Thấy gì qua vụ 'bạo lực học đường' ở Tuyên Quang?

Tình cảm thầy trò là điều luôn được bao lớp học sinh trân trọng. Ảnh minh họa: INT

Xem cảnh học sinh dồn ép cô giáo vào góc lớp, ném dép vào cô, tôi – một thầy giáo đang đứng lớp - thật sự thấy đau đớn và xấu hổ. Cũng vì vậy, tôi đã cố gắng bình tâm để có thể nhìn thấy rõ hơn về những gì vừa xảy ra trong môi trường giáo dục.

Giá trị chuẩn mực bị đảo lộn

Tôi nhận thấy rằng không còn là báo động mà đã đến lúc ngành Giáo dục và xã hội phải có hành động cụ thể và mạnh mẽ lên án, chế tài xử lý thật nghiêm những đối tượng tham gia vụ việc này để ngăn chặn sự tái diễn.

Lẽ thường tình, con cái phải biết hiếu thuận với cha mẹ; học trò phải biết kính trọng, biết ơn đối với thầy cô. Vậy qua sự việc này thì sao? Những giá trị thường tình đó đã bị đảo lộn. Nhiều chục năm về trước, không phải không có chuyện bạo lực, nhưng đấy chỉ là chuyện thầy cô xúc phạm trò, cha mẹ đánh đập con cái. Còn ngày nay, quá trình ngược lại đang xuất hiện ngày càng nhiều: Con cái sỉ nhục, bạo hành cha mẹ; phụ huynh, học sinh xúc phạm thầy cô.

Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ đâu? Trong quyển sách “Sự sụp đổ của nghề làm cha làm mẹ”, tác giả Leonard Sax đã chỉ ra nhiều vấn đề thường thấy trong cách nuôi dạy trẻ hiện nay. Từ những sai lầm của các bậc cha mẹ Mỹ nói riêng, ông đã phác họa lại bức tranh toàn cảnh về sai lầm của các bậc phụ huynh trên toàn thế giới nói chung. Ở đó, tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến hậu quả của việc thỏa hiệp quá dễ dàng từ phía cha mẹ đã hình thành nhân cách, thói quen xấu cho con.

Hình như, chúng ta đang mải miết kiếm thật nhiều tiền. Chúng ta quá chăm chú xây dựng hình ảnh và danh vọng. Và hình như chúng ta đang chịu quá nhiều áp lực từ muôn phía của cuộc sống nên không còn nhiều thời gian để chia sẻ, dạy dỗ con cái bằng lòng yêu thương, cũng như dạy dỗ chúng về lòng yêu thương.

Hình như chúng ta, trong những bữa cơm và trước giấc ngủ, sau mỗi sáng thức dậy đã quên chuyện trò với con về các giá trị, trong đó có giá trị của yêu thương, tính kỷ luật và trên hết là giá trị của đạo làm người. Như thế, có thể thấy, nền tảng giáo dục quan trọng trong gia đình hiện nay của chúng ta đang lặp lại sai lầm của người Mỹ.

Trở lại với câu chuyện ở ên Quang, điều kinh khủng là ở chỗ, đấy không phải là việc một học sinh xúc phạm giáo viên, mà là “một cuộc tấn công tập thể”. Việc trò đánh thầy cô là không thể chấp nhận được. Một tập thể học trò đuổi đánh thầy cô lại càng không thể chấp nhận được.

Và, chúng ta – bất cứ ai, ở vai trò nào, là phụ huynh, thầy cô đều dễ dàng nhận thấy rằng, các nấc thang giá trị của sự chuẩn mực cần thiết trong đời sống xã hội đang bị thay đổi. Trong đó, truyền thống “tôn sự trọng đạo”, “tiên học lễ hậu học văn” đang đứng trước nguy cơ “biến dạng” nhiều nhất.

Cô giáo Hoàng Thị Vỵ với lớp dạy học miễn phí cho các trẻ em khuyết tật tại xã Bảo Ái (Yên Bình, Yên Bái). Ảnh minh họa: INT

Nhà trường phải thực sự là ngôi nhà thứ hai

Qua vụ việc ở Tuyên Quang, phải công tâm nhìn nhận lỗ hổng nghiêm trọng về tinh thần tôn sư trọng đạo, “tiên học lễ, hậu học văn” trong các trường học hiện nay. Mới xem qua clip từ đồng nghiệp chia sẻ, tôi có cảm giác bị “sốc”, trái tim như có gì bị bóp nghẹt vì tức giận, phẫn nộ. Nhưng rồi, nguôi ngoai ngẫm lại, sự việc diễn ra có phải hoàn toàn chỉ là lỗi ở học trò. Dù vẫn biết rằng, bất cứ lý gì, thì hành động của học trò là sai và không thể chấp nhận được.

