Thái Bình giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình '5 tại chỗ'

Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thái Bình. Ảnh: CAO BIỀN

* Bình Phước phấn đấu giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số

Năm 2020, tỉnh Thái Bình áp dụng phương án giải quyết thủ tục hành chính công "5 tại chỗ" từ tiếp nhận hồ sơ đến thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả ngay tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện. Sau hơn một năm thực hiện đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, rút ngắn thủ tục, thời gian, giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân khi giải quyết thủ tục hành chính.

Trong năm 2020, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã giải quyết gần 78.400 hồ sơ, trong đó 71.400 hồ sơ được giải quyết theo phương án "5 tại chỗ" bảo đảm trước hạn và đúng hạn, không có hồ sơ giải quyết quá hạn.

Bên cạnh ưu điểm, việc giải quyết thủ tục hành chính theo phương án "5 tại chỗ" ở tỉnh cũng còn một số khó khăn, vướng mắc như công tác bố trí cán bộ, công chức chưa hợp lý, giải pháp phần mềm thiếu đồng bộ...

Để khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả của mô hình, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời tham mưu UBND tỉnh công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ và phấn đấu năm 2021 đưa 100% thủ tục hành chính ra thực hiện theo phương án "5 tại chỗ". Đồng thời, các đơn vị thực hiện tăng tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chữ ký số trong việc giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân. Các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện việc niêm yết công khai, đầy đủ các thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh; tổ chức tốt việc tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của tổ chức, cá nhân thông qua việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của tổ chức,
cá nhân…

* Với quyết tâm "không để ai bị bỏ lại phía sau", tỉnh Bình Phước tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, thực hiện kế hoạch giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trong năm 2021.

Theo đó, tỉnh có các giải pháp tập trung huy động nguồn lực trong nhân dân, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể thực hiện các chính sách, dự án góp phần giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số nhanh và bền vững. Cụ thể, ba huyện biên giới gồm Bù Gia Mập (giảm 362 hộ nghèo dân tộc thiểu số trong năm 2021), huyện Lộc Ninh (giảm 203 hộ), huyện Bù Đốp (giảm 65 hộ); các huyện Đồng Phú, Hớn Quản, Phú Riềng, Bù Đăng, thị xã Bình Long giảm từ 7 đến 202 hộ.

Bên cạnh việc thực hiện các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, năm 2021, tỉnh tập trung hỗ trợ đất ở cho 30 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 570 hộ, xây dựng nhà vệ sinh cho 443 hộ, hỗ trợ tiếp cận thông tin cho 332 hộ, hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội cho 49 hộ, hỗ trợ tạo việc làm tăng thu nhập cho 830 hộ. Tổng kinh phí thực hiện giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2021 là hơn 89 tỷ đồng.

Chương trình mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Phước năm 2020 đã giúp 1.250 hộ nghèo dân tộc thiểu số thoát nghèo. Nếu năm 2021 Bình Phước giảm thêm được 1% số hộ nghèo thì tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn sẽ còn 1,56%. Bình Phước phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra về công tác giảm nghèo trong cả nhiệm kỳ này.

PV và TTXVN