Thêm nhiều trường đại học công bố học phí tạm thu năm học 2023-2024

Theo tờ trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định cơ chế thu, quản lý học phí các trường đại học và địa phương cả nước của Bộ GD&ĐT, Bộ đề xuất Chính phủ cho phép tăng học phí bậc đại học.

Theo đề xuất của Bộ GD&ĐT, học phí mầm non, phổ thông, đại học năm học này áp dụng mức trần của năm học 2022-2023, tức lùi một năm so với lộ trình tăng học phí mà Nghị định 81 đề ra. Cụ thể, trần học phí với đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học này là 1,2-2,45 triệu đồng một tháng, tùy khối ngành, thay vì mức 1,35-2,76 triệu đồng. Mức thu hiện nay là 980.000 đến 1,43 triệu đồng.

Những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ, được thu tối đa bằng 2-2,5 lần mức trên, tức 2,4-6,15 triệu đồng một tháng. Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng, các đại học được tự xác định học phí.

Trong khi chờ đợi Chính phủ có quy định chính thức về mức trần học phí năm học này, nhiều trường đại học đã đưa ra mức học phí theo hướng không tăng dù hầu hết trước đó các trường đã công bố lộ trình tăng học phí trong đề án tuyển sinh năm học 2023-2024.

Mới đây, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thông báo danh sách thí sinh trúng tuyển đợt xét tuyển bổ sung vào trường và học phí tạm thu học kỳ 1 năm học 2023-2024.

Cụ thể, nhà trường tạm thu học phí và các loại phí nhập học là 9.500.000 đồng/sinh viên; trong đó: Lệ phí nhập học: 335.000 đồng/sinh viên; phí duy trì tài khoản (thu hộ ngân hàng): 50.000 đồng/sinh viên; bảo hiểm y tế sinh viên bắt buộc: 851.000 đồng/sinh viên/15 tháng; tạm thu học phí học kỳ 1 năm học 2023-2024: 8.264.000 đồng/sinh viên (Học viện sẽ thông báo chính thức số tiền học phí phải nộp của học kỳ 1 sau khi nhập học 2 tháng).

Sau khi nhập học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam không trả lại các khoản phí đã thu nếu sinh viên xin thôi học.

Phụ huynh đóng học phí cho con ở trường Đại học Công thương TP HCM, ngày 25/8. Ảnh: HUIT

Trước đó, ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng có quyết định giữ nguyên mức thu học phí học kỳ I như hai năm qua dù trong đề án tuyển sinh năm nay, trường dự kiến thu học phí chương trình chuẩn tăng khoảng 8% so với năm ngoái. Theo đó, sinh viên trúng tuyển năm 2023 tạm đóng 6 triệu đồng. Trong đó, học phí là hơn 4,4 triệu đồng; tiền mua Bảo hiểm y tế 850.000 đồng, phí khám sức khỏe 391.500 đồng, phí tham dự kiểm tra tiếng Anh đầu vào 350.000 đồng, áp dụng đối với sinh viên thuộc diện cần kiểm tra năng lực tiếng Anh.

Tương tự, Trường ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh tạm thu học phí học kỳ I bằng năm ngoái là 13,75-36 triệu đồng.

Trường ĐH Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cũng thông báo dừng tăng học phí và thu khoảng 10,6 triệu đồng/năm với chương trình chuẩn, thấp hơn 5,9 triệu đồng so với dự kiến.

Trường ĐH Thương mại, Trường ĐH Thủ đô, Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng quyết định giữ nguyên mức học phí như năm học trước. Mức học phí cụ thể cho từng khóa/chương trình đào tạo, trường sẽ công bố điều chỉnh ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định 81 sửa đổi hoặc văn bản hướng dẫn chính thức của Bộ GD&ĐT.

Trường ĐH Ngoại thương thu từ 10 - 35 triệu đồng; Học viện Ngoại giao 9,5 - 20,75 triệu đồng. Mức thu này thấp hơn so với dự kiến khoảng 1 - 2,5 triệu đồng/học kỳ.

Một số trường ĐH Y Dược tạm thu học phí theo mức công bố dự kiến tăng cho năm học 2023 - 2024

Tại Trường ĐH Y Dược TPHCM, đối với sinh viên nhập học từ năm 2020 trở về sau sẽ phải đóng học phí thấp nhất là 41,8 triệu đồng đến cao nhất là 77 triệu đồng/năm học. Học phí năm học 2023 – 2024 được điều chỉnh tăng 10% so với năm học 2022 – 2023. Cụ thể, học phí của ngành bác sĩ răng hàm mặt là 77 triệu đồng/năm (tăng 7 triệu so với năm trước), ngành bác sĩ y khoa là 74,8 triệu đồng, ngành dược sĩ là 55 triệu đồng, ngành bác sĩ y học cổ truyền là 45 triệu đồng...

Sinh viên nhập học từ năm 2019 trở về trước có mức học phí thấp hơn nhiều so với sinh viên nhập học năm 2020. Đơn cử như ngành Bác sĩ răng hàm mặt, học phí một năm học của sinh viên khóa 2019 chỉ từ 20,9 triệu đồng cho đến cao nhất là 27,6 triệu đồng như ngành bác sĩ răng hàm mặt, bác sĩ đa khoa, dược sĩ, bác sĩ y học dự phòng, bác sĩ y học cổ truyền. Chênh lệch học phí giữa hai khóa lên đến 49,4 triệu đồng. Các ngành cử nhân Điều dưỡng, Kỹ thuật y học, Phục hình răng, Y tế cộng đồng, Dinh dưỡng là 20,9 triệu đồng/năm học, tăng 6,6 triệu đồng so với năm 2022.

Đối với khóa nhập học từ năm 2020, ngành bác sĩ Răng - Hàm - Mặt là 77 triệu đồng/năm, bác sĩ Y khoa là 74,8 triệu đồng/năm; Dược học là 55 triệu đồng/năm; Bác sĩ Y học dự phòng, bác sĩ Y học cổ truyền là 45 triệu đồng/năm.

Tân sinh viên năm 2023 khi nhập học đóng tạm ứng học phí 1 học kỳ hoặc cả năm. Ngoài ra tân sinh viên đóng 60.000 đồng khám sức khỏe.

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thông báo, học phí ngành Y khoa, Răng hàm mặt, Dược học: 55.200.000 đồng/năm. Các ngành cử nhân học phí là 31.640.000 triệu đồng/năm.

Học phí năm 2023 của Trường ĐH Y Hà Nội với khóa tuyển sinh mới dao động từ 20.904.000 - 55.200.000 đồng/năm học (10 tháng).

Trường ĐH Y Dược Thái Bình thông báo học phí tạm thu năm 2023 đối với sinh viên khóa tuyển mới như sau: Ngành Y khoa, Dược học, Răng–Hàm–Mặt, Y học cổ truyền là 55 triệu đồng/năm; Ngành Điều dưỡng 40 triệu đồng/năm.

Tại Khoa Y, ĐH Quốc gia TPHCM, học phí các ngành Y khoa, Dược, Răng - Hàm - Mặt và Y học cổ truyền là 55 triệu đồng. Riêng ngành Điều dưỡng có mức tăng ít hơn, từ 37 lên 40 triệu đồng/năm. Y khoa (CLC), trung bình: 72,6 triệu/năm; Ngành Dược học (CLC), trung bình: 66,5 triệu/năm; Răng – Hàm – Mặt (CLC), trung bình: 106,48 triệu/năm.

ĐV