Thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày: Những rủi ro và kinh nghiệm

Những người bệnh làm thủ tục lấy thuốc Methadone. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Tại Việt Nam, qua hơn 10 năm triển khai chương trình, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho thấy tỷ lệ bỏ điều trị chiếm trên 50%, tập trung ở các tỉnh miền núi. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bỏ điều trị là do người bệnh không đủ kiên trì khi phải đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày trong một thời gian liên tục nhiều năm.

Để giảm vấn đề bỏ điều trị do phải đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày, Bộ Y tế thí điểm Đề án cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã có những chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề này.

- Ông có thể cho biết Đề án thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện sẽ được triển khai ở Việt Nam như thế nào?

Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long: Căn cứ Quyết định số 5074/QĐ-BYT ngày 04/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án triển khai thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện, hoạt động cấp thuốc Methadone nhiều ngày sẽ được thí điểm triển khai tại ba tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Hải Phòng trong vòng 2 năm 2021-2022. Ngày 5/4/2021, cả 3 tỉnh đã đồng loạt tổ chức khai trương sự kiện này.

Việc cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh được thực hiện theo các quy định hiện hành về quản lý chất gây nghiện, hướng thần của Bộ Y tế và tuân thủ các nguyên tắc chuyên môn trong Hướng dẫn điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

Theo quy định, người bệnh phải có đơn tự nguyện xin được cấp thuốc Methadone nhiều ngày, cam kết sử dụng thuốc đúng mục đích, hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu sử dụng thuốc sai mục đích hoặc để xảy ra bất cứ ảnh hưởng xấu nào. Về phía y tế phải đảm bảo an toàn, không để ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, an ninh trật tự của bản thân người bệnh hoặc người khác.

Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

- Tại sao Bộ Y tế chọn Điện Biên, Lai Châu và Hải Phòng là các nơi được lựa chọn thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế?

Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long: Tiêu chí để lựa chọn tỉnh tham gia thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày lần này là các tỉnh/thành phố phải có sự ủng hộ và cam kết mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong quá trình triển khai điều trị Methadone thời gian qua.

Trên cơ sở đó, Điện Biên và Lai Châu được lựa chọn vì là hai tỉnh miền núi phía Bắc, địa bàn rộng và đi lại khó khăn, nhiều người bệnh phải đi hàng chục km mới đến cơ sở điều trị để uống thuốc hàng ngày. Các điểm cấp phát thuốc Methadone đã được triển khai tại một số tại trạm y tế xã nhưng vẫn không đáp ứng được cho những người bệnh vì các làng, bản quá xa và đường đi đến cơ sở điều trị, cấp phát thuốc miền núi rất khó khăn. Bên cạnh đó, đây cũng là 2 tỉnh rất tích cực và đạt được nhiều kết quả tốt trong việc triển khai điều trị Methadone những năm qua.

Hải Phòng là một trong hai thành phố đầu tiên của Việt Nam triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone và đã có sự cam kết, ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền các cấp trong thành phố. Hải Phòng cũng là thành phố có nhiều người nghiện sống ở các huyện đồng bằng và ven biển.

Việc cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày thí điểm tại Hải Phòng sẽ giúp kinh nghiệm cho việc triển khai rộng ra các thành phố lớn, các tỉnh đồng bằng trong tương lai.

Tiêu chí với người bệnh

- Ông có thể cho biết người bệnh được mang thuốc Methadone nhiều ngày cần đáp ứng những tiêu chí nào?

Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long: Người có đầy đủ các tiêu chuẩn dưới đây sẽ được cân nhắc cho mang thuốc về sử dụng: Đã đạt liều điều trị duy trì từ 2 tháng trở lên; không phát hiện sử dụng thêm chất dạng thuốc phiện hoặc các loại ma túy khác trong 2 tháng gần đây.

