Tạo thêm giá trị gia tăng cho OCOP

Ảnh: minh họa

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Chương trình OCOP được các địa phương triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Nhiều địa phương chủ động ban hành chính sách riêng về hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là về phát triển vùng nguyên liệu, khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, các giá trị văn hóa vùng, miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.

Các chủ thể OCOP đã chú trọng hoàn thiện qui trình sản xuất, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm OCOP, từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng tín nhiệm. Thay vì sản xuất những sản phẩm thô, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã chuyển sang hướng sản phẩm xanh, sạch, thậm chí tinh chế bắt nhịp xu hướng tiêu dùng, qua đó tạo sức bật xuất khẩu cho thương hiệu.

Các tổ chức quốc tế cũng chung nhận định, thành công quan trọng của Chương trình OCOP là đã tạo được sinh kế cho người dân ở nhiều vùng, miền, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn và các nhóm yếu thế như: đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, nhưng vẫn bảo tồn, phát huy được văn hóa bản địa. Thông qua chương trình, nhiều làng nghề truyền thống được bảo tồn và phát triển mạnh mẽ; hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền...

Có thể khẳng định, Chương trình OCOP đã giúp các địa phương khó khăn về phát triển sản xuất hàng hóa, vùng sản xuất tập trung phát huy được thế mạnh, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu và văn hóa đặc trưng.

Tuy nhiên, sau hơn 5 năm triển khai, Chương trình OCOP bộc lộ những tồn tại, bất cập cần tập trung tháo gỡ. Số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng chưa thực sự bền vững khi một số địa phương còn chạy theo thành tích, tập trung vào những sản phẩm đã được hình thành, không phải là các sản phẩm có lợi thế. Trong số 9.852 sản phẩm OCOP hiện nay chỉ có khoảng 10% sản phẩm mới; nhiều sản phẩm vẫn chưa thể hiện được rõ nét đặc sắc gắn liền với đặc trưng của địa phương.

Hoạt động xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu về sản phẩm OCOP. Đặc biệt, công tác quản lý, giám sát tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn sản phẩm sau khi được công nhận vẫn là điểm nghẽn, cản đường đưa đặc sản của Việt Nam vươn ra thế giới.

Các chuyên gia khuyến nghị, OCOP không như các sản phẩm thông thường được sản xuất hàng loạt mà là sản phẩm mang tính cộng đồng và đặc thù, lợi thế của từng địa phương để phục vụ khách du lịch và xuất khẩu. Thế nhưng, các chủ thể tại chỗ còn thiếu chủ động khi tham gia vào chương trình và hạn chế về năng lực quản trị, tổ chức sản xuất, thị trường theo chuỗi giá trị, chưa quan tâm đến yếu tố bền vững ngay từ khi vận hành sản xuất sản phẩm OCOP.

Do đó, để vượt mục tiêu đến năm 2025 có 10.000 sản phẩm OCOP, trong đó có trên 30% sản phẩm mới, Bộ NNPTNT và các địa phương cần xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP tích hợp các giá trị kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường và nâng cao năng lực cho các chủ thể OCOP, phát huy hiệu quả hơn 2.000 làng nghề truyền thống trong kiến tạo sản phẩm OCOP chất lượng cao. Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát thương hiệu OCOP Việt Nam; đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử trong xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.

Thanh Thảo