Thể thao Việt Nam và tầm nhìn 20 năm: Quyết tâm lột xác

Những dấu hiệu “nguy hiểm”

ể thao Việt Nam đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn, với hàng loạt bộ môn trọng điểm bị đánh giá là “chững lại”, thậm chí là đi giật lùi. Bằng chứng rõ nét nhất thể hiện qua thất bại tại ASIAD 19 và nguy cơ vỡ chỉ tiêu trong cuộc đua giành vé dự Olympic Paris 2024. Đáng chú ý, những thất bại này đến ngay sau khi Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn tại SEA Games 32. Đây là lần đầu tiên chúng ta trở thành số 1 của Đông Nam Á mà không phải nước chủ nhà.

Thể thao Việt Nam mới có 6 suất dự Olympic Paris 2024.

Thực tế, thành tích của thể thao ệt Nam ở các đấu trường đỉnh cao đã và đang giảm theo thời gian. Tại Olympic London 2012, Việt Nam đã giành được 1 HCĐ. Sau đó 4 năm, đến Olympic Rio 2016, các vận động viên Việt Nam mang về 1 HCV và 1 HCB. Năm 2020, tại Olympic Tokyo, Việt Nam không thể giành được huy chương.

Đến Paris 2024, thể thao Việt Nam đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành mục tiêu giành 12 đến 15 suất tham dự. Ở thời điểm này, Việt Nam mới có vỏn vẹn 6 suất chính thức cho dù vòng loại đang đi đến giai đoạn cuối cùng.

Tương tự như vậy, thành tích của thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018 và 2022 đều dưới mong đợi. Đây là lý do “Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị các kỳ Olympic và ASIAD đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” được ấp ủ ra đời.

Tại cuộc họp vừa qua, các thành viên thẳng thắn nhìn nhận các dấu hiệu “nguy hiểm” với thể thao Việt Nam hiện tại. Thể thao Việt Nam chỉ thành công ở những nhóm môn thể thao của Games, mang đậm tính khu vực. Khi vươn tầm ra sân chơi châu lục ở các môn thể thao ASIAD và Olympic, thành tích của vận động viên Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa so với vận động viên của các quốc gia khác ngay tại chính Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia. So sánh với các cường quốc, Việt Nam đơn giản không nhìn thấy khả năng tạo ra bất ngờ.

Trước thực tế trên, ngành thể dục thể thao, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã rà soát lại toàn bộ hệ thống đào tạo, tuyển chọn vận động viên đỉnh cao nhằm kịp thời nắm bắt được các con số cụ thể; đánh giá đúng, trúng vấn đề, từ đó tham mưu xây dựng các đề án, chiến lược phát triển thể thao thành tích cao Việt Nam mang tính đột phá trong những năm tới tại các đấu trường quốc tế lớn.

Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia à Nội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Thể thao Việt Nam muốn hướng đến thành tích cao tại ASIAD, Olympic, trước hết cần tập trung chấn chỉnh công tác đào tạo từ địa phương, ngành đến đội tuyển quốc gia, đặc biệt là quy trình tuyển chọn đào tạo mang tính hệ thống... Việc làm này phải đồng bộ từ yếu tố cơ sở vật chất đến con người, cụ thể là nhiều đơn vị như: địa phương, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, Viện Khoa học TDTT, Truyền thông, Doping”.

Đánh giá lại thực trạng

Tại Hội nghị Định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 - tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra cuối năm 2023, trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh, bài toán phát triển thể thao thành tích cao Việt Nam cần phải có lộ trình từng bước, nguồn lực tổ chức, phải nghiêm túc nhìn lại bài học thực tiễn.

Từ SEA Games 33 sẽ ưu tiên các môn có trong chương trình thi đấu của ASIAD và Olympic.

Bước đầu tiên là đánh giá đúng thực trạng của nền thể thao Việt Nam hiện tại và khả năng cạnh tranh trong ngắn hạn của các vận động viên Việt Nam. Theo các chuyên gia, thể thao Việt Nam đang phải đối mặt với những hạn chế như nguồn lực về tài năng vận động viên trẻ chưa nhiều. Hiện cả nước chỉ có khoảng 960 vận động viên tại các đội tuyển trẻ quốc gia. Chưa kể, số lượng đào tạo trẻ của một số môn thể thao, nội dung mũi nhọn còn rất hạn chế. Đơn cử như môn thể dục dụng cụ chỉ có 5 đơn vị đào tạo vận động viên chuyên nghiệp. Đội tuyển trẻ thể dục dụng cụ chỉ có 26 vận động viên tập huấn ở Hà Nội và Cần Thơ.

