Tạo thuận lợi hơn nữa cho người lao động và doanh nghiệp

Nhiều vấn đề doanh nghiệp nêu được BHXH Việt Nam giải đáp

Theo Phó Tổng giám đốc Đào Việt Ánh, Hội nghị đối thoại giữa BHXH Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản về thực hiện chính sách BHXH, BHYT là rất quan trọng; tạo sự gắn kết, đồng thuận, hiểu biết, hỗ trợ lẫn nhau giữa BHXH Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT của Việt Nam; cũng như bảo đảm quyền lợi, chế độ an sinh xã hội cho người lao động tại doanh nghiệp.

Hiện nay, Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp viện trợ ODA và nước tiếp nhận lao động Việt Nam lớn nhất, là đối tác du lịch đứng thứ ba, là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Về đầu tư, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn thứ 3 với tổng số dự án đầu tư là 4.873 dự án, có tổng vốn đăng ký gần 65 tỷ USD. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư Nhật Bản; đứng thứ 2 là lĩnh vực thông tin, truyền thông và thứ ba là lĩnh vực xây dựng.

Đặc biệt, so với các nước khác trong khối ASEAN, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam muốn mở rộng đầu tư kinh doanh vượt xa đến hơn 10 điểm. Bên cạnh thế mạnh là sản xuất các sản phẩm đa năng, đặc thù của các doanh nghiệp Nhật Bản tập trung vào sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng, hàm lượng chất xám cao. Do đó, có đóng góp lớn vào giá trị và chất lượng đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam.

Ước tính đến hết tháng 9.2022, BHXH Việt Nam hiện đang phục vụ khoảng 87,5 triệu người dân Việt Nam tham gia BHYT, bằng 91% dân số; 17,2 triệu người tham gia BHXH, bằng 33% lực lượng lao động, bao gồm người lao động làm việc tại doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tính riêng khối doanh nghiệp Nhật Bản, BHXH Việt Nam đang phục vụ hơn 2.100 doanh nghiệp với số lao động tham gia BHXH là gần 525 nghìn người, trong đó có khoảng 522,9 nghìn người Việt Nam và 2,1 nghìn người nước ngoài. Với số thu BHXH chiếm 12,9% tổng thu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo BHXH Việt Nam, với nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp, giảm bớt khó khăn do tác động của dịch Covid-19, BHXH Việt Nam đã chủ động tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ về BHXH, BHTN để tháo gỡ khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đã nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ. Đến nay, đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia của Chính phủ; chi trả lương hưu, chế độ BHXH qua tài khoản ATM của hệ thống ngân hàng. Việc triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã và đang được BHXH Việt Nam đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện.

Theo Phó Tổng giám đốc Đào Việt Ánh, đây là lần đầu tiên BHXH Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản có cơ hội được gặp gỡ để trao đổi, thảo luận những vấn đề hai bên cùng quan tâm, trong đó có mục tiêu chung là bảo đảm quyền lợi cho người lao động cả Việt Nam và Nhật Bản, nhân tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của mỗi doanh nghiệp và cả nền kinh tế Việt Nam. Đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào tháng 9.2022, nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt là “Lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; lấy nội lực là cơ bản, quyết định lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá” để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh, hiệu quả, thành công và bền vững tại Việt Nam.

Quốc Túy