Bên cạnh đó, người bệnh không bỏ liều điều trị Methadone nào trong 2 tháng gần đây mà không có xin phép hoặc báo cáo với cơ sở điều trị; không vi phạm các quy định của cơ sở điều trị Methadone, không phát hiện hành vi vi phạm pháp luật nào khác trong 12 tháng gần đây.

(Ảnh: T.G/Vietnam+)

Nếu có 1 trong các điểm sau, người bệnh sẽ không được cấp phát thuốc về như: Trong quá trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã từng xảy ra ngộ độc do quá liều với bất cứ chất gây nghiện nào; người bệnh hiện có các rối loạn tâm thần chưa điều trị hoặc đang điều trị mà chưa ổn định; bản thân người bệnh không có nơi bảo quản thuốc an toàn (như hòm/tủ có khóa…).

- Mỗi lần, số liều thuốc Methadone được cấp là bao nhiêu và làm thế nào để theo dõi, đánh giá sự tuân thủ của người bệnh khi sử dụng thuốc là gì thưa ông?

Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long: Số liều thuốc Methadone được mang về phụ thuộc vào mức độ tuân thủ của từng người bệnh sau khi theo dõi và đánh giá hàng tháng và theo nguyên tắc tăng dần nếu người bệnh tuân thủ tốt và giảm dần hoặc chấm dứt cho người bệnh mang thuốc về nếu người bệnh không tuân thủ tốt.

Số liều tối đa cho người bệnh mang về mỗi lần trong giai đoạn thí điểm không quá 06 liều/lần mang về (không tính 01 liều uống tại cơ sở y tế khi đến lĩnh thuốc).

Để theo dõi, đánh giá sự tuân thủ của người bệnh khi sử dụng thuốc, các cơ sở điều trị Methadone tại từng tỉnh tổ chức theo dõi và hàng tháng đánh giá tuân thủ sử dụng thuốc Methadone của người bệnh với rất nhiều biện pháp, bao gồm: Theo dõi người bệnh có tuân thủ điều trị đầy đủ, tham gia đủ các cuộc hẹn khám, tư vấn, nhận thuốc và uống thuốc không? Có nộp vỏ lọ thuốc đã qua sử dụng không? Yêu cầu người bệnh mang thuốc đang sử dụng và vỏ chai về kiểm tra đột xuất xem có sử dụng đúng không.

Một cơ sở y tế thí điểm Đề án cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Đặc biệt, định kỳ cán bộ y tế đến nhà người bệnh để giám sát, xét nghiệm nước tiểu ngẫu nhiên về Heroin và các ma túy khác…

Kết quả theo dõi, đánh giá đó sẽ làm cơ sở cho việc tăng số liều, giảm số liều hoặc chấm dứt việc cho người bệnh mang thuốc về.

Phòng tránh những rủi ro

- Ông có thể phân tích có những rủi ro nào có thể gặp phải khi triển khai đề án và biện pháp nào để giảm thiểu rủi ro?

Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long: Chúng tôi nhận thấy dựa trên kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới, khi cho người bệnh mang thuốc Methadone về cũng có thể sẽ có những rủi ro và cần phải có ngay biện pháp để giảm thiểu.

Có thể kể đến như trẻ em hoặc những người khác dùng nhầm thuốc. Đây là rủi ro nguy hiểm nhất đến sức khỏe và sự an toàn khi cho người bệnh mang Methadone về.

Kinh nghiệm của một số các quốc gia trên thế giới cho thấy nếu người khác sử dụng nhầm thuốc, nhất là trẻ em có thể dẫn đến tử vong. Để giảm thiểu rủi ro này, các điều kiện để người bệnh được mang thuốc về cũng đã đưa ra những tiêu chuẩn lựa chọn cụ thể bao gồm: Người bệnh có nơi cư trú ổn định; không trong quá trình điều trị các rối loạn tâm thần; có nơi bảo quản thuốc an toàn như hòm, tủ đựng thuốc có khóa.