Có một thực tế tôi biết rõ rằng, hiện phần lớn giáo viên chỉ làm trong bổn phận “dạy chữ”, còn “dạy nên người” thì ít được quan tâm, hay nói đúng hơn, họ không dám quan tâm. Tâm lý sợ học trò phản ánh khi mình dùng biện pháp cứng rắn để giáo dục đang xảy ra phổ biến. Thành thử, giáo viên nào cũng trở nên “hiền quá mức cho phép”.

Một đồng nghiệp của tôi chia sẻ rằng: Từ lâu đã tự rèn cho mình cái tính nhẹ nhàng với cả học sinh lì lợm cá biệt nhất. Ví dụ, phạt học sinh đứng dậy, mà em đó không chịu đứng, thì thôi, bỏ qua. Các em khác vẫn thấy việc cô nhịn và tự phân biệt ai đúng ai sai, mình không đối đầu để chứng tỏ uy lực người làm cô trước học trò. Học sinh mình dạy nhận xét mình hiền, các em bảo: “Kể cả khi cô nạt, bọn em cũng thấy cô nạt kiểu hiền hiền”.

Cứ thế, cái vô lối, cái sai của học trò tự khắc nhân lên gấp bội. Điều đó thực sự nguy hại.

Một sự vụ xảy ra, chúng ta đều phải soi chiếu từ nhiều chiều để có cái nhìn khách quan, công bằng. Trong trường hợp này cũng thế, chúng ta – những người lớn không thể trút hết mọi tội lỗi lên đầu học trò. Là người trong ngành, tôi hiểu hơn ai hết những áp lực mà thầy cô phải chịu.

Tôi hiểu bản chất của thầy cô, cũng như của bất cứ con người nào: Ai cũng có lúc nóng giận. Ai cũng có lúc không kiềm chế được bản thân và hoàn toàn có thể có những ứng xử không đúng mực với học trò. Điều quan trọng là sau lời mắng mỏ, sau một cái bạt tai học sinh, thầy cô sẽ nghĩ gì? Điều quan trọng là trước và sau những điều khiến học trò tổn thương ấy, thầy cô đã lần nào sửa lại cái cổ áo xộc xệch của học trò, đã lần nào nhắc các em chú ý mặc ấm khi ra đường chưa…

Một hành động nhỏ, một lời nói giản dị thôi, nhưng chân thành, có thể xóa đi mọi khoảng cách và hóa giải mọi mâu thuẫn, nhất là đối với những người nhỏ tuổi hay trẻ tuổi. Đấy là giá trị của yêu thương.

Ngoài ra, nếu thầy cô nào không thực sự có tình yêu nghề và nhất là tình yêu đối với những đứa trẻ mà mình đang được giao dạy dỗ, người đó nên tìm một nghề khác. Vì đơn giản, có lẽ họ bước vào nghề này cũng chỉ để kiếm sống. Và trong mỗi trường học, tôi nghĩ, thầy cô nào cũng làm được như trên thì bạo lực sẽ giảm đi nhiều. Và từ đó, mỗi ngôi trường thực sự sẽ trở thành ngôi nhà hạnh phúc thứ hai của học trò.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Tuấn và con gái là cô giáo Nguyễn Thị Ý Mỹ chăm sóc học trò tại điểm trường Nước Nia, xã Trà Bùi (Trà Bồng, Quảng Ngãi). Ảnh minh họa: INT

Dũng cảm thay đổi

Chúng ta muốn ngăn chặn các nấc thang giá trị tốt đẹp của xã hội đang bị bóp méo hay đảo lộn, tôi nghĩ, trước hết xã hội, gia đình và thầy cô cũng cần phải dũng cảm thay đổi.

Về phía xã hội, hãy trả lại các “quyền uy” cho thầy cô để giáo dục những đứa trẻ “khó bảo”. Hãy để thầy cô nghiêm khắc với học trò lêu lổng, có các hành vi phản giáo dục. Hãy để các thầy cô thực hành việc dạy dỗ con cái của các bậc phụ huynh thiết thực nhất.

