Tham vọng đổi đời và xu hướng trẻ em lạm dụng mỹ phẩm ở Trung Quốc

Mengmeng - 8 tuổi - được cha mẹ cho sử dụng thoải mái phấn mắt, son môi và những đồ trang điểm khác. Với cô bé, đây là thứ quen thuộc, tiếp xúc hàng ngày không khác gì sách giáo khoa và đồ chơi trẻ em.

Ngoài việc đến trường, nhiều học sinh tiểu học ở Thượng Hải, Trung Quốc là người mẫu nhí bán thời gian. Các phụ huynh cho con mình xuất hiện ở các quảng cáo và chương trình thời trang trẻ em từ khi bắt đầu học mẫu giáo.

Trước mỗi sự kiện, những "sao nhí chưa nổi" như Mengmeng được yêu cầu trang điểm đậm.

Candice Yang - mẹ của Mengmeng cho biết cô thích việc con gái sớm làm quen với sân khấu, định hình phong cách. "Con gái nên học cách trân trọng vẻ đẹp từ ngày còn bé", Yang nói với SCMP.

Tham vọng đổi đời

Những gia đình như Mengmeng và mẹ của cô đã góp phần làm tăng đáng kể lượng tiêu thụ mỹ phẩm dành cho trẻ em ở Trung Quốc. Xu hướng này hoàn toàn trái ngược với những nguyên tắc lâu đời, nhất là việc tiêu chuẩn hóa kiểu tóc, cách ăn mặc của học sinh khi đến trường. Ngoại hình không phải là vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu với trẻ nhỏ.

Theo nhà bán lẻ hàng hóa nhập khẩu Kaola, tháng 5/2020, doanh số bán đồ trang điểm dành cho trẻ em trên nền tảng của họ đã tăng hơn 1.200% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi tổng doanh số bán hàng tính đến tháng 7/2020 tăng gấp ba lần so với năm trước đó.

Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia, cho biết sự tăng trưởng của ngành công nghiệp này được thúc đẩy bởi tham vọng của các bậc phụ huynh. Họ chỉ muốn con mình trở thành những ngôi sao sáng giá.

“Khi các nền tảng truyền thông xã hội phát triển mạnh, nhiều người trở nên nổi tiếng thông qua các ứng dụng phát trực tiếp. Nhiều cha mẹ hy vọng con cái có kết quả tương tự. Điều đó thúc đẩy việc họ biến con mình thành cỗ máy kiếm tiền nhờ vào việc ăn mặc, trang điểm và quảng cáo trực tiếp, bất chấp con trông già trước tuổi", Zhaohui nói.

Trên một số ứng dụng truyền thông xã hội, khi tìm kiếm từ khóa "trẻ em làm đẹp", nhiều người ngỡ ngàng với số lượng video về trẻ em dạy trang điểm, tự tạo cho mình vẻ ngoài công chúa hay những điều tương tự.

Trẻ em trang điểm đậm, làm quen với ánh đèn sân khấu là hình ảnh không hiếm thấy ở Trung Quốc.

Trong video được đăng tải trên nền tảng chia sẻ phong cách sống Xiaohongshu, một cô gái khoảng bảy tuổi đang hướng dẫn người xem cách tạo dáng sao cho khéo léo, phù hợp khi biểu diễn trên sân khấu trong vòng ba phút.

Những điều trên dẫn đến nhiều sự lo ngại. Trẻ em ngày nay không còn giữ được sự trong sáng vốn có, đây là hệ lụy cho sự phát triển vượt trội của Internet.

Chuyên gia Chu Zhaohui cho biết sự việc trẻ em Trung Quốc lạm dụng mỹ phẩm phần lớn đến từ các gia đình trung lưu. Khao khát muốn đổi đời thúc đẩy những bậc cha mẹ không ngại chi số tiền lớn đầu tư cho các con tham gia ca hát và khiêu vũ - những hoạt động ngoại khóa vốn đòi hỏi họ phải trang điểm đậm.

“Trong bối cảnh học tập và làm việc căng thẳng đang diễn ra ở Trung Quốc, việc để trẻ em tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa nhìn chung là điều tốt. Trước đây, chúng tôi quá tập trung vào kết quả học tập của học sinh. Sẽ tốt hơn khi họ được phép làm những thứ khác", ông nói.

