Thấy gì từ lịch trình tập trận chung dày đặc giữa Nga và Trung Quốc?

Theo tờ South China Morning Post ngày 8-8, Trung Quốc và Nga đã sẵn sàng đưa các động quân sự chung trở lại một cách hiệu quả hơn sau một thời gian dài tạm hoãn vì đại dịch COVID-19.

Theo giới phân tích, điều này cho thấy Bắc Kinh và Moscow đang tăng cường học hỏi lẫn nhau để đối phó với Mỹ.

Binh sĩ Nga trong một cuộc diễn tập trước đó. Ảnh: REUTERS

Từ hôm nay (9-8), hơn 10.000 binh sĩ Trung Quốc và Nga đã bắt đầu cuộc diễn tập kéo dài năm ngày trong một căn cứ huấn luyện chiến thuật kết hợp ở khu tự trị Ninh Hạ (Trung Quốc).

Đây là cuộc tập trận chung đầu tiên do Trung Quốc tổ chức kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Hoạt động diễn tập lần này tập trung vào chống khủng bố và an ninh. Ngoài ra, hai bên cũng sẽ thành lập một trung tâm chỉ huy chung để nâng cao khả năng trinh sát chung, cảnh báo sớm, ngăn nguy cơ bị tấn công vào hệ thống điện tử và thông tin.

Ngoài ra, hai nước cũng dự kiến tham gia với nhiều đối tác trong khu vực để trau dồi kỹ năng vận hành phương tiện chiến đấu, phóng tên lửa phòng không di động và trinh sát hạt nhân để chống khủng bố.

Theo ông Vasily Kashin - chuyên gia quân sự và Trung Quốc tại Trường Kinh tế Cao cấp (một trường đại học nghiên cứu ở Moscow), cuộc tập trận diễn ra sau một khoảng thời gian Bắc Kinh và Moscow hạ cấp các hoạt động quân sự chung vì đại dịch.

Kể từ năm 2005, Trong một phần nỗ lực nhằm tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, các lực lượng Trung Quốc và Nga đã thường xuyên thực hiện các cuộc tập trận cùng nhau, song phương hoặc trên các nền tảng đa phương.

Kể từ đó, quân đội hai bên đã tăng cường tương tác chặt chẽ hơn.

Theo ông Kashin, việc hai bên ngày càng gia tăng các hoạt động quân sự chung là nhằm tăng khả năng đối kháng với Mỹ, cũng như chia sẻ những lo ngại về sự bất ổn của khu vực Trung Á - sân sau địa chính trị truyền thống của Moscow. Đây cũng là nơi đang chứng kiến sự hiện diện kinh tế ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc.

Cũng theo ông, họ cũng đang gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới Mỹ về khả năng, cũng như sự sẵn sàng hoạt động cùng nhau để ngăn chặn các mối đe dọa từ nước này.

Các cuộc tập trận chung có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc. Quân đội nước này không tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột vũ trang thực sự nào kể từ những năm 1980. Trong khi đó, Nga đã tiến hành các hoạt động quân sự ở một số khu vực, từ phía bắc vùng Caucasus và Gruzia đến Ukraine và Syria.

"Tập trận với Moscow sẽ giúp ích đáng kể cho Bắc Kinh vì quân đội Nga hầu như 'không hề nghỉ ngơi' mà liên tục tham gia các hoạt động chiến đấu thực sự trong vài thập niên qua" - ông Kashin nhận định.

Theo ông Richard Weitz - thành viên cấp cao của Viện Hudson (Mỹ), các hoạt động diễn tập chung thường xuyên như vậy đã trở thành "công cụ nền tảng để Nga và Trung Quốc thể chế hóa quan hệ quốc phòng song phương mà không cần phải thành lập liên minh quân sự chính thức.

Trước đó, các quan chức với Trung Quốc và Nga đã nhiều lần bác bỏ ý tưởng thành lập một liên minh quân sự.

Ngoài ra, trong một báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố vào tháng trước, ông Weitz nhận định các hoạt động chung còn giúp tăng năng lực chiến đấu độc lập của cả hai quân đội thông qua việc trao đổi các chiến thuật và kỹ thuật mới.

KHÁNH NHƯ