Ngoài ra, việc tư vấn cho người bệnh hiểu sự nguy hiểm của việc người khác uống nhầm thuốc cũng như ghi các cảnh báo trên nhãn phụ lọ thuốc cùng các biện pháp giám sát và tập huấn cho cán bộ y tế về xử trí khi người khác uống nhầm sẽ giúp giảm thiểu rủi ro này.

Việc cho người bệnh mang thuốc Methadone về uống thiếu sự giám sát của cán bộ y tế có thể dẫn đến rủi ro trong chia sẻ, mua bán, trao đổi Methadone. Có những quốc gia báo cáo thậm chí có tình trạng Methadone bị đánh cắp bởi người nghiện khác.

Người bệnh nhận thuốc Methadone về nhà uống. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Kinh nghiệm của các quốc gia đã triển khai cho người bệnh mang thuốc Methadone về cho thấy một số người bệnh tích trữ Methadone để sử dụng sai mục đích như dùng liều cao hơn hoặc chia liều ra nhiều lần trong ngày. Việc này cũng có thể gây ngộ độc cho người bệnh hoặc không đạt được mục đích điều trị. Để giảm thiểu rủi ro này thì biện pháp là tăng cường tư vấn cho người bệnh tuân thủ điều trị, giảm số liều mang về…

Kinh nghiệm quốc tế

- Ông có thể chia sẻ thêm kinh nghiệm các nước trên thế giới đã triển khai công tác này như thế nào?

Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long: Nhiều quốc gia trong khu vực (Thái Lan, Trung Quốc, Myanma, Singapore, Malaysia, Indonesia...) và trên thế giới (Mỹ, Australia, NewZeland...) đã và đang triển khai cấp phát thuốc Methadone cho người bệnh mang về áp dụng theo khung hướng dẫn chung của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Tuy nhiên, tùy thuộc vào đặc thù của từng quốc gia mà mỗi nước lại có những quy định cụ thể riêng biệt. Việc kê thuốc cho bệnh nhân mang về uống được người bệnh rất hài lòng do đáp ứng được mong đợi của người bệnh.

Nhìn chung, người bệnh muốn được nhận thuốc Methadone mang về đều phải được sàng lọc trước. Hầu hết các nước đều có tiêu chí này như: Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Canada... Điều kiện để người bệnh mang thuốc về có thể khác nhau nhưng cơ bản vẫn phải trên tinh thần tự nguyện (phải có đơn tự nguyện xin mang thuốc về); người bệnh tuân thủ điều trị tốt (uống thuốc đều, xét nghiệm nước tiểu với Heroin/Morphine âm tính). Một số nước đặt tiêu chuẩn người bệnh phải tham gia điều trị ít nhất đủ 3 tháng mới được xem xét cho mang thuốc về.

Về số liều thuốc được cấp cho người bệnh mang về cũng khác nhau tùy thuộc từng quốc gia nhưng trung bình là được mang về uống trong một tuần (Trung Quốc, Canada...). Một số nước sau khi người bệnh tuân thủ tốt, thậm chí có thể mang về tới 30 ngày (Hoa Kỳ...).

Việc quản lý và theo dõi người bệnh sử dụng thuốc cũng được áp dụng khác nhau tùy thuộc từng quốc gia. Đối với Thái Lan sẽ có sự tham gia kiểm tra đột xuất của Trưởng thôn hoặc y tế cơ sở. Với Trung Quốc, mỗi lọ thuốc Methadone người bệnh mang về đều được kết nối với hệ thống phần mềm thông minh, khi người bệnh mở nắp sử dụng thì thông tin được báo lên phần mềm. Việc giám sát sử dụng thuốc Methadone chủ yếu là để đảm bảo sự an toàn cho người bệnh và người nhà của người bệnh để tránh việc sử dụng thuốc sai mục đích.

Xin trân trọng cảm ơn Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long!

Thùy Giang (Vietnam+)