vì thế, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường.

Có 3 hạn chế chủ yếu, thứ nhất là hầu hết các trường còn thiếu (và yếu) cán bộ, giáo viên phục vụ cho công tác tư vấn tâm lý học đường; các thầy cô giáo được đào tạo để giảng dạy các bộ môn văn hóa, không chuyên sâu về tâm lý học... Thứ hai: Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tư vấn tâm lý học đường còn rất thiếu, thậm chí ở tình trạng “2 không” (không có phòng riêng để đảm bảo quyền riêng tư của các em khi cần được tư vấn, không có tài liệu cần cho công tác này). Thứ ba: Ở nhiều trường, sự gắn kết, phối hợp giữa phụ huynh với nhà trường và với xã hội chưa thật chặt chẽ, chưa thường xuyên, nên chưa kịp thời phát hiện các “ca” cần tư vấn tâm lý, chưa tạo được niềm tin để các em giãi bày tâm tư...

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Quý cho biết thêm rằng, có rất ít cuộc tư vấn được thực hiện bởi các chuyên gia hoặc các nhà giáo có chứng chỉ hành nghề tư vấn chuyên nghiệp. Còn các cuộc tư vấn do giáo viên thực hiện lại ở ngoài giờ lên lớp, khi đã xảy ra một vụ việc nào đó. Điều ấy có nghĩa là giáo viên đóng vai trò tư vấn phải “gỡ rối”, rất khó khăn.

Cần đầu tư theo hướng chuyên nghiệp hóa

Ở các nước phát triển, hoạt động tư vấn tâm lý trường học được quan tâm đầu tư các điều kiện thiết yếu để trở thành hoạt động mang tính chất chuyên nghiệp, hướng vào mục đích hỗ trợ các nhà giáo dục trong việc bổ sung, hoàn thiện các phương pháp hình thành và phát triển nhân cách học sinh một cách đúng đắn.

Thực tế xã hội và giáo dục ở nước ta hiện nay cho thấy, tư vấn tâm lý học đường đã trở thành vấn đề cấp bách, cần được chuyên nghiệp hóa. Cụ thể, cần có định chế “cứng”, tổ chức bài bản để chuyên nghiệp hóa; những người thực hiện phải có kỹ năng “mềm” để xử lý linh hoạt, hiệu quả. PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, khi có điều kiện, có thể sàng lọc học sinh khi mới vào trường. Với khoảng 80% học sinh chưa mắc các vấn đề về tâm lý, nhà tư vấn có thể hỗ trợ ban đầu để thực hiện công tác phòng ngừa. Với khoảng 15% học sinh có vấn đề tâm lý nặng hơn thì cần phải có sự can thiệp, hỗ trợ chuyên sâu. Với khoảng 5% học sinh đã mắc bệnh, luôn lo âu, trầm cảm thì phải được hỗ trợ bởi bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý lâm sàng.

GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, phải nắm rõ thực trạng và nguyên nhân để có giải pháp xử lý phù hợp. Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, có 2 vấn đề nổi lên là tình trạng học sinh mắc rối loạn tâm thần có biểu hiện gia tăng, trong khi cách giải quyết của các em lại bồng bột, manh động, để lại hậu quả nặng nề; nhiều học sinh, sinh viên sa sút về lối sống, về đạo đức, nhân cách, từ đó lười học, lười suy nghĩ, lười lao động... Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, có 3 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên: Các em còn hạn chế về ý thức tu dưỡng, trong khi công tác giáo dục đạo đức chưa được thực hiện thật tốt; nhiều gia đình chưa quan tâm đầy đủ đến con cái, phó mặc nhà trường; tác động tiêu cực từ tranh, ảnh, trò chơi game thiếu lành mạnh... làm cho các em có những hành vi thiếu chuẩn mực.

Để khắc phục tình trạng trên, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú cho rằng cần thực hiện 3 nhóm giải pháp chính. Thứ nhất, các gia đình phải nâng cao trách nhiệm, thực sự là “tổ ấm” đầu đời và suốt đời, nuôi dưỡng mầm thiện nhân cách và định hướng phát triển cho các em. Thứ hai, các nhà trường phải tăng cường hiệu quả giáo dục đạo đức cho các em trong cả học tập và sinh hoạt; làm tốt vai trò hạt nhân trong mối quan hệ phối hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Thứ ba, các cấp, ngành và toàn xã hội tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng xã hội có kỷ cương, luật pháp được thực thi nghiêm minh. Kết hợp hài hòa giữa “xây” (tuyên dương, bảo vệ người tốt, việc tốt) và “chống” (lên án, ngăn chặn, xử lý nghiêm khắc hành vi xấu, sai trái) để tác động tích cực đến công tác giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh.

Để nâng cao hiệu quả tư vấn tâm lý học đường, góp phần giải quyết những vấn đề phức tạp, tế nhị trong tâm lý thế hệ trẻ thì cần có sự đồng lòng, chung sức của toàn xã hội. NGƯT.TS Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, cần tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh để phát hiện sớm những vấn đề tâm lý nảy sinh trong các em, tránh tình trạng chồng chéo hoặc bỏ sót. Khi giải quyết vấn đề thì phải nhẹ nhàng, kín đáo, tôn trọng học sinh vì các em rất dễ tự ái, dễ tổn thương. Riêng với các nhà trường, với vai trò là trung tâm giáo dục, cần có danh mục cụ thể cho công tác này, không chờ đến khi có đủ điều kiện mới làm. Mỗi trường cần thành lập Phòng Tư vấn tâm lý học đường (riêng hoặc kết hợp), động viên các nhà giáo có năng lực, có ảnh hưởng lớn với học sinh tham gia thực hiện với phương châm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về sự cần thiết của công tác tư vấn tâm lý học đường để phụ huynh và xã hội quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ thực hiện đạt hiệu quả cao.

Còn theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, Giảng viên cao cấp của Học viện Quản lý Giáo dục, để tư vấn tâm lý học đường có hiệu quả thì cần bám sát mục tiêu, yêu cầu tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Nhà trường phải cụ thể hóa các điều kiện cho công tác này, bao gồm: Tạo điều kiện về cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng và chế độ đãi ngộ cho những người làm công tác tư vấn tâm lý học đường; phối hợp với gia đình và xã hội xây dựng mạng lưới nhanh, nhạy để nhận biết, phòng ngừa và giải quyết các vụ bạo lực trong và ngoài trường học.

Thùy Liên