Tuy nhiên, việc này cần phải có giới hạn nhất định. Nếu vượt qua ranh giới cho phép, chuyện để trẻ em trang điểm, ăn mặc đẹp và tham gia những hoạt động ngoại khóa dẫn đến việc phí thời gian, gieo vào đầu những đứa trẻ lối sống thực dụng, thông điệp ngoại hình là điều quan trọng nhất trong xã hội.

Bà mẹ hai con Liu Xiaoyun cho biết cô không cấm con gái (lớn nhất là 9 tuổi) thỉnh thoảng muốn sử dụng mỹ phẩm của mẹ. Cô muốn "bảo vệ sự tò mò và phát triển tự nhiên của con".

"Nhưng thành thật mà nói, tôi cũng lo lắng một khi hai con quen với việc sử dụng mỹ phẩm, chúng sẽ đánh giá người khác dựa trên ngoại hình, hoặc con tôi sẽ nghĩ chúng ta chỉ thực sự đẹp khi trang điểm", Xiaoyun nói.

Và những hệ lụy

Đồng ý để con trang điểm, nhưng với Candice Yang, cô luôn chú trọng các thành phần có trong sản phẩm làm đẹp, nhất là với làn da non nớt của con gái nhỏ.

“Trước mỗi buổi diễn, tôi luôn kiểm tra xem chuyên gia trang điểm sử dụng loại mỹ phẩm nào cho các bé. Về cơ bản, họ chọn mỹ phẩm từ thương hiệu có tên tuổi, chất lượng tốt. Tuy nhiên, tôi phát hiện ra rằng họ sử dụng mỹ phẩm dành cho người lớn", Yang nói.

Candice Yang cũng thừa nhận cô biết điều đó không tốt cho con mình nhưng lại không có lựa chọn nào khác.

Tại Trung Quốc, nhiều mỹ phẩm dành cho trẻ em được bán dưới dạng đồ chơi, thành phần của chúng không được ghi rõ trên nhãn. Disney Princess (thương hiệu nổi tiếng nhất nhì Trung Quốc), công ty Khoa học & Công nghệ Quảng Đông Kailiti (sở hữu thương hiệu Barbie Girl) đều là những tập đoàn lớn nhưng cũng vướng trường hợp tương tự.

Mỹ phẩm không hề tốt cho làn da non nớt của trẻ em.

Tại Trung Quốc, mỹ phẩm dành cho trẻ em được định nghĩa là sản phẩm làm đẹp dành cho các bé từ 12 tuổi trở xuống. Hiện có hàng chục thương hiệu và hàng nghìn sản phẩm thuộc danh mục này có sẵn trên các nền tảng thương mại điện tử lớn nhỏ với hàng loạt mức giá khác nhau.

Điều này dẫn đến việc các bà mẹ có nhiều sự lựa chọn cho con cái. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có đủ kiến thức chuyên môn, tiền bạc để đầu tư cho các bé.

Lu Yao, bác sĩ da liễu tại Bệnh viện Trung ương Phụ nữ và Trẻ em Thành Đô, cho biết gần đây ông tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhỏ tuổi dị ứng mỹ phẩm trong dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6.

Ông nói rằng làn da trẻ em vốn rất non nớt và nhạy cảm. Vì vậy, họ dễ bị dị ứng khi tiếp xúc với thành phẩm có hại, chất bảo quản có trong mỹ phẩm. Hàng rào bảo vệ da, hệ miễn dịch, hệ thống nội tiết của trẻ em chưa hoàn thiện và rất dễ có xu hướng lây nhiễm, thậm chí bị ngộ độc khi tiếp xúc.

"Nói chung, trẻ em trang điểm là việc làm gây hại", bác sĩ Lu Yao khẳng định với SCMP.

Tuy nhiên, Lu Yao cho rằng không thể cấm trẻ em làm điều đó. Khao khát đổi đời, tham vọng đưa các con trở thành người nổi tiếng ăn sâu vào tiềm thức của những bậc phụ huynh.

Vì vậy, sau khi dựa trên những nghiên cứu quốc tế, Lu Yao và những chuyên gia tại Trung Quốc có lý do chính đáng cho rằng đôi khi trẻ em trang điểm cũng không quá nguy hiểm.

"Ít hơn một lần/tháng là tần suất hợp lý và an toàn nhất", Lu Yao nói với SCMP.

Trạch Dương