Thị trường việc làm của Mỹ còn 'nóng bỏng' khiến Fed khó hạ lãi suất sớm

Giới doanh nghiệp Mỹ vẫn tích cực tuyển dụng lao động bất chấp lạm phát còn ở mức cao. Ảnh: WSJ

Thị trường việc làm vẫn sôi động

Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ, công bố hôm 5-4, các công ty Mỹ trong lĩnh vực phi nông nghiệp tuyển dụng thêm 303.000 việc làm trong tháng 3. Con số này cao hơn đáng kể so với 200.000 việc làm tăng thêm theo dự báo của các nhà kinh tế và cũng cao hơn nhiều so với dữ liệu của tháng 1 và tháng 2.

Tăng trưởng việc làm đặc biệt mạnh mẽ trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giải trí và khách sạn, xây dựng cũng như trong các công việc của chính phủ. Thu nhập và số giờ trung bình hàng tuần tiếp tục tăng trong tháng trước.

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong cùng tháng giảm nhẹ xuống 3,8%, thấp hơn mức dự đoán 3,9%. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức dưới 4% trong 26 tháng liên tiếp, khoảng thời gian dài nhất kể từ cuối thập niên 1960. Nền kinh tế Mỹ đang vượt trội so với các nền kinh tế khác trên toàn cầu dù đã tăng lãi suất thêm 525 điểm cơ bản kể từ tháng 3-2022 để kiềm chế lạm phát.

Dữ liệu việc làm mới nhất được đưa ra trong bối cảnh Fed đang cân nhắc thời điểm bắt đầu hạ lãi suất từ biên độ 5,25 – 5,5% hiện nay. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ bật tăng sau khi thị trường đón nhận dữ liệu việc làm do giới đầu tư giảm bớt kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất 3 đợt trong năm nay. Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm, biến động theo kỳ vọng về lãi suất, tăng 0,11 điểm phần trăm lên 4,75%.

Theo CME FedWatch, các thị trường tương lai dự đoán xác suất Fed hạ lãi suất lần đầu tiên vào tháng 6 là 50%, giảm từ mức gần 66% vào hôm 4-4.

Chứng khoán Mỹ tăng giá, với chỉ số S&P 500 đóng cửa cao hơn 1,1%, khi giới đầu tư lạc quan hơn trước sức mạnh bền bỉ của nền kinh tế Mỹ.

Theo Chris Zaccarelli, giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance, dữ liệu việc làm báo hiệu “nền kinh tế Mỹ không có dấu hiệu chậm lại và chi tiêu của người tiêu dùng sẽ có thể duy trì trong thời gian tới”.

Số liệu việc làm tích cực mang lại động lực cho Tổng thống Joe Biden khi ông chuẩn bị bước vào cuộc tái tranh cử. “Báo cáo việc làm hôm nay đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự trở lại của nước Mỹ”, ông Biden nói.

Người đứng đầu Nhà Trắng lưu ý, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm hơn 15 triệu việc làm kể từ khi ông nhậm chức. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò cho thấy, cử tri không đánh giá cao năng lực điều hành kinh tế của ông, chủ yếu là do ạm phát gia tăng trong nhiệm kỳ của ông.

Trong tháng 3, nền kinh tế Mỹ tạo ra thêm 303.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 3, trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ xuống còn 3,8%. Ảnh: Market Watch

Còn quá sớm để Fed hạ lãi suất

Dữ liệu việc làm tốt và số liệu lạm phát cao hơn dự kiến trong những tháng gần đây khiến Fed phát tín hiệu rằng cơ quan này sẽ không vội vàng hạ lãi suất.

Một cuộc khảo sát khác của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, có thêm 469.000 người gia nhập lực lượng lao động Mỹ trong tháng 3. Con số đó bao gồm những người đang tìm kiếm việc làm. Các nhà kinh tế cho rằng, dữ liệu này càng củng cố khả năng Fed trì hoãn hạ lãi suất.

Trong tuần trước, Chủ tịch Fed, Jay Powell nhấn mạnh, ông cần “niềm tin lớn hơn” để lạm phát đang giảm bền vững xuống mức mục tiêu 2% của Fed trước khi giảm lãi suất. Hôm 5-4, Lorie Logan, Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực Dallas cảnh báo, rủi ro đang gia tăng khiến tiến trình giải quyết lạm phát có thể bị đình trệ. “Tôi tin rằng còn quá sớm để nghĩ đến việc cắt giảm lãi suất”, bà nói.

“Thật khó để nhìn vào báo cáo việc làm này và nói rằng nền kinh tế cần giảm lãi suất”, Dean Maki, nhà kinh tế trưởng của Point72, bình luận.

Trong khi đó, Sophie Lund-Yates, nhà phân tích chứng khoán của Công môi giới Hargreaves Lansdown cho biết, dữ liệu việc làm mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ không hề giảm nhiệt. Điều này không chỉ khiến cuộc chiến chống lạm phát trở nên khó khăn hơn mà còn làm kỳ vọng Fed giảm lãi suất vào tháng 6 suy yếu.

Các chuyên gia kinh tế của của ngân hàng ING cũng đưa ra nhận định, Fed sẽ không sớm hạ giảm lãi suất khi số lượng việc làm tăng mạnh như vậy và chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng) sẽ công bố trong tuần này có thể vẫn nóng.

Fed có thể chờ đợi trước khi nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng cũng chịu áp lực vì lạm phát cao dai dẳng. Điều này khiến việc dự đoán thời điểm tối ưu để bắt đầu giảm lãi suất trở nên khó khăn hơn nhiều. “Sức mạnh vượt trội của thị trường lao động Mỹ, lạm phát dai dẳng và các điều kiện tài chính tiếp tục nới lỏng đã làm suy yếu xác suất Fed giảm lãi suất sớm”, Eswar Prasad, giáo sư kinh tế của Đại học Cornell nói.

Theo Financial Times, CNN

Chánh Tài