Dạy chữ đã khó, dạy nên người càng khó hơn nên hãy đừng trút thêm áp lực lên đôi vai của thầy cô bằng những “dòng trạng thái nặng nề, thậm chí xúc phạm trên mạng xã hội”. Xã hội đã đến lúc phải đồng hành với nhà trường và thầy cô trong vấn đề giáo dục con trẻ hơn là chỉ tranh biện hơn thua, chê bai dè bỉu.

Về phía gia đình, tôi rất tâm đắc với tác giả Leonard Sax chia sẻ trong quyển sách “Sự sụp đổ của nghề làm cha làm mẹ” – rằng, những bậc làm cha làm mẹ phải là người quan tâm giáo dục trước hết và chịu trách nhiệm với chính đứa con của mình. Và, cha mẹ phải thay đổi cách nuôi dạy con cái – không thỏa hiệp, không quá bao bọc, không nuông chiều vô lối nhưng cũng phải quan tâm, nghiêm khắc bằng … lòng yêu thương chúng.

Về phía thầy cô, chúng ta không thể vì “cái sợ” của dư luận mà chối bỏ, trốn tránh việc giáo dục những đứa trẻ chưa ngoan. Chính sự thờ ơ, “sợ hãi” của thầy cô sẽ góp phần làm gia tăng bạo lực. Và rất có thể một ngày không xa, chính chúng ta – những thầy cô tưởng chừng vô can sẽ là nạn nhân của bạo lực học đường.

Các thầy cô cũng đừng vì bức xúc thái quá mà chia sẻ các clip bạo lực học đường, bởi như thế cũng là cách chúng ta đang “gieo” thêm bạo lực cho những đứa trẻ ngây thơ. Điều nữa, nhà trường mà đứng đầu là hiệu trưởng phải thực sự thấu hiểu và đồng hành với các thầy cô trong mọi khó khăn.

Thấy gì qua vụ việc bạo lực học đường ở Tuyên Quang? Có lẽ vẫn là câu hỏi âm ỉ trong phần lớn chúng ta, nhất là những bậc làm cha làm mẹ và các thầy cô giáo. Chúng ta không thể thờ ơ, vô cảm trước sự vụ đó. Chúng ta, trước hết là những người có trách nhiệm, có lương tri với một nền giáo dục đang trong quá trình đổi mới hẳn gặp phải vô vàn vết xước, nhưng dẫu có đau đớn, chúng ta cũng cần phải mổ xẻ và chữa lành những “khối u” trên.

Sau vụ việc nữ giáo viên ở Tuyên Quang bị học sinh dồn vào tường và buông lời xúc phạm, Công đoàn Giáo dục Việt Nam có văn bản yêu cầu công đoàn giáo dục các tỉnh, thành tăng cường các biện pháp bảo vệ nhà giáo, người lao động trong trường học; tăng cường các biện pháp giáo dục học sinh, thực hiện kỷ cương trường học, kỷ luật học đường.

Quán triệt, thực hiện nghiêm túc phương châm: “Thầy ra thầy - trò ra trò” trong các nhà trường. Đồng thời chỉ đạo công đoàn các trường học rà soát thông tin, nắm bắt các vấn đề nảy sinh, kịp thời can thiệp, giải tỏa, chấn chỉnh để không xảy ra các hiện tượng vi phạm quy định đạo đức nhà giáo, hiện tượng học sinh vi phạm kỷ luật. Đặc biệt là các vấn đề về công tác quản lý, quản trị trường học.

Tiếp tục triển khai hiệu quả việc nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, tập trung vào việc hỗ trợ giáo viên có năng lực nghề nghiệp vững vàng; có kỹ năng xử lý, giải quyết các tình huống sư phạm; có trách nhiệm bảo vệ danh dự cá nhân và uy tín, danh dự của nhà trường, của ngành Giáo dục. Đôn đốc các cộng tác viên dư luận xã hội của Công đoàn Giáo dục Việt Nam tại các trường học kịp thời phát hiện, phản ánh vấn đề nảy sinh để nhận được hướng dẫn cụ thể.

Nguyễn Đình Ánh (Trường THPT Nghi Lộc 2 – Nghi Lộc – Nghệ An)