Tên lửa siêu thanh Mỹ sẽ đụng 'Hệ thống trả đũa' Nga?

Ở bang Florida, tại căn cứ không quân Eglin, tên lửa siêu thanh phản ứng nhanh AGM-183A (ARRW) đã được thử nghiệm, hay đúng hơn là nguyên mẫu của đầu đạn phân mảnh có sức nổ cao.

Trong bài kiểm tra, Quân đội Mỹ đã có thể đánh giá sức mạnh của vụ nổ và quy mô phá hủy. Các phóng viên từ Hoa Kỳ cho rằng thiết bị này được tạo ra theo kỹ thuật "Vật liệu tăng cường khả năng sát thương" bằng cách sử dụng chất nổ PBXN-110. Tuy nhiên chưa có dữ liệu chính thức về các đặc tính của tên lửa siêu thanh.

Trước đó báo chí đã mô tả thời gian cần thiết để một đầu đạn có thể tiếp cận các mục tiêu nhất định. Ví dụ, nếu phóng tên lửa từ máy bay ném bom chiến lược B-52H Stratofortress của Không quân Mỹ, nó sẽ đến Moskva trong khoảng 20 phút và đến Bắc Kinh trong nửa giờ.

Một chuyên gia quân sự, Trung tá dự bị Vladimir Yazikov trong cuộc trò chuyện với ban biên tập của tạp chí PolitExpert lưu ý rằng người Mỹ đã nghiên cứu vũ khí như vậy từ lâu.

Ví dụ, ông trích dẫn một tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân giống với tên lửa hành trình xuyên lục địa Burevestnik. Theo vị chuyên gia, sau khi Hoa Kỳ thử nghiệm vũ khí này, họ thấy cần phải chú ý đến chùm phóng xạ còn sót lại phía sau tên lửa:

"Điều này được đảm bảo sẽ gây ô nhiễm môi trường, dẫn tới việc dự án bị hủy bỏ sau khi tiến hành các cuộc thử nghiệm. Hiện tại họ có thể chế tạo một tên lửa siêu thanh, nhưng không rõ nó sẽ được sử dụng để làm gì".

Hệ thống trả đũa tự động của Nga là yếu tố mà đối phương không thể xem thường

Chuyên gia này nhấn mạnh, khó có thể nói liệu bước phát triển mới của Mỹ có thực sự vượt qua được con đường tới thủ đô Nga chỉ trong 20 phút hay không. Tuy nhiên, ông nhắc lại hệ thống trả đũa đang áp dụng:

"Ngay cả khi mọi thứ bị phá hủy, chúng ta có tên lửa tự động, người Mỹ trở thành mục tiêu. Hoa Kỳ sẽ không bao giờ đi đến đối đầu nếu không chắc mình sẽ thắng. Họ có lý thuyết về tổn thất chấp nhận được, nếu vượt quá một con số nhất định, thì chiến tranh sẽ không diễn ra".

"Người Mỹ nhận thức rõ rằng sẽ tốn kém hơn nếu xung đột với Nga bằng các biện pháp vũ trang", người đối thoại của PolitExpert nói thêm. Trung tá Yazikov cũng lưu ý rằng Hoa Kỳ có ngân sách khá lớn cho việc phát triển sức mạnh quân sự, nhưng đây không phải thứ duy nhất cần thiết cho việc trang bị vũ khí:

"Vũ khí không phải là thuốc chữa bách bệnh, ở đây chúng ta cũng cần chính quân đội, hay nói đúng hơn là lòng trung thành với chính phủ. Liệu họ có bảo vệ được sức mạnh của mình hay không"?

Chuyên gia quân sự cho biết, Liên bang Nga vẫn duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu để người Mỹ không muốn thử nghiệm Moskva bằng các biện pháp quân sự. Ông cũng gọi đây là tin không tốt cho Nga, nhưng đừng coi đó là điều đáng sợ:

"Sau này chúng tôi mới biết được sự thật của điều này là như thế nào. Việc đánh chặn những vũ khí như vậy thực sự vô cùng khó khăn, chúng phải bị bắn hạ khi mới cất cánh. Nếu căn cứ quân sự của chúng tôi ở đâu đó tại châu Âu thì sẽ không có gì phải bàn cãi".

Tùng Dương