Thất bại của bóng đá Uzbekistan tại vòng loại World Cup

Trận thua 0-3 trước Saudi Arabia ở lượt cuối bảng D hôm 15/6 đã khép lại hành trình của tuyển Uzbekistan tại vòng loại World Cup. Thầy trò HLV Vadim Abramov cán đích ở vị trí nhì bảng, nhưng không trụ lại nổi nhóm 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất.

Lần đầu tiên kể từ vòng loại World Cup 1998, tuyển Uzbekistan mới dừng bước từ vòng loại thứ hai. Trong tất cả chiến dịch vòng loại World Cup từng tham dự, Uzbekistan thường vào tới vòng loại thứ ba và thứ tư.

Bước tiến xa nhất của bóng đá Uzbekistan ở đấu trường này là vòng loại World Cup 2014, chiến dịch mà tuyển quốc gia nước này vào vòng loại thứ năm và chỉ chịu thua Jordan trên chấm luân lưu, đội sau đó đá trận play-off liên lục địa tranh vé đi Brazil dự World Cup.

Tuyển Uzbekistan lần đầu tiên dừng bước ở vòng loại thứ hai một kỳ World Cup. Ảnh: UFA.

Đó cũng là dấu ấn lớn nhất của tuyển Uzbekistan, bởi sau khi lỡ hẹn với cơ hội lịch sử ấy, đội bóng Trung Á không có nhiều thành tích thực sự ấn tượng tại các giải châu lục dù mang vị thế của một ông lớn. Tuyển Uzbekistan từng vào bán kết Asian Cup 2011, nhưng dừng bước ở tứ kết giải đấu năm 2015.

Tại Asian Cup 2019, Uzbekistan thậm chí dừng bước từ vòng 16 đội, giải đấu mà tuyển Việt Nam vào tới tứ kết và chỉ chịu thua Nhật Bản 0-1 bởi bàn thắng trên chấm phạt đền.

Việc vào tứ kết Asian Cup 2019 chỉ là một trong những dấu ấn của tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo cùng với lứa cầu thủ đã gây địa chấn ở VCK U23 châu Á 2018. Ông Park xây dựng và phát triển lực lượng cho đội tuyển Việt Nam với nền móng từ lứa cầu thủ ấy để góp mặt ở vòng loại thứ ba World Cup 2022.

Nhưng Uzbekistan không làm vậy. Lực lượng đội tuyển quốc gia nước này không được xây dựng dựa trên lứa cầu thủ vô địch U23 châu Á 2018. Không nhiều gương mặt ở Thường Châu năm đó có cơ hội thể hiện ở vòng loại thứ hai World Cup 2022, nói cách khác, thay vào đó là những cầu thủ dày dặn kinh nghiệm thi đấu ở trong nước hoặc những gương mặt thi đấu ở nước ngoài.

Tính riêng trận đấu cuối cùng của Uzbekistan tại bảng D, chỉ có đúng 3 cái tên của lứa vô địch U23 châu Á 2018 được đăng ký thi đấu là các hậu vệ Rustamjon Ashurmatov, Islom Kobilov và Dostonbek Khamdamov. Chỉ Ashurmatov được đá chính, những người còn lại hoặc vào sân từ ghế dự bị hoặc không được thi đấu. Dấu ấn của lứa vô địch giải trẻ châu Á quá mờ nhạt ở cấp độ đội tuyển quốc gia.

Ngoài sự đi xuống của bóng đá Uzbekistan, cuộc cạnh tranh khốc liệt ở vòng loại World Cup với các tác động từ dịch Covid-19 hay sự rút lui của tuyển CHDCND Triều Tiên cũng là nguyên nhân dẫn tới thất bại lịch sử của đội tuyển quốc gia vùng Trung Á.

Uzbekistan kết thúc vòng loại thứ hai World Cup 2022 với kết quả không đến nỗi nào khi giành 5 chiến thắng và đứng nhì bảng. Những đội nhì ở các bảng khác giành quyền đi tiếp như Iraq ở bảng C hay tuyển Việt Nam ở bảng G cũng thắng 5 trận. Riêng Lebanon ở bảng H chỉ thắng có 3 trận.

Ngoài Saudi Arabia, ở bảng D, những đội bóng còn lại đều bị đánh giá thấp hơn tuyển Uzbekistan. Thầy trò HLV Vadim Abramov nên tự trách mình khi bất ngờ để thua một trận trước Palestine (thứ hạng chỉ là 104, kém Uzbekistan tới 18 bậc trên bảng xếp hạng FIFA), và không thể giành nổi một điểm trong hai lần đối đầu Saudi Arabia. Chỉ cần một điểm, số phận Uzbekistan có lẽ đã khác.

Đội bóng có biệt danh "Bầy sói trắng" từng nằm trong nhóm 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất, nhưng lại rơi xuống vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng chung cuộc bởi sự vùng lên của những đối thủ cạnh tranh ở các bảng đấu khác. Điển hình như ở bảng C, Iraq đã đánh bại Iran ở lượt đấu cuối, cướp ngôi đầu và đẩy đối thủ xuống nhì bảng. Điều tương tự xảy ra ở bảng G khi UAE chiếm ngôi đầu bảng của tuyển Việt Nam.

Thất bại cay đắng này có lẽ là cú đấm cần thiết để làm thức tỉnh tuyển Uzbekistan.

Highlights vòng loại World Cup 2022: UAE 3-2 Việt Nam Trong ngày bị UAE áp đảo, tuyển Việt Nam vẫn có trận thua sát nút với tỷ số 2-3 ở lượt trận cuối vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á đêm 15/6 (giờ Hà Nội).

Bảo Ngọc