Think Tanks ngày càng được quan tâm hơn

Sáng 2/2, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức Chương trình Tọa đàm "Đặc điểm và hướng đi của Think Tanks Việt Nam trong Cải cách và Hội nhập 4.0".

Tại đây, lần đầu tiên, Viện VEPR công bố Báo cáo Xếp hạng Think Tanks Toàn cầu 2017 - Báo cáo do Chương trình Think Tanks and Civil Societies (TTCSP), Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ thực hiện.

Cũng là lần đầu tiên, Viện VEPR quy tụ một số diễn giả Think Tankers chuyên nghiệp (chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan; chuyên gia kinh tế cao cấp, TS. Lê Đăng Doanh; Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI), TS. Phùng Đức Tùng và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), TS. Nguyễn Đức Thành) để bàn sâu hơn về vấn đề còn nhiều mới mẻ tại Việt Nam - Think Tanks.

Các diễn giả tham dự Chương trình Tọa đàm "Đặc điểm và hướng đi của Think Tanks Việt Nam trong Cải cách và Hội nhập 4.0". (Ảnh: DNVN/Minh Hoa).

Bà Vũ Thùy Liên, Trưởng ban Truyền thông, Viện VEPR đã đưa ra một khái niệm và đặc điểm chung nhất về Think Tanks: Think Tanks là các tổ chức nghiên cứu, phân tích và vận động chính sách, cung cấp các phân tích và tư vấn chính sách cho các vấn đề trong nước và quốc tế, hỗ trợ cho quá trình ra quyết định của các nhà hoạch định chính sách cũng như công chúng.

Think Tanks hoạt động như cầu nối giữa giới hàn lâm và giới hoạch định chính sách, là tiếng nói độc lập chuyển tải các các kết quả nghiên cứu thành ngôn ngữ dễ hiểu, đáng tin cậy và dễ tiếp cận với mọi đối tượng.

Báo cáo Xếp hạng Think Tanks Toàn cầu của Chương trình TTCSP, Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ mang tính thường niên và đã được thực hiện qua 11 năm.

Trong đó, Báo cáo Xếp hạng Think Tanks Toàn cầu 2017 được Đại học Pennsylvania tiến hành qua 3 vòng (đề cử, gửi danh sách, xếp hạng), trong thời gian từ giữa tháng 8/2017 đến tháng 1/2018, với sự tham gia của hơn 3,750 chuyên gia, nhà báo, nhà hoạch định chính sách, thành viên của các think tank, các nhà tài trợ trên toàn thế giới và sự hỗ trợ của 900 thành viên Hội đồng Xếp hạng (Expert Panelists). Báo cáo được công bố bởi 175 Think Tank tại 100 quốc gia trên toàn cầu.

Cho dù lần đầu tiên Việt Nam được đưa vào bảng xếp hạng, nhưng đã có tổ chức Think Tank Việt Nam nằm trong top 30 ở hạng mục Think Tank hàng đầu thế giới (Viện Kinh tế và Chính trị Thế Giới/IWEP), top 25 ở hạng mục Think Tanks thuộc Chính phủ tốt nhất và hạng mục Think Tanks hàng đầu về chính sách y tế quốc gia (Viện IWEP và Trung tâm Nghiên cứu Hệ thống Y tế, Đại học Y Hà Nội/CHSR).

Các chuyên gia tham dự Chương trình Tọa đàm đều nhận định kết quả trên là rất đáng ghi nhận và thực chất, chưa phản ánh hết sự nỗ lực và đóng góp của rất nhiều tổ chức Think Tank trên cả nước.

Các chuyên gia hy vọng bảng xếp hạng cho các Think Tanks Việt Nam sẽ khả quan hơn trong những năm sau nếu có sự kết nối cao hơn giữa các Think Tanks trong và ngoài nước và sự đầu tư hơn nữa về nguồn lực mọi mặt để Think Tanks phát huy vai trò tư vấn, phân tích phản biện chính sách của mình.

Đại diện cho nhóm doanh nghiệp tham gia Tọa đàm, TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cho rằng: Tọa đàm về Think Tanks Việt Nam nên được tổ chức thường niên, từ đó, tìm giải pháp để phát huy được tính chủ động và vai trò thực sự của các tổ chức Think Tank nói chung và các Think Tankers nói riêng.

TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV. Nguồn: Internet.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt hiện chưa quan tâm thực sự tới việc phát triển các Think Tanks trong doanh nghiệp của mình. Các doanh nghiệp hầu hết chưa có viện nghiên cứu lớn để nghiên cứu một cách định lượng. Doanh nghiệp mới chỉ chỉ nghiên cứu cảm tính và rất thiếu cơ sở dữ liệu.

Để doanh nghiệp phát triển tốt, cần có sự gắn kết chặt chẽ với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước. Cần có nhiều Think Tank thuộc doanh nghiệp để phát huy vai trò phân tích, tư vấn hiệu quả về chính sách vĩ mô cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ.

Minh Hoa