Thừa Thiên-Huế: Số tiền bảo vệ rừng có dấu hiệu 'cắt xén' đã về đâu?

Giữa lúc nạn phá rừng ở huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế) đang làm “đau đầu” các lực lượng chức năng địa phương thì câu chuyện tiền khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 75 có dấu hiệu bị “cắt xén” ở một điểm “nóng” về lâm tặc như xã Hồng Thủy (huyện A Lưới) càng thu hút sự quan tâm, theo dõi của dư luận.

Xã Hồng Thủy là một điểm "nóng" phá rừng ở tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Đây là số tiền lấy từ nguồn ngân sách của Trung ương, sau đó được đưa về địa phương và chính quyền xã sẽ chủ động hợp đồng, chi trả với các nhóm hộ bảo vệ rừng. Các nhóm hộ này đa phần là những bà con dân tộc thiểu số tại chỗ, cuộc sống quanh năm gắn bó với núi rừng. Ngân sách chi trả của Nghị định 75 chính là sự động viên giúp họ có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ, phát huy nguồn lợi hợp pháp từ những cánh rừng một cách có tổ chức, quy củ. Chính việc gắn liền giữa kế mưu sinh và trách nhiệm mà diện tích rừng tự nhiên được giao cho bà con địa phương bảo vệ đã ít suy giảm cũng như nạn lâm tặc vì thế mà “giảm nhiệt” hơn nhiều.

Bởi vậy, không thể chấp nhận được khi số tiền có hạn của Nghị định 75 về đến bà con lại có dấu hiệu bị “cắt xén”, sử dụng sai mục đích.

Trên hành trình đi tìm nguyên nhân nạn phá rừng ở xã Hồng Thủy luôn được coi là điểm “nóng”, PV Người đưa tin Pháp luật đã phát hiện sự bất minh trong việc chi trả tiền khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 75 cho bà con nơi đây.

Theo đó, mặc dù trên giấy tờ, việc chi trả số tiền này được ký nhận đầy đủ nhưng thực tế, rất nhiều người dân lại chỉ được một nửa số tiền.

Ông Nguyễn Minh Nơn, trú ở thôn Kê 2, xã Hồng Thủy làm nhóm trưởng có 12 thành viên. Trong bản danh sách nhận tiền ghi ông Nơn nhận 2.784.000 đồng, 11 thành viên còn lại mỗi người nhận 2.600.000 đồng với tổng số tiền là 31.384.000 đồng. Thế nhưng, trên thực tế, trình bày với PV, ông Nơn cho biết, ông và các thành viên chỉ nhận mỗi người 1.300.000 đồng với tổng 15.600.000 đồng.

Nhóm do ông Trần Văn Núi, trú ở thôn Kê 1, xã Hồng Thủy làm nhóm trưởng có 12 thành viên, số tiền trong danh sách mà ông Núi nhận là 2.895.000 đồng, các thành viên còn lại nhận 2.870.000 đồng với tổng số tiền 34.465.000 đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, trao đổi với PV, ông Núi cho biết, bản thân ông và các thành viên chỉ nhận mỗi người 1.400.000 đồng.

Lý giải về việc chi trả bất minh này, ông A Kơ Tiến, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy cho hay, sau khi nhận tiền thì các nhóm đã đồng ý trích lại cho UBND xã 30% để đối ứng trong việc làm hội trường, mua sắm các trang thiết bị… Từ “sự tự nguyện” này, theo ông Tiến, gần 300 triệu đã được xã giữ lại.

Ông A Kơ Tiến, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy làm việc với PV.

“Thưa ông, số tiền này hiện ai đang giữ và đã chi tiêu vào những việc gì?”, PV đặt câu hỏi.

Ông Tiến cho biết, số tiền này hiện kế toán đang giữ. Trong đó, có 15 triệu đồng đã được ứng cho việc thực hiện bảo rừng năm 2021 và khoảng 4-5 triệu đồng đã được chi cho 2 buổi liên hoan, “ăn nhậu” cho các nhóm hộ bảo vệ rừng trước đó.

Tại buổi làm việc, để minh chứng cho sự đồng ý về trích lại 30% số tiền của các nhóm hộ cho UBND xã, ông A Kơ Tiến đã cung cấp cho PV một biên bản về cuộc họp với sự góp mặt của 18/20 nhóm hộ trước đó. Tuy nhiên, việc ký đồng ý ghi trong biên bản này chỉ có 3 người.

Đặc biệt, trong biên bản có ghi ông Hồ Văn Khê là một trong những người đề xuất, đồng ý cho việc trích lại 30% số tiền khoán bảo vệ rừng cho xã.

Tuy nhiên, khi làm việc với PV, ông Khê cho biết, bản thân mình nhận được 3 triệu đồng tiền khoán bảo vệ rừng (Đúng với số tiền ông Khê ký nhận trong danh sách là 2.936.000 đồng- PV) và cho hay, các thành viên còn lại trong nhóm của ông chỉ nhận được 1 triệu đồng.

Ông Hồ Văn Khê làm việc với PV.

Nhiều danh sách không ghi rõ số tiền ký nhận.

Nói thêm, trên thực tế khi liên hệ với các nhóm bảo vệ rừng ở xã Hồng Thủy cùng việc đối chiếu với danh sách nhận tiền, PV ghi nhận có nhiều nhóm chỉ nhận được 50% so với số tiền đã ký, không đúng như lời ông A Kơ Tiến cho rằng chỉ trích lại 30% cho xã.

Được biết, liên quan đến vấn đề này, UBND huyện A Lưới sau khi nhận được phản ánh từ Người đưa tin Pháp luật đã cử đoàn thanh tra về làm việc với UBND xã Hồng Thủy và các nhóm hộ.

Trong một động thái khác, Trung tá Lại Phước Lợi, Trưởng Công an huyện A Lưới cho biết, cũng đã cho công an vào cuộc xác minh, làm rõ.

Lê Kông