Bên cạnh đó, sự phát triển và ổn định của các vận động viên thể thao thành tích cao không được duy trì. Trong hai kỳ SEA Games gần nhất, Việt Nam đều giành ngôi nhất toàn đoàn. Tuy nhiên, tỷ lệ huy chương các môn Olympic của Việt Nam lại kém xa Thái Lan, Singapore, và kém cả Malaysia và Indonesia.

Việc các vận động viên chững lại có một phần không nhỏ vì thiếu hụt huấn luyện viên, chuyên gia xuất sắc. Nguồn huấn luyện viên nội đạt trình độ đào tạo vận động viên giành huy chương tại ASIAD hay Olympic còn rất khiêm tốn.

Ngoài ra, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ việc tập luyện dù đã được quan tâm nhưng vẫn còn thiếu. Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của các đội tuyển. Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP.HCM thậm chí chỉ đạt 30%, trong khi ở Đà Nẵng, Cần Thơ còn thiếu các hạng mục cơ bản như bể bơi, sân bóng đá và đường chạy tiêu chuẩn.

Với nguồn ngân sách có hạn, việc cân đối giữa các bộ môn mang đậm tính khu vực - phục vụ cho các mục tiêu ở SEA Games và các môn Olympic là bài toán khó giải với các nhà lãnh đạo. Thế nhưng, đây có thể xem là một trong những vấn đề quan trọng nhất cần giải quyết để kéo thành tích của thể thao Việt Nam ở các đấu trường lớn đi lên.

Tầm nhìn 20 năm

Sau khi đánh giá đúng thực trạng, và vẽ phác thảo lộ trình, các nhà lãnh đạo thể thao Việt Nam tập trung xây dựng Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị các kỳ Olympic và ASIAD đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, với tầm nhìn 20 năm. Cục Thể dục thể thao phối hợp với các phòng, ban, đơn vị tiếp tục xây dựng hệ thống tuyển chọn và đào tạo vận động viên một cách khoa học, làm nền tảng sàng lọc, tập trung đầu tư cho lứa vận động viên trọng điểm thi đấu tại ASIAD 2026, 2030 và Olympic 2024, 2028...

Cục trưởng Đặng Hà Việt cho rằng, việc tuyển chọn vận động viên bao gồm nhiều giai đoạn, nhiều quá trình khác nhau nhưng phải thống nhất thành một hệ thống và cần có thời gian nhất định. Ngành thể dục thể thao đang tìm cách thay đổi, tháo gỡ những rào cản, điểm hạn chế trong thời gian qua để tuyển chọn vận động viên ban đầu từ tuyến cơ sở; mỗi tỉnh thành đầu tư một số môn thể thao; đổi mới hệ thống thi đấu từ cấp tiểu học và phát triển các môn thể thao trọng điểm ở nhiều tỉnh, thành.

Hiện tại, có một số môn thể thao chỉ phát triển ở một số tỉnh, thành nhất định, cũng như đặc thù của một vài môn không thể phát triển hệ thống từ cấp tiểu học, ví dụ như cử tạ, thể dục dụng cụ, bắn súng, đua thuyền. Muốn thay đổi mọi thứ từ gốc rễ, thể thao Việt Nam phát triển hệ thống phong trào, xây dựng lại hệ thống thi đấu toàn diện. Để làm được điều này, việc xã hội hóa thể thao đặc biệt quan trọng.

Việt Nam đương nhiên không thể bỏ qua SEA Games, nơi nhiều vận động viên trẻ được trao cơ hội. Thông qua thành tích ở SEA Games, ngành Thể thao sẽ có được những đánh giá bước đầu về thực lực, năng lực của các vận động viên, đặc biệt với nhóm các môn ở ASIAD và Olympic. Từ đó, tiến hành sàng lọc và có chiến lược đầu tư phù hợp nhằm phát triển thành tích trong tương lai. Có thể xem SEA Games là “bàn đạp”, ASIAD là “trọng tâm” và Olympic là mục tiêu cuối cùng để thể thao Việt Nam vươn tới.

Việc xây dựng thành công “Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị các kỳ Olympic và ASIAD đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” và sớm được Chính phủ phê duyệt, đi vào áp dụng thực tiễn có ý nghĩa quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo, thành tích của Thể thao Việt Nam tại các đấu trường thể thao châu lục và thế giới. Đề án chỉ rõ mục tiêu lấy đấu trường SEA Games làm bàn đạp và ASIAD là trọng tâm để vươn tầm đến Olympic.

